Xã hội

Đi tìm sự thật về việc đền bù sứa sau sự cố môi trường biển Formosa tại Hà Tĩnh

Gần đây một số người dân ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) phản ánh về những “khuất tất” trong chế độ đền bù sứa từ sự cố môi trường biển Formosa, đồng thời cũng chỉ ra sự “bất thường” trong việc kiểm kê đền bù thủy sản ở địa phương này.

Bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Long Hải, xã Thạch Kim, hộ kinh doanh hải sản sứa chưa được đền bù

Để tìm hiểu rõ hơn về những phản ánh của người dân nơi đây, phóng viên (PV) đã liên hệ làm việc trực tiếp với một số hộ dân ở thôn Hoa Thành và Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, bước đầu xác định việc các hộ dân không nhận được tiền đền bù là do trưởng thôn ở đây không ký vào biên bản xác nhận đền bù cho các hộ kinh doanh. Theo các vị trưởng thôn này, lý do họ không ký vào những biên bản đó là do họ không được mời đến cùng đoàn kiểm tra giám sát ở các hộ gia đình kinh doanh sứa, tuy nhiên điều quan trọng nhất theo các trưởng thôn ở đây là các hộ gia đình đó không có sứa!?.

Ông Phan Hữu Hồng, thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, hộ kinh doanh hải sản sứa chưa được đền bù

Xuất phát từ những bức xúc của các hộ dân chưa nhận được hỗ trợ, đền bù từ sự cố môi trường biển tại huyện Lộc Hà, PV đã tìm gặp ông Nguyễn Chính Hồng chủ thu gom, bán buôn thủy hải sản sứa lớn nhất ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh để ghi nhận thêm thông tin về vụ việc.

Trao đổi với PV ông Nguyễn Chính Hồng cho biết, gia đình ông là một trong những hộ kinh doanh chế biến, thu gom sứa lớn nhất huyện Lộc Hà, ông có hơn 20 tấn sứa chế biến thành phẩm, do gặp sự cố môi trường biển năm 2016, gia đình ông không tiêu thụ được bị tồn ứ trong kho suốt một thời gian dài. Sau đó gia đình ông và các hộ kinh doanh khác tại 4 tỉnh miền Trung được Nhà nước hỗ trợ, đền bù bổ sung lần 2 cho các hộ kinh doanh về thủy hải sản, các hộ như gia đình ông được vào diện hỗ trợ đền bù. “Nếu không được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ thì gia đình tôi không biết sẽ xoay sở thế nào vì toàn bộ vốn liếng là đi vay ngân hàng để kinh doanh, buôn bán”, đến nay gia đình ông đã nhận được hỗ trợ đền bù.

Ông Nguyễn Chính Hồng, chủ bán buôn hải sản sứa ở huyện Lộc Hà

Ông Nguyễn Chính Hồng cho biết thêm, trong huyện, những hộ nào kinh doanh sứa ông đều biết: Hiện tại còn hộ bà Nguyễn Thị Hòa, Phạm Đình Bình ở thôn Long Hải, xã Thạch Kim và ông Phan Hữu Hồng ở thôn Hoa Thành là chưa nhận được đền bù, lý do vì trưởng thôn không ký vào biên bản xác nhận đền bù.

Ông Hồng khẳng định, hộ bà Nguyễn Thị Hòa, Phạm Đình Bình và ông Phan Hữu Hồng là những hộ có buôn bán sứa, vì các hộ này thường xuyên nhập lại sứa của gia đình ông để bán lẻ, và chuyển đi các tỉnh khác. Các hộ này đều kiểm đếm tiêu hủy như gia đình ông, không có gì khác.

Tìm hiểu thực hư vấn đề này, PV đã có buổi làm việc với ông Phan Văn Nhàn - Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà. Ông Nhàn cho biết, việc kiểm đếm mặt hàng sứa của các hộ kinh doanh thủy hải sản tại huyện Lộc Hà là do Sở Công thương chủ trì kiểm kê, còn huyện chỉ chủ trì việc tiêu hủy.

Các cơ quan đến chuyển hải sản sứa của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa đi tiêu hủy

Khi có số liệu của tỉnh, huyện thành lập hội đồng tiêu hủy có cả xã, huyện, thôn. Huyện xin ý kiến đề nghị tỉnh xuống cùng tiêu hủy, thì các anh ở tỉnh nói là không cần vì đã có số liệu của tỉnh rồi. Do đó, "huyện tiến hành tiêu hủy dựa trên hồ sơ kiểm kê từ tổ giám sát của tỉnh", Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết.

Tuy nhiên, khi PV yêu cầu ông Nhàn cung cấp hồ sơ (phô tô) về danh sách kiểm kê tiêu hủy của 26 hộ kinh doanh sứa ở huyện Lộc Hà, không cung cấp được vì Chủ tịch huyện không đồng ý!?.

Trụ sở UBND huyện Lộc Hà

“Nhà anh (UBND huyện Lộc Hà) chỉ có hồ sơ phô tô được đóng dấu treo của Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) – Sở Công thương làm căn cứ để đền bù”, ông Nhàn cho biết.

PV trực tiếp liên hệ với ông Lê Trung Phước, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà để hỏi về hồ sơ của 26 hộ kinh doanh sứa trên thì ông Phước luôn báo bận họp và yêu cầu gửi lại nội dung làm việc ông sẽ cung cấp sau theo quy định. Tuy nhiên, suốt 2 tháng nay PV không nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía huyện Lộc Hà.

Đi tìm lời giải cho những “bất thường” trên, PV tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Cự Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng chi cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh để hỏi về hồ sơ của 26 hộ kinh doanh sứa. Ông Dũng cho biết, hồ sơ gốc là do ông nắm giữ, chỉ phô tô cho các huyện làm căn cứ số liệu để đền bù. Tuy nhiên, khi PV đề nghị ông Dũng cung cấp hồ sơ (phô tô), ông Dũng nói, ở huyện cũng có hồ sơ sao không lấy từ huyện!?

PV đặt câu hỏi về việc tại sao không mời trưởng thôn đến cùng giám sát trong việc kiểm kê, ông Dũng cho biết, đó là việc của huyện và xã…

Khi được hỏi, hồ sơ kiểm đếm có tất cả các chữ ký của tổ giám sát, huyện, xã, hộ kinh doanh, chỉ thiếu mỗi chữ ký của trưởng thôn? Ông Dũng cho biết “cái đó phải hỏi xã, anh là giám sát huyện sao biết được!?”.

PV cho biết phía huyện Lộc Hà nói kiểm đếm là do tổ giám sát của tỉnh làm chứ huyện không chủ trì, ông Dũng trả lời việc này sao thế được, việc kiểm đếm là do huyện, tỉnh chỉ giám sát “tỉnh biết hộ đó ở đâu mà kiểm đếm, phải có người của huyện chứ?”.

Ông Dũng khẳng định, nếu hồ sơ có chữ ký của cán bộ huyện, xã, hộ kinh doanh và tổ giám sát là hồ sơ đúng.

Vậy đằng sau câu chuyện “uẩn khúc” này như thế nào. Báo Thanh tra sẽ tiếp tục làm sáng tỏ trong các bài viết tới.

Tác giả: Kim Sơn

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

  Từ khóa: đền bù ,sự thật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP