Thể thao

Doanh nhân trả 206 triệu đấu giá chiếc HCV của Trọng Hoàng: "Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm một ông bầu bóng đá"

"Trọng Hoàng mang một vật phẩm rất quý giá ra để chia sẻ với xã hội. Nếu một người nào đó trả giá cao hơn tôi thì họ đang đóng góp được cho xã hội lớn hơn tôi, đó là việc tốt" - Anh Phạm Ngọc Quốc Cường nói.

Doanh nhân Phạm Ngọc Quốc Cường - Thành viên HĐQT của Tổng Công ty Công trình Đường sắt (RCC), Tổng Giám đốc của công ty bất động sản Thành Nam (Thành Nam Land)

Giữa thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại Việt Nam, tiền vệ Trọng Hoàng đã quyết định dành tặng tấm Huy chương vàng giành được ở SEA Games 2019 - một kỉ vật mà anh rất trân quý cho hội thiện nguyện Hạt Vừng để đấu giá trong chương trình mang tên "Tiệm Tạp hóa tình yêu", chung tay gây quỹ mua máy thở cho bệnh nhân tại TPHCM.

Hiện tại đã có những doanh nhân đưa ra mức giá rất cao. Ngoài ra, rất nhiều người hưởng ứng, tham gia sự kiện này bằng những nút like, share và bình luận trên trang facebook Trọng Hoàng cũng như các cộng sự của anh.

Trong đó, người đang trả giá cao nhất với số tiền 206 triệu đồng là doanh nhân Phạm Ngọc Quốc Cường – Người nổi tiếng với bộ sưu tập hiện vật bóng đá thế giới quý hiếm.

Chúng tôi đã liên hệ với vị doanh nhân này để nghe anh chia sẻ về lý do trả giá 206 triệu đồng cho chiếc Huy chương của Trọng Hoàng.

"VỚI NHỮNG CUỘC ĐẤU GIÁ NHƯ NÀY, KHÔNG AI CÓ MỤC ĐÍCH TRANH GIÀNH"

Khi đưa ra con số 206 triệu đồng để đấu giá mua chiếc huy chương của Trọng Hoàng, anh đã suy nghĩ gì, thưa anh?

Thật ra quyết định này đến từ việc tôi cảm thấy cảm kích về hành động của Trọng Hoàng khi bạn ấy quyết định tặng cho hội thiện nguyện tấm huy chương vàng SEA Games - kỷ niệm cho thành công lớn nhất được ghi nhận trong sự nghiệp của mình.

Trước khi đấu giá chiếc huy chương này, tôi cũng đã một vài lần đấu giá những vật phẩm khác liên quan đến bóng đá. Sau khi thấy những người bạn của tôi chia sẻ về sự kiện này, cũng như đọc qua những tâm tư của Trọng Hoàng khi muốn đem huy chương của mình đấu giá để có thể mang lại lợi ích cho xã hội, đóng góp cho việc chống dịch COVID-19 thì tôi quyết định tham gia.

Doanh nhân Phạm Ngọc Quốc Cường bên chiếc áo số 2 của cầu thủ Duy Mạnh tặng.

Hiện quá trình đấu giá vẫn đang diễn ra, nếu có người khác trả giá quá cao, anh không phải là người chiến thắng, anh sẽ cảm thấy thế nào?

Như chia sẻ của tôi ở trên, với những cuộc đấu giá như này thì tôi hay bất kỳ một người nào khác tham gia hoàn toàn không nhằm mục đích tranh giành. Tôi nghĩ nếu trong một hoàn cảnh khác, khi đem bán những vật phẩm này sẽ không thu hút được nhiều người quan tâm và mua như vậy đâu.

Thật ra tất cả mọi người ủng hộ là vì sự đóng góp ý nghĩa của Trọng Hoàng. Cậu ấy mang một vật phẩm rất quý giá ra để chia sẻ với xã hội nên đối với tôi, đây không phải chuyện mình tranh nhau một vật phẩm gì đó mà quan trọng là mình đóng góp được gì cho xã hội.

Tất nhiên, nếu một người nào đó trả một giá cao hơn thì họ cũng đang đóng góp được cho xã hội lớn hơn tôi, đó là việc tốt thôi, tôi rất vui vì điều đó. Coi như có thêm một người nữa có thể tham gia vào những hoạt động hỗ trợ, giúp cho nước mình chống dịch được tốt hơn. Còn tôi có thể lại tham gia những hoạt động khác. (cười)

Tấm huy chương vàng cúp quốc gia được tiền đạo Văn Quyết tặng cho doanh nhân Quốc Cường.

Nếu có người cho rằng anh đấu giá chiếc huy chương của Trọng Hoàng để quảng cáo cho mình thì anh sẽ nói gì?

Việc quảng cáo về bản chất nó không xấu. Xét về tất cả các công việc bình thường như đầu tư hay bán hàng... việc gì cũng phải quảng cáo. Quảng cáo bản thân cũng chỉ là một việc tương tự như vậy thôi.

Tuy nhiên, khi đặt ra những câu hỏi, mọi người phải nhìn xem câu chuyện là người ta làm việc đó vì mục đích gì? Ở đây, tôi không phải người làm trong ngành dịch vụ, tôi không bán hàng và cũng không làm trong lĩnh vực giải trí nên câu chuyện để quảng cáo cho bản thân, nó không cần thiết.

Nếu xét trên một phương diện khác, tôi làm việc này để quảng cáo cho các doanh nghiệp, các khoản đầu tư của tôi thì đó mới là ần thiết. Hai câu chuyện ở đây hoàn toàn khác nhau nên không có lý do gì tôi tham gia đấu giá để quảng cáo bản thân.

Anh Tuấn Anh VTV (bên phải) tặng doanh nhân Quốc Cường áo số 22 của đội trưởng Phan Văn Tài Em mặc trong trận chung kết AFF Cup 2008.

Thậm chí đối với những người làm đầu tư như tôi, việc đấu giá như này, giả sử có nhiều người nói thì còn gặp tác dụng ngược một chút. Vì những người làm về đầu tư tài chính, cụ thể như đối tác của tôi, người ta mà không hiểu tôi tham gia những cái này chỉ vì đam mê, một niềm yêu thích của mình thôi thì họ nhiều khi còn cảm thấy hơi nghi ngại khi cùng hợp tác với mình.

"KHI BẮT ĐẦU SƯU TẬP, TÔI KHÔNG CÓ MỤC ĐÍCH TẠO THÀNH MỘT CÁI GÌ ĐÓ"

Anh nổi tiếng bởi bộ sưu tầm các hiện vật bóng đá rất đồ sộ. Thú chơi này bắt đầu như thế nào vậy?

Việc tôi sưu tập các hiện vật bóng đá xảy ra từ rất lâu rồi, đấy là một niềm đam mê thôi. Nó hoàn toàn không có liên quan đến công việc hay cuộc sống của tôi.

Đây có lẽ là đam mê đầu tiên trong cuộc đời vì ngay từ lúc còn bé khi xem đá bóng, tôi đã cảm thấy yêu thích. Bao giờ cũng thế thôi, một người đam mê một thứ gì đó, bao giờ cũng muốn có những vật phẩm liên quan đến niềm đam mê đấy.

Trong quá trình làm việc, dần dần tôi có điều kiện, cơ hội từ anh em bạn bè, tiếp xúc với những người có cùng niềm đam mê đó, thì cứ sưu tầm dần dần. Đến một lúc nào đó số lượng vật phẩm tự nhiên dày lên chứ lúc bắt đầu sưu tầm, tôi không có mục đích là để tạo thành một cái gì đó.

Một góc phòng trưng bày hiện vật bóng đá thế giới của vị doanh nhân trẻ.

Quá trình sưu tầm ấy có câu chuyện nào khiến anh nhớ nhất?

Trong quá trình sưu tầm chắc chắn sẽ có lúc gặp khó khăn vì có những vật phẩm rất khó để có thể có được.

Đối với tôi, trong quá trình sưu tầm, cái đáng nhớ nhất, ý nghĩa nhất là những người bạn, những mối quan hệ mới, những người có cùng đam mê về bóng đá và sưu tầm. Chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, giúp đỡ nhau.

Có những vật phẩm không quá đắt giá và cái đắt giá nhất là mang lại tình cảm giữa những người anh em có chung đam mê mãnh liệt với bóng đá. Chính những cái đó làm cho tôi nhớ hơn tất cả những câu chuyện mình làm sao có được vật phẩm này hay vật phẩm khác.

Tranh vẽ Maradona là một vật phẩm doanh nhân Quốc Cường đấu giá để làm từ thiện trong đợt lũ lụt miền Trung.

Bộ sưu tập của anh bao gồm cả hiện vật của cầu thủ Việt Nam hay hoàn toàn là hiện vật bóng đá thế giới?

Tôi có rất nhiều loại hiện vật, phòng trưng bày cũng chỉ bày được một số hiện vật mà tôi cảm thấy vui vui, làm thành một không gian để cùng anh em bạn bè xem bóng đá. Vì không gian hạn chế nên tôi không thể đem bày tất cả những hiện vật mà tôi có được.

Ngoài bóng đá thế giới, tôi cũng sưu tầm không ít hiện vật của bóng đá Việt Nam và phải có dịp nào đó mới bày ra. Ví dụ hôm nào Việt Nam mình đá, tôi có thể thay toàn bộ áo quốc tế thành áo của Việt Nam mình.

"Hôm nào Việt Nam mình đá, tôi có thể thay toàn bộ áo quốc tế thành áo của Việt Nam"

"TÔI CHƯA BAO GIỜ NGHĨ MÌNH SẼ THÀNH MỘT ÔNG BẦU BÓNG ĐÁ"

Xin hỏi, hiện tại công việc kinh doanh của anh là gì?

Tóm gọn lại từ lúc tôi đi học ở nước ngoài và về Việt Nam tới giờ, tôi đều làm về đầu tư.

Đầu tiên, tôi khởi nghiệp làm qua một vài công ty quản lý quỹ đầu tư. Trong quá trình đó, tôi đã gây dựng nên một số vốn nhất định, rồi cũng tham gia đầu tư vào các dự án, các doanh nghiệp, đầu tư cổ phiếu, bất động sản,...

Hiện tại, công việc chính của tôi là đầu tư vào các doanh nghiệp làm về bất động sản, sản xuất. Cụ thể, tôi đang là thành viên HĐQT của Tổng Công ty Công trình Đường sắt (RCC), Tổng Giám đốc của công ty bất động sản Thành Nam (Thành Nam Land) và làm thành viên HĐQT của các công ty về khai thác mỏ như Phú Nam Sơn,...

Công việc kinh doanh hiện giờ của anh có gặp khó khăn trong đại dịch này không?

Trong thời gian dịch bệnh này, thì không một lĩnh vực hay ngành nghề nào không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên bọn tôi có nhiều doanh nghiệp với đủ các mảng khác nhau, ảnh hưởng của COVID-19 lên mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau.

Ví dụ những mảng liên quan đến đầu tư về tài chính, BĐS, hay cổ phiếu là những khoản đầu tư lâu dài, tính theo vài năm một. COVID-19 hoành hành trong 1-2 năm thì có ảnh hưởng một chút gì đó làm dự án của mình bị chậm đi, nhưng cũng không ảnh hưởng quá lớn vì ngay từ đầu, những khoản đầu tư đấy xác định là lâu dài.

Ảnh hưởng chính và nhiều nhất là những doanh nghiệp chuyên về sản xuất. Rất khó khăn trong những câu chuyện về con người đi làm, hàng hóa, vận chuyển,... Tuy nhiên, đối với tôi hiện tại khó khăn cũng không phải quá lớn vì đối với việc đầu tư thì quan trọng nhất là quản lý tài chính vững chắc.

Khi đối mặt với những khó khăn đấy, tôi đã có những kế hoạch và sự chuẩn bị tốt về mặt tài chính rồi, sẵn sàng duy trì, từng bước vượt qua. Tôi tin chuyện gì rồi cũng sẽ đến lúc phải chấm dứt thôi, dịch bệnh cũng vậy.

Đam mê bóng đá như vậy, anh có ý định trở thành một ông bầu bóng đá không?

Tôi thật sự chưa có lúc nào nghĩ đến chuyện sẽ đi làm một ông bầu bóng đá cả. Vì như những công việc mà tôi đang làm thì khối lượng công việc khá lớn. Đối với tôi, đam mê chỉ là đam mê còn suy nghĩ về chuyện kinh doanh nó lại là một câu chuyện khác.

Tôi nhìn thấy bức tranh của nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam còn mới và cần phải có những người rất là đam mê, yêu thích và hy sinh dành cho nó.

Đối với Phạm Ngọc Quốc Cường, đam mê chỉ là đam mê còn suy nghĩ về chuyện kinh doanh bóng đá lại là một câu chuyện khác.

Chứ thực ra để làm kinh doanh một cách chuyên nghiệp về bóng đá thì Việt Nam hiện tại còn rất khó khăn chứ không giống như ở nước ngoài.

Một câu lạc bộ bóng đá ở nước ngoài khi kinh doanh thì họ có rất nhiều nguồn thu từ bán áo, vật phẩm xịn, chuẩn từ các CLB đó. Các cổ động viên, những fan trung thành trên thế giới hưởng ứng rất nhiều.

Ví dụ, thời Real Mandrid mua Ronaldo, có rất nhiều người đặt câu hỏi là họ lấy đâu ra tiền nhưng cuối cùng chỉ trong vòng 1 tháng, doanh số bán áo của Ronaldo đã đủ bằng cả số tiền họ ký hợp đồng chuyển nhượng đấy rồi.

Đó chính là sự khác biệt với Việt Nam, khi các CLB vẫn chưa có các hình thức kinh doanh vật phẩm, các fan hâm mộ cũng chưa có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua những vật phẩm của CLB.

Từ đó, để phát triển thành một ngành nghề kinh doanh được còn cần rất nhiều thời gian nữa để thay đổi nó.

Cuối cùng, anh có gửi gắm điều gì đến những người dân trong vùng dịch và lực lượng y bác sĩ đang căng mình chống dịch không?

Hiện tại, dịch COVID-19 khiến ai cũng khó khăn và vất vả. Người dân, bác sĩ, doanh nghiệp, các gia đình đều có những khó khăn riêng và chung không thể kể hết được. Trong bối cảnh như thế, cần nhất là mọi người phải có trách nhiệm, cố gắng, đồng lòng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau cố gắng để vượt qua đại dịch.

Mỗi người sẽ có những nỗi niềm và câu chuyện riêng. Các bác sĩ suốt ngày phải đối mặt với những bệnh nhân và sự thiếu thốn về cơ sở vật chất hay số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhiều chẳng hạn thì họ sẽ bị áp lực, không có thời gian dành cho bản thân và gia đình.

Hay những người lao động không được đi làm, bị mất việc thì họ không có thu nhập để trang trải cuộc sống,... và vô vàn khó khăn trong giai đoạn này nên mỗi người có thể tham gia vào việc góp ích, chia sẻ cho xã hội này dù ít dù nhiều đều rất đáng quý.

Cảm ơn anh rất nhiều về những chia sẻ này và chúc anh thật nhiều sức khỏe!

(Ảnh: NVCC)

Tác giả: Hải Yến

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP