Cuộc sống

Điều đắt giá sau vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên

“Chúng ta là người ngoại cuộc, đừng nên phán xét chuyện ly hôn của ông Vũ, bà Thảo, mà từ đó hãy nhìn lại hôn nhân của mình và giá trị của nó”, nhà văn Hoàng Anh Tú viết.

Mấy ngày qua, câu chuyện ly hôn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên nhận được nhiều quan tâm của dư luận.

Ở phiên tòa, ông Vũ và bà Thảo tranh luận rất gay các vấn đề hôn nhân, con cái và tài sản, nhưng điều mà cả hai quan tâm là thương hiệu Trung Nguyên.

Bà Thảo cho rằng, không muốn Trung Nguyên rơi vào tay người khác. Ông Vũ cũng cho rằng, ông không cần tiền, chỉ cần Trung Nguyên. Ông không muốn để thương hiệu này rơi vào tay bào Thảo.

Ngoài những ý kiến khen, chê, bàn tán, còn có ý kiến cho rằng, hãy nhìn lại cuộc hôn nhân của gia đình mình từ câu chuyện của vợ chồng thương hiệu cà phê lớn.

Theo dõi phiên xử từ đầu đến cuối, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, chúng ta đừng nên phán xét, mà hãy nhìn lại cuộc hôn nhân của mình thông qua câu chuyện ly hôn của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo.

"Là giá trị của chúng ta đặt vào đâu? Hôn nhân của chúng ta đáng giá bao nhiêu? Chúng ta có thể sẵn sàng đánh đổi cả cơ nghiệp để giữ lại cuộc hôn nhân của mình hay không?

Trước khi mọi thứ vỡ tan tành thế này, cuộc hôn nhân đó đã trôi nổi nơi nào? Họ đã làm gì để nuôi dưỡng cuộc hôn nhân đó, để gìn giữ cuộc hôn nhân đó?

Cả ông Vũ và bà Thảo đều không muốn mất Trung Nguyên.

Những đứa con vốn không phải là thứ neo giữ một cuộc hôn nhân đâu. Vì dù hai bạn có ly dị thì con cái vẫn là con cái của hai bạn. Nó là thứ không thể thay đổi. Tuyệt đối không!

Dù bố nó đối xử tệ với mẹ nó thì con cái vẫn không thể thay đổi được việc ông ấy vẫn là cụ thân sinh ra chúng. Hay dù một bà mẹ đẻ con ra rồi vứt con đi cho chồng nuôi thì bà ấy vẫn là mẹ đẻ.

Tuyệt đối không thể thay đổi. Nó hiển nhiên đến đau lòng vậy đấy! Nên việc có với nhau bao nhiêu đứa con chẳng phải là bảo chứng giúp giữ lại một cuộc hôn nhân đã mục ruỗng từ tận gốc.

Nghĩa tào khang hay số năm tháng người ta sống chung với nhau cũng vậy. Nó có giá trị hay không vốn chẳng phải số năm họ đã có mà lại là số năm họ muốn có tiếp với nhau cơ.

Thế nên người đầu gối tay ấp với nhau mấy chục năm mà không còn muốn sống tiếp cùng nhau ngày nào nữa thì thậm nguy rồi. Giữ lại làm gì cuộc hôn nhân đã chẳng còn ham hố ấy?

Cuộc đời vốn là hiện tại và tương lai, quá khứ chỉ là thứ vĩnh viễn nằm lại phía sau. Nuối tiếc hay cố giữ chỉ khiến ta đau đớn khôn xiết mà thôi!

Sáng nay, vợ tôi tag tôi vào một bài viết. Đại loại là mẫu số chung của một gia đình hạnh phúc là 'Mẹ được chiều chuộng quan tâm, Bố được tôn trọng, tự hào, Con được tiếp nhận, lắng nghe'. Đó vốn là điều vô cùng dễ hiểu, dễ thực hiện. Chỉ là nhiều người chồng quên câu “Happy wife- Happy Life”, Hoàng Anh Tú viết.

"Nhiều người vợ quên rằng đàn ông cần được tôn trọng mà hơi tí lại rẻ rúng chồng khi so sánh chồng mình với người khác, đòi hỏi chồng mình bằng sự tham lam muốn hơn phân những người phụ nữ khác, coi thường chồng nên chỉ thấy những điều tệ từ chồng, thấy những điều chồng mình không làm mà không thấy những điều chồng mình đã làm.

Và con cái, bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra chỉ là bởi tự nhiên vậy, lấy chồng thì phải sinh con, tự nhiên vậy, con cái là để ràng buộc trói nghiến vợ mình, chồng mình. Là còn chưa kể có người giận chồng mà giận lẫy sang con, coi con như cái nợ mắc phải khi lấy một gã chồng chả ra gì. Con cái không phải huân chương của cha mẹ. Con cái lại càng không phải khoản đầu tư của cha mẹ để tuổi già có người nuôi mình.

Chuyện vợ chồng Thảo, Vũ vốn là chuyện riêng nhà họ nhưng sẽ thật hữu ích nếu chúng ta cùng nhìn lại chính cuộc hôn nhân của mình, về giá trị của nó trong cuộc đời mình. Chứ không phải dùng nó để lên án ông Vũ hay bà Thảo. Nghĩ về hôn nhân của mình thêm chút nữa hôm nay!”, nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ.

Tác giả: Diệu Thuần

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP