Kinh tế

Doanh nghiệp lo mất Tết khi hàng mắc kẹt ở cửa khẩu

Hàng nghìn xe container chở rau củ quả tươi đang ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc, tương đương với hàng nghìn tỷ đồng tổn thất của các doanh nghiệp.

"Mất trắng" là cách ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTP Safari (Long An), miêu tả về những lô hàng trái cây cuối năm xuất sang Trung Quốc.

Thanh long, xoài và mít của công ty ông mất 3 ngày để đi từ Long An ra Lạng Sơn, thông thường thời gian thông quan và vào chợ biên giới thêm 7-10 ngày nữa.

Những lần kẹt cửa khẩu trước đây, các xe container chỉ cần chờ 10-15 ngày là thông quan được. Còn bây giờ, có những xe đã xuất phát từ cuối tháng 11 nhưng vẫn chưa thể vào bãi, chưa nói đến sang xe hay vào đến chợ của nước bạn.

Hàng nghìn tỷ đồng không thể vớt vát

Hiện tại là mùa thanh long, xoài và mít. Theo ông Phương, thanh long có thể bảo quản được một tháng, nhưng nếu xuống màu sẽ mất giá. Còn xoài và mít trong vòng 20 ngày mà không thể thông quan sẽ bị hư hỏng.

"Tình trạng ùn tắc ngày càng kéo dài, những xe container chạy sớm trước 25/11 đã sang được Trung Quốc, còn lại tôi phải thu hồi. Xoài và mít coi như mất trắng, còn thanh long thì tôi mới cho xe quay đầu về Hà Nội bán, bán được nhiêu hay bấy nhiêu để lấy lại cước xe, chứ tiền hàng thì chịu thua", ông Phương tâm sự.

Hàng hóa có thể hư hỏng nếu không thông quan kịp. Ảnh: Thạch Thảo.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây như MPT Safari, dịp cuối năm, Tết Nguyên đán là cơ hội mang về doanh thu lớn. Đặc biệt, sau một năm chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch thứ 4, các doanh nghiệp lại càng kỳ vọng nhiều hơn vào cao điểm tiêu dùng này.

"Nhưng đợt này doanh nghiệp thua, mất trắng, mất Tết. Dịch thế này bế tắc quá", ông nói.

Là Phó chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, ông Phương cho biết tính chung các doanh nghiệp, hợp tác xã trong hiệp hội, tổng cộng đang có khoảng 600-700 xe container thanh long mắc kẹt ở Lạng Sơn, Lào Cai.

"Một số công ty lớn ở Long An, Bình Thuận, theo tôi biết, đang có hơn 100 xe chưa thể thông quan. Sản lượng năm nay đã giảm khoảng 30-40% so với mọi năm mà còn kẹt vậy, may mà chúng tôi đã khuyến cáo bà con giảm sản lượng", ông chia sẻ.

Trao đổi với Zing, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - ước tính trị giá hàng hóa trên mỗi xe container lên đến khoảng 500-600 triệu đồng. Số ít hàng hóa nếu có thể bán lại trong thị trường nội địa cũng chỉ thu hồi được 10-20% giá trị. Do đó, với gần 5.000 xe đang mắc kẹt, tổng giá trị hàng hóa tổn thất xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Chưa kể, những mặt hàng đang xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc trong thời gian này là mít, xoài, thanh long đến từ các tỉnh miền Tây, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... nên chi phí vận chuyển từ vườn đến cửa khẩu đã mất từ 80-100 triệu đồng/xe.

"Cứ mỗi ngày mắc kẹt, doanh nghiệp lại mất thêm khoảng 1,5 triệu đồng/xe cho các chi phí bến bãi, tiền xăng dầu để duy trì nhiệt độ bảo quản trái cây, chi phí ăn uống cho tài xế...", ông Nguyên nói thêm.

Làm sao giảm tổn thất cho doanh nghiệp?

Theo ông Phương và ông Nguyên, hàng hóa xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khác. Do đó, giải pháp duy nhất là tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, sau nhiều ngày mắc kẹt ở cửa khẩu, giá trị hàng hóa đã sụt giảm, không thể đem bán với mức giá mong muốn.

Trong lúc này, doanh nghiệp cần chủ động thu hẹp quy mô sản xuất, bởi tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài. "Chỉ khi Trung Quốc thay đổi chính sách, sống chung với Covid-19 thì mới chấm dứt được tình trạng này. Chứ như hiện tại cứ phát hiện một ca F0 là đóng cửa biên giới", ông Đặng Phúc Nguyên nêu quan điểm.

Tình trạng ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc dự kiến còn kéo dài. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo tính toán của Cục Hải quan Lạng Sơn, nếu Trung Quốc tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch tại cửa khẩu, với năng lực thông quan khoảng 100 xe/ngày hiện nay tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn thì cần 44 ngày nữa để giải quyết hơn 4.400 xe hàng đang ùn ứ tại đây.

Hiện tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản gửi các tỉnh, thành có lượng nông sản lớn thông báo người dân giảm lượng xe đưa đến cửa khẩu, tập trung tìm thị trường tiêu thụ trong nước. Đồng thời, các ngành đang đề nghị Sở Tài chính tỉnh điều chỉnh giảm mức phí kho bãi cho các doanh nghiệp.

Còn tại Quảng Ninh, mặc dù tình trạng ách tắc không nghiêm trọng như Lạng Sơn nhưng Cục Hải quan tỉnh cũng đang thực hiện trực 24/24 để hướng dẫn và giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu.

"Tại lối mở Cầu Phao Km 3+4 thuộc TP Móng Cái, trước đó, hàng hóa xuất khẩu nông thủy sản thu 200.000 đồng/ngày nhưng gần đây giảm thu còn 100.000 đồng/ngày. Tại bãi tập kết trước đây thu phương tiện nhập vào 400.000 đồng/ngày, đối với phương tiện đã lưu hồ sơ mức thu còn 200.000 đồng/ngày", ông Trần Quang Trung - Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Tác giả: Lan Anh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP