Trong nước

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương liên tục "đổi màu"

Số ca mắc Covid-19 tăng là do người từ các vùng dịch về địa phương và mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn.

Bộ Y tế cho biết ngày 5-11, nước ta ghi nhận 7.504 ca mắc Covid-19 tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó 3.207 ca ngoài cộng đồng. Số nhiễm mới tăng hơn 900 ca so với ngày trước đó.

Liên tục "đổi màu"

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương. Theo Bộ Y tế, trong 1 tuần qua, cả nước ghi nhận 40.490 ca mắc mới Covid-19, tăng 12.632 ca so 7 ngày trước đó. Cả nước ghi nhận 18.073 ca mắc trong cộng đồng, tăng 6.324 ca so với 7 ngày trước.

Trong vòng 1 tuần qua, đã có sự thay đổi về số lượng cấp độ dịch phạm vi xã, phường như sau: Giảm 142 xã, phường cấp độ 1, 2; tăng 142 xã, phường cấp độ 3, 4. Hiện 13/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin Covid-19 cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương.

Trong 10 ngày trở lại đây, nhiều địa phương "đổi màu" cấp độ dịch từ xanh sang vàng, từ vàng sang đỏ khi số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh. Đáng chú ý, đã có một tỉnh đang ở cấp độ dịch màu đỏ. Cụ thể, Hà Nội, Bắc Giang đã phải chuyển màu từ xanh sang vàng do số ca mắc trong cộng đồng gia tăng. Đáng chú ý là ngày 1-11, tỉnh Bạc Liêu đã công bố cấp độ dịch nhảy luôn 2 bước từ vàng lên đỏ khi số mắc trong ngày lên đến gần 400 ca. Đây cũng là địa phương duy nhất có màu đỏ (cấp độ dịch 4 nguy cơ rất cao). Số ca Covid-19 mới của Hà Nội liên tục gia tăng, nhiều vùng "đổi màu" liên tục. Tại TP HCM, dù màu xanh nhiều hơn vàng nhưng mỗi ngày vẫn còn xấp xỉ trên dưới 1.000 ca Covid-19 mới... Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang tạm dừng một số hoạt động từ ngày 6-11 để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Lực lượng chức năng tạm thời phong tỏa thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) Ảnh: Ngô Nhung

Nguy cơ cao nếu lơ là

Các chuyên gia y tế nhận định dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng là do người từ các vùng dịch về địa phương, mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn.

Tuần qua, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã kiểm tra tại tỉnh Tiền Giang. Tại đây, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần tập trung đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng và nâng cao tỉ lệ bao phủ vắc-xin, ưu tiên lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, người trên 50 tuổi có nguy cơ cao, song song với khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, khi tỉnh dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ Y tế cho biết trong tuần qua, số ca mắc mới trong cộng đồng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nguy cơ diễn biến khó lường. Các địa phương căn cứ vào cấp độ dịch được công bố, các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn.

Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho rằng việc chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 nhưng vẫn phải kiên trì thực hiện nguyên tắc phòng chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát y tế, dịch bệnh trong cộng đồng phải nâng cao hơn một mức so với trước đây. Các giải pháp tuyên tuyền, vận động người dân thực hiện phòng chống dịch phải thống nhất, không để lúc chặt quá, khi lỏng quá.

Ban chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ đủ vắc-xin cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ cao, rất cao; trong đó bảo đảm đủ vắc-xin, có phương án chi viện nhân lực để theo kịp tiến độ, kế hoạch tiêm vắc-xin nhanh nhất cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

Ngày 5-11, Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội chỉ đạo Bệnh viện Xanh Pôn tập trung theo dõi sức khỏe của 18 trẻ bị tiêm nhầm vắc-xin Covid-19, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Trong quá trình theo dõi, chăm sóc các trẻ, nếu có khó khăn đề nghị báo cáo khẩn về Cục Quản lý khám chữa bệnh để được hỗ trợ.

Trước đó, ngày 3-11, Trạm Y tế xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai) tiêm chủng cho các cháu có độ tuổi từ 1-6 tháng tuổi. Quá trình tiêm xảy ra sự cố tiêm nhầm vắc-xin Comirnaty ngừa Covid-19 của hãng Pfizer-BioNtech cho 18 trẻ từ 2-6 tháng tuổi. Ngay sau khi nhận được thông tin, TP Hà Nội đã chỉ đạo khẩn trương chuyển toàn bộ các cháu đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - cơ sở chuyên khoa đầu ngành về nhi của TP - để được chăm sóc y tế trong điều kiện tốt nhất. Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo Bộ Y tế và tham vấn ý kiến chuyên môn của các chuyên gia y tế hàng đầu trong nước, của Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF. Hiện sức khỏe của các cháu đều ổn định, một số có biểu hiện sốt, sưng đỏ nơi tiêm là những phản ứng thông thường sau tiêm; không có trường hợp sốc phản vệ.

Huyện Quốc Oai đã yêu cầu trung tâm y tế huyện và Trạm Y tế xã Yên Sơn đình chỉ 4 cán bộ y tế và nhân viên y tế trực tiếp tiêm để xem xét trách nhiệm và rà soát lại các quy trình tiêm chủng vắc-xin cho trẻ.

Bố trí vắc-xin tiêm cho toàn bộ nhân dân thủ đô

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cân đối nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19 trong tháng 11, 12 ưu tiên bố trí để Hà Nội tiêm cho toàn bộ nhân dân thủ đô từ 18 tuổi trở lên (có tính đến người đến từ địa phương khác nhưng đang sống, học tập và làm việc tại TP). Đồng thời, nghiên cứu kiến nghị của Hà Nội về việc hướng dẫn xét nghiệm người từ các khu vực dịch đã nhiễm sâu, tiêu chí đánh giá cấp độ dịch đối với các đô thị lớn, mật độ dân số cao để có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng; khẩn trương công bố các phác đồ điều trị Covid-19 để địa phương có cơ sở quyết định việc chuẩn bị sẵn vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức cho học sinh các cấp đi học tập trung trở lại, trong đó lưu ý việc chỉ đạo bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục, đồng thời phải tính đến tâm sinh lý của các cháu học sinh, sinh viên, của gia đình, lực lượng lao động liên quan khi dịch bệnh có thể kéo dài.

B.Trân

Tác giả: Ngọc Dung - Huy Thanh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP