Trong nước

Đổi mới công tác cán bộ qua phát ngôn của ông Phạm Minh Chính

Nếu quyền lực không được ban phát vô tội vạ thì những cán bộ như Trịnh Xuân Thanh và các cán bộ chủ chốt qua mấy thời kỳ của PVN không thể tác oai tác quái.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác dân vận khối Mặt trận tổ quốc sáng 25/12/2017 ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực. Ông nói: “Chúng tôi mong muốn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực. Không để cán bộ lãnh đạo, quản lý sử dụng quyền lực được Nhà nước giao như là tài sản riêng của bản thân".

Có lẽ chỉ chừng ấy từ của Trưởng ban tổ chức Trung ương đã nói lên đầy đủ hiện trạng của hệ thống trong thời gian qua, có một bộ phận lãnh đạo các cấp sử dụng quyền lực để ban phát, đề bạt không đúng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Theo ông Phạm Minh Chính, nguyên nhân của những tiêu cực đó chính từ việc giao quyền lực quá lớn nhưng không được kiểm soát tốt. Đó là thực tế.

Thực tế này đã dẫn đến những vụ việc đau lòng. Nếu quyền lực không được ban phát vô tội vạ thì những mẫu cán bộ như Trịnh Xuân Thanh và các cán bộ chủ chốt qua mấy thời kỳ của PVN không thể tác oai tác quái, mắc khuyết điểm trầm trọng khiến một ngành chủ lực như dầu khí phải lao đao, thất thoát quá nhiều tài sản quốc gia. Không chỉ người đứng đầu của PVN là ông Đinh La Thăng dù đã đảm nhiệm trọng trách lớn vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình mà rất nhiều cán bộ lãnh đạo khác cũng sa vòng lao lý.

Nếu quyền lực không được ban phát vô tội vạ thì những cán bộ như Trịnh Xuân Thanh và các cán bộ chủ chốt qua mấy thời kỳ của PVN không thể tác oai tác quái.

Bài học từ PVN chính là bài học lớn về sử dụng quyền lực như tài sản riêng thao túng hệ thống như nhận định của Trưởng ban tổ chức trung ương ông Phạm Minh Chính. Từ việc sử dụng quyền lực không đúng đã dẫn đến những lỗ hổng quản lý Nhà nước tạo ra sự tha hóa, tham nhũng tài sản, làm thất thoát ngân sách.

Chắc chắn không thừa khi nhắc lại những vụ đề bạt cán bộ lãnh đạo thời gian qua đã bị xử lý. Đề bạt chỉ là một phần trong công tác lãnh đạo nhưng nếu cấp có quyền lực làm việc này không công minh nó cũng để xảy ra những hệ quả khôn lường.

Đà Nẵng, một thành phố lớn nơi có thế mạnh về biển về núi và được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, nhưng với những vi phạm nghiêm trọng, người đứng đầu Đảng bộ tại thành phố này đã bị kỷ luật, rời mọi chức vụ chính là hồi chuông thức tỉnh cho các cấp lãnh đạo về sử dụng cán bộ. Năng lực phải là phẩm chất hàng đầu trong công tác cán bộ. Với những cán bộ cấp sở ở Quảng Nam như Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm thần tốc bất chấp quá trình, bất chấp mọi quy định thậm chí vi phạm điều lệ Đảng thì rõ ràng nói quyền lực là tài sản riêng của một số cán bộ lãnh đạo là hoàn toàn chính xác.

Còn vô khối những trường hợp khác đã bị xử lý hoặc đang trong tâm dư luận và đích của những cuộc thanh, kiểm tra. Bởi thế hoàn toàn không lạ khi tràn lan các cấp bậc từ thứ trưởng đến vụ trưởng, vụ phó đến mức có cơ quan toàn lãnh đạo không có nhân viên. Việc đề bạt bổ nhiệm cán bộ không đủ năng lực, không đúng quy định đến mức báo động. Ông Nguyễn Sĩ Cương, phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội trong một bài trả lời phỏng vấn đã chua chát cảm thán: “Giờ có quá nhiều cán bộ thuộc diện “túm tóc lôi lên” hay “bế đặt vào ghế” nên thiếu kinh nghiệm, không đủ bản lĩnh để đảm đương công việc được giao.”.

Cũng thật may mắn, hiếm có giai đoạn nào, công tác cán bộ lại có nhiều xử lý rốt ráo như hiện nay. Không có vùng cấm, không có ngoại biệt, những sai phạm của một số lãnh đạo các cấp được xử lý triệt để tạo ra những tiếng vang và niềm tin trong nhân dân. Các cấp từ Trung ương đến địa phương thời gian qua liên tục xử lý các vụ việc vi phạm nguyên tắc cán bộ và vi phạm pháp luật. Đã khởi tố, bắt giam nhiều nhân vật lãnh đạo sai phạm. Đưa ra khỏi chức vụ những trường hợp không đủ phẩm chất và vi phạm nguyên tắc, quy chế… Làm được điều đó là nhờ ở những động thái kịp thời của các cấp lãnh đạo.

Cũng theo ông Phạm Minh Chính, dưới sự chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng được 8 quy định mới thay thế cho nội dung cũ về công tác cán bộ. Trong đó cụ thể là quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Quy định 105 xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định và cấp ra quyết định về công tác cán bộ. Nếu thực hiện nghiêm túc quy định này sẽ khắc phục tình trạng khi có vụ việc vi phạm thì không thể xử lý được người vi phạm cũng như không thể tìm ra đơn vị và người chịu trách nhiệm đề bạt. Hơn thế, đối với những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất không đủ điều kiện nhất là không đáp ứng được với những quy định hiện hành sẽ không thể được đề bạt vào bộ máy.

Một khi đã phân định rạch ròi trách nhiệm và làm chặt chẽ công tác cán bộ, chắc chắn không thể còn hiện tượng “cán bộ lãnh đạo dùng quyền lực như tài sản riêng”. Tất nhiên cần phải có chế tài giám sát tốt ở tất cả các cấp lãnh đạo. Và khi đó những chiếc ghế quyền lực hoàn toàn có hy vọng được đặt vào đúng người có tầm có tâm. Đất nước sẽ may mắn để không phải gánh chịu những thảm họa về công tác cán bộ như đã từng.

Tác giả: Phạm Ngọc Tiến

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP