Trong tỉnh

Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh ở miền Bắc, cán bộ trạm kiểm dịch Nghệ An vẫn thờ ơ

Trong khi cả nước đang nỗ lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi thì tại tỉnh Nghệ An, công tác phòng ngừa dịch vẫn diễn ra một cách hời hợt.

Video: Ăn thịt lợn mắc dịch tả châu Phi nguy hiểm thế nào?

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại tỉnh Thanh Hóa (tỉnh giáp ranh với Nghệ An), tuy nhiên, công tác phòng ngừa dịch tả ở Nghệ An đang bị coi thường.

Trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An luôn vắng người trực.

Theo quan sát thực tế của PV VTC News từ 16h đến 23h ngày 3/3, tại Trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An đóng tại thị xã Hoàng Mai, mỗi ca chỉ có 1 cán bộ ngành thú y trực. Còn CSGT và cán bộ quản lý thị trường không hề xuất hiện tại trạm kiểm dịch.

Ban ngày, cán bộ thú y làm việc đúng quy trình, nhưng càng về đêm thì việc kiểm dịch càng qua loa, thậm chí không phun thuốc phòng ngừa dịch tả cho xe chở lợn.

Mỗi khi có xe dừng trước trạm kiểm dịch, cán bộ thú y lại trèo qua dải phân cách để làm nhiệm vụ

Lúc 18h05, một xe tải BKS 36C-134.56 chủ động bật xin-nhan xin đường vào trạm kiểm dịch, một lát sau có 1 cán bộ ngành thú y từ bên kia đường trèo qua dải phân cách giữa đi về phía xe ô tô. Cán bộ thú y này đi quanh 15 giây rồi lấy vòi ra phun. Sau khi xe đi, vị cán bộ thú y lại băng qua đường để về ngồi ở chốt bên kia.

Tương tự, lúc 19h45, xe tải 47C-123.33 cũng chủ động xi-nhan rẽ vào Trạm kiểm dịch, sau đó cán bộ thú y ra làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, đến 20h18, xe tải BKS 98C-100.66 chở lợn tiếp tục chủ động dừng chờ trước trạm kiểm dịch nhưng phải một lúc sau mới thấy cán bộ thú y trèo qua dải phân cách, băng qua đường đến kiểm tra xe.

Xe tải 98C-100.56 chở lợn qua trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An nhưng không được phun thuốc phòng ngừa dịch tả.

Đến 22h00, xe tải 98C-112.88 đi quá trạm kiểm dịch khoảng 100m thì lùi xe quay lại. Tuy nhiên, lúc này trạm không có người trực nên tài xế phải trèo qua dải phân cách QL1, tới chốt trực bên kia đường để làm thủ tục.

Gần 2 phút sau, tài xế quay về, lái xe đi tiếp theo hướng Bắc - Nam mà không được cán bộ thú y phun khử trùng phòng dịch tả châu Phi.

22h ngày 3/3, xe thải 98C-112.88 chở lợn qua trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An nhưng không được phun thuốc phòng dịch tả Châu Phi.

PV VTC News tiếp tục có mặt tại chốt kiểm dịch trên đường Hồ Chí Minh tại địa bàn xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa).

Lúc 23h50 ngày 3/3 đến 0h10 ngày 4/3, chốt kiểm dịch này không hề có một bóng người. Đèn điện vẫn thắp sáng, nhóm PV dừng xe chụp ảnh gần 20 phút nhưng cũng không có ai xuất hiện. Trên đường, các xe ô tô vẫn đi lại nhiều.

Chốt kiểm dịch trên đường Hồ Chí Minh, tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) không có người trực

Trước đó, ngày 27/2, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thành lập Chốt/Tổ kiểm dịch tạm thời, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phòng chống Dịch tả lợn châu Phi. Chốt Kiểm dịch trên đường Hồ Chí Minh, đóng tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn.

Tổ kiểm tra liên ngành hoạt động tại các huyện. Ngoài ra, Trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An đóng tại thị xã Hoàng Mai cũng đã được bổ sung thêm lực lượng CSGT và quản lý thị trường.

Theo đó, tất cả Trạm, Chốt và Tổ liên ngành phải trực 24h/24h trong ngày, kể cả ngày nghỉ, thứ 7 và chủ nhật. Các trạm này chia làm 3 ca, mỗi ca 4 người gồm 2 cán bộ ngành thú ý, 1 cán bộ cảnh sát giao thông, 1 cán bộ Quản lý thị trường, do cán bộ ngành thú y làm trưởng ca.

Cả nước hiện đã có Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương có dịch bệnh. Số lượng heo phải tiêu hủy đến ngày 3-3 là 3.925 con. Hiện nay, Hưng Yên tương đối nặng nề, Thái Bình lây lan nhanh.

Bệnh chỉ gây ra đối với heo (không lây nhiễm, gây bệnh ở người) với tốc độ lây rất nhanh nên nguy cơ thiệt hại rất lớn. Heo mắc bệnh không điều trị được, khả năng chết lên đến 100%. Virút gây bệnh có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm của heo, lan truyền qua không khí, thức ăn, nước uống, phương tiện vận chuyển... nên rất phức tạp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Tác giả: TRẦN LỘC

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP