Du lịch

Đi lễ Tràng An, tôi phải mừng tuổi lái thuyền để không mất lộc

“Thuyền em đã giúp đoàn đi cầu tài, cầu lộc đầu xuân. Đoàn chúng ta hãy mừng tuổi cho em để giải lộc không thì lộc không được trọn vẹn đâu", chị lái thuyền ngỏ ý với du khách trong lúc quay về.

Tràng An nằm trong quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Vẻ đẹp hài hòa của cảnh sắc nơi đây đã mang đến cho du khách trong và ngoài nước rất nhiều cảm xúc, thôi thúc chúng tôi đến với Tràng An vào một ngày cuối tuần tháng 2.

Vượt chặng đường dài hơn 150 km, xe chúng tôi có mặt tại Tràng An vào lúc 6h30. Màn sương huyền ảo vẫn còn ngại ngùng chưa muốn "chia tay". Nhóm chúng tôi tập trung trước cổng để mua vé đi thuyền khám phá vẻ đẹp nức tiếng của vùng sông nước Tràng An. Cầm những tấm vé trên tay, ai nấy đều hào hứng bước thật nhanh qua đường zíc zắc gỗ đến bãi đỗ thuyền đang chờ du khách. Nhanh chóng, chúng tôi chọn được cho mình một cô chèo thuyền có khuôn mặt phúc hậu, khiến chúng tôi rất tin tưởng. Tuy nhiên, theo quy định, khách sẽ đi thuyền theo thứ tự sắp xếp của Ban quản lý. Chúng tôi bước xuống chiếc thuyền mang biển số 962 cũng do một chị chạc 40 tuổi làm chủ tay lái.

Ảnh minh họa: Mèo Già


Suốt chặng đường dài khoảng 15 km trên thuyền (cả đi lẫn về), cảnh sắc vùng sông nước Tràng An hiện lên sinh động khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Có núi, có cây, có sông nước, có động, có đền,…tất cả được kết hợp một cách hài hòa mang đến cho du khách sự thích thú khó tả. Một tuyệt tác thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.

Đó sẽ là một kỷ niệm đẹp khó quên nếu không xuất hiện một tình huống bất ngờ. Khi thuyền chúng tôi trở về, cách bến đậu chừng vài trăm mét, cô lái thuyền với vẻ mặt nghiêm túc, bày tỏ nỗi niềm: “Bây giờ em đã đưa đoàn chúng ta đi đến nơi về đến chốn, đã giúp đoàn đi cầu tài, cầu lộc đầu xuân. Đoàn chúng ta hãy mừng tuổi cho em để giải lộc không thì lộc không được trọn vẹn đâu". Nghe mấy lời đó, ai nấy đều lặng im, sự im lặng đến khó chịu.

Một cô trong đoàn ở Mỹ Đức, Hà Nội do thiếu người nên đi ghép cùng đoàn chúng tôi thắc mắc: “Chúng tôi đã mua 150.000 đồng/ vé vào cổng rồi, làm gì có chuyện thêm tiền nữa chứ”. Thằng em đi cùng đoàn nửa đùa nửa thật: “Chúng cháu đi làm công nhân vất vả lắm. Một buổi tối tăng ca mới được thêm 11.000 đồng, làm gì có tiền cho thêm cô nữa”.

Cô lái thuyền vẻ mặt cau có, không nói năng gì. Kể từ giây phút đó, trên chuyến thuyền vui vẻ, mọi thứ đã đảo lộn. Trong tôi lúc này là một thứ cảm xúc đan xen và dĩ nhiên không có chút gì là vui vẻ. Đúng thật là cô lái thuyền đã đưa chúng tôi đi tới nơi về tới bến an toàn. Nhưng đó là trách nhiệm của người chèo thuyền phải đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách. Mọi chi phí đã được tính toán đầy đủ trong số tiền 150.000 đồng/ vé mà chúng tôi đã phải mua trước khi vào cửa. Một sự sòng phẳng đã được quy định dựa trên nguyên tắc tự nguyện giữa các bên.

Giá như cô không nói những điều khó nghe ấy thì tâm trạng của chúng tôi đã khác, cuộc du thuyền của đoàn chúng tôi đã vui vẻ đến tận giây cuối cùng. Không một ai nói thêm điều gì nhưng tôi biết tất cả đều có chung một suy nghĩ, sự khó chịu, tức giận không nói thành lời – một tâm trạng đáng ra không nên có ở cuộc vui xuân vào một ngày đẹp trời như hôm ấy.

Khi thuyền đã cập bến đỗ, mấy anh em trong đoàn bước vội lên bờ như để nhanh chóng thoát khỏi sự im lặng bấy lâu. Tôi là người cuối cùng rời thuyền. Trong phút ngắn ngủi đó, tôi thấy mình là người cần phải có trách nhiệm bảo vệ những mong muốn, ước nguyện của mọi người trong đoàn, không thể để câu nói của cô lái thuyền làm ảnh hưởng. Tôi rụt rè lấy ra 10.000 đồng – tờ tiền lẻ duy nhất còn lại sau khi đi lễ với lời chúc: “Đầu năm, đoàn chúng em chúc chị và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc”. Cô nhanh tay cầm lấy với một tiếng trả lời ngắn gọn: “Ừ”.

Đi được một đoạn, chúng tôi dừng lại ăn trưa trên chiếc bàn gỗ cách cổng ra khoảng 50 m. Cách đó không xa là một đám đông đang túm tụm. Hiếu kỳ với những gì đang diễn ra, tôi tranh thủ chạy thật nhanh lại gần. Một cụ già tóc bạc phơ khoảng 80 tuổi dáng người thấp bé đang ngồi xem tay bói tình duyên, tiền tài cho du khách. Chẳng biết cụ có xem “chuẩn” hay không nhưng có rất nhiều người lại xem. Đến lượt tôi, cụ xem tay phải rồi kết luận: “Cô sống đến tuổi 75. Có tài, thông minh đấy nhưng chỉ đủ ăn đủ tiêu thôi. Là người chung thủy một chồng, không lăng nhăng”. Vậy là hết giá trị của 20.000 đồng. Tôi chưa kịp hỏi han gì thêm, một chị khác nhanh chân ngồi ngay vào ghế và đề nghị cụ xem cho. Tôi ở lại để nghe cụ xem cho người khác thế nào. Hóa ra là 100% “coppy – paste”. Vậy là rất nhiều người, trong đó có tôi đã bị những lời “đường mật” ấy dụ dỗ, mất tiền oan.

Tác giả bài viết: Độc giả: Phạm Thị Trang Biên tập: Kim Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP