Trong tỉnh

Đi xe máy tới trường, nam sinh ở Nghệ An "mất" 2 triệu đồng

Điều khiển xe mô tô dung tích trên 50cm3 đến trường, một học sinh ở Nghệ An bị phạt 2 triệu đồng.

CSGT đến tận trường tuyên truyền luật giao thông

Nhằm kéo giảm TNGT trong trường học, ngoài việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm giao thông, CSGT Nghệ An còn đến tận trường tuyên truyền, phổ biến luật giao thông và hướng dẫn cách lái xe an toàn.

Xử nghiêm học sinh vi phạm giao thông

11h ngày 26/9, PV Báo Giao thông theo chân Tổ TTKS, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) lập chốt tuần tra, xử lý học sinh điều khiển xe mô tô, xe máy điện không đội MBH, lưu thông trên QL1.

Đây là tuyến đường huyết mạch dẫn vào các xã, thị trấn nơi tập trung nhiều trường học, vào giờ cao điểm có rất đông người và phương tiện qua lại, đã xảy ra nhiều vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, thiếu quan sát khi qua đường gây mất ATGT.

CSGT Nghi Lộc xử lý nghiêm học sinh vi phạm giao thông

Trong vòng gần 1 giờ đứng chốt tại khối 4 thị trấn Quán Hành, Tổ công tác chỉ phát hiện duy nhất một trường hợp là học sinh điều khiển xe mô tô vi phạm giao thông. Tại thời điểm kiểm tra, em Nguyễn Văn Hải (SN 2003, học sinh lớp 12A trường THPT Nguyễn Thức Tự) dưới 18 tuổi, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích 50cm3 trở lên. Khi bị buộc tạm giữ phương tiện 7 ngày, Hải thanh minh: “Do nhà xa, mấy ngày nay xe máy điện bị hỏng nên cháu mới lấy xe của bố đi học. Cháu không nghĩ chưa đủ tuổi điều khiển xe máy lại gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Có gì các chú bỏ qua cho cháu với ạ?".

Mặc dù Hải một mực năn nỉ nhưng Đại úy Nguyễn Công Phong, Tổ trưởng Tổ TTKS đã nghiêm khắc giải thích các quy định trong xử lý vi phạm đối với người dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện có dung tích 50cm3 trở lên. “Mục đích của việc tạm giữ phương tiện nhằm đảm bảo an toàn cho người điều khiển và người tham gia giao thông khác”, Đại úy Phong nói.

Với lỗi trên em Hải bị xử phạt 600 nghìn đồng, chủ xe 1,4 triệu đồng. Tổng mức phạt 2 triệu đồng.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc lập biên bản 198 trường hợp học sinh vi phạm giao thông trong đó 78 trường hợp vi phạm lỗi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh 50cm3 trở lên, tạm giữ 78 xe mô tô, nộp kho bạc 98 triệu đồng.

Gắn trách nhiệm cho giáo viên nếu để học sinh vi phạm

Chiều cùng ngày, Công an huyện Nghi Lộc phối hợp với Trường THPT Nguyễn Duy Trinh tổ chức tuyên truyền luật giao thông cho 1.527 em học sinh tại trường.

Trong buổi nói chuyện với học sinh, Đại úy Trương Xuân Luân - Đội phó Đội CSGT huyện Nghi Lộc đã tuyên truyền hướng dẫn luật giao thông và các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Đại úy Luân cũng đã nêu lên một số câu hỏi về Luật Giao thông Đường bộ thu hút đông đảo học sinh tham gia trả lời.

Học sinh hào hứng trả lời các câu hỏi về Luật Giao thông Đường bộ

Em Nguyễn Chiều Xuân, học sinh lớp 11A5 chia sẻ: “Hàng năm nhà trường đều tổ chức một buổi ngoại khóa tuyên truyền luật giao thông vào đầu năm học. Chương trình rất thiết thực và bổ ích khi các chú CSGT trực tiếp hướng dẫn, chúng em nắm rõ hơn về Luật Giao thông Đường bộ như đội mũ bảo hiểm đúng cách; cách nhận biết một số biển báo trên đường... Ngoài ra, em còn nhận được chiếc mũ bảo hiểm khi tham gia trả lời đúng các câu hỏi về Luật Giao thông Đường bộ”.

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Thành Nhân, hướng dẫn viên lái xe an toàn Honda Việt Nam đã trực tiếp chỉ cho các em cách lái xe an toàn và khi xử lý các tình huống trên đường. Đồng thời, trao những phần quà ý nghĩa cho các em trả lời đúng các câu hỏi tình huống.

Cô Hoàng Kim Liên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Trinh cho biết: Mỗi năm ngoài 2 buổi CSGT về trường tuyên truyền thì vào các buổi chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở các em khi tham gia giao thông phải đội MBH, đi xe đúng tốc độ, làn đường và cho học sinh ký cam kết. Nếu lớp nào có học sinh vi phạm giao thông thì lớp đó sẽ bị trừ điểm thi đua, chủ nhiệm lớp phải chịu trách nhiệm liên đới. Bên cạnh đó, nhà trường cũng xem đây là tiêu chí xem xét, đánh giá học sinh, giáo viên để xếp loại thi đua của các lớp trong năm học.

“Hàng năm vào đầu năm học mới, Đội CSGT có phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền ATGT trong trường học. Việc sân khấu hóa các hành vi vi phạm giao thông không chỉ giúp các em tăng cường nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông mà còn giúp lực lượng chức năng hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh để có biện pháp tuyên truyền mang lại hiệu quả”, Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc chia sẻ.

Tác giả: Thủy Tiên

Nguồn tin: atgt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP