Kinh tế

Dệt may Trung Quốc chuyển dây chuyền sản xuất qua Việt Nam

Chi phí trả lương công nhân tăng vọt khiến các nhà sản xuất dệt may Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, nơi chi phí lao động thấp hơn gần 60%.

Nameson Holdings, nhà sản xuất áo len và đồ dệt kim theo đơn đặt hàng, lên kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Công ty có trụ sở tại thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông bắt đầu đặt cơ sở tại Việt Nam từ năm 2015, ở vùng ngoại ô TP.HCM. Doanh nghiệp dự kiến hoàn thành giai đoạn 2 của tiến trình xây dựng nhà máy vào tháng 4 năm sau.

Theo Nikkei, Nameson chủ yếu cung cấp hàng may mặc cho Fast Retailing của Nhật Bản, nhà điều hành chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo. Hơn một nửa doanh thu của công ty này đến từ việc bán hàng cho nhà bán lẻ Nhật Bản.

Các nhà sản xuất hàng dệt may Trung Quốc đang chuyển sang Việt Nam nhằm tận dụng những lợi thế về thuế và giá nhân công. Ảnh: Reuters.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng mở rộng phạm vi khách hàng tại xứ sở mặt trời mọc. Và việc chuyển địa điểm sản xuất nhằm tận dụng lợi thế từ một thỏa thuận hợp tác kinh tế năm 2009, loại bỏ thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật.

Cũng như Nameson, Bosideng International Holdings, nhà sản xuất kiêm bán lẻ áo khoác chính của Trung Quốc, cũng chuyển dây chuyền sang Việt Nam. Doanh nghiệp hiện sản xuất hàng may mặc trên cơ sở thử nghiệm ở một nhà máy dệt Việt liên kết với Itochu, công ty thương mại của Nhật và là đối tác với Bosideng.

Đại diện công ty cho biết doanh nghiệp sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại nhà máy này, để đưa ra kế hoạch phát triển.

“Các khách hàng của chúng tôi đang tìm kiếm mạng lưới cung cấp xuyên biên giới. Và đó là một phần của lý do tại sao Bosideng vắng mặt trên các đơn đặt hàng tiềm năng tại nhà sản xuất phụ tùng gốc”, Mak Yun Kuen, Giám đốc tài chính của Bosideng, nói.

Ông cho hay việc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm giảm chi phí.

Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu quần áo có giá trị khoảng 169 triệu USD. Quốc gia này từng là vua dệt may châu Á. Song mức lương tại nền kinh tế thứ 2 thế giới đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Các nhà sản xuất hàng may mặc đang chịu áp lực nặng nề từ phía khách hàng trong việc giảm chi phí. Các công ty đang di chuyển hoạt động sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng thấp ra khỏi đất nước.

Việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất hàng dệt may sang Việt Nam của Trung Quốc nhằm tận dụng lợi thế về lao động rẻ và thuế quan thấp

Tác giả bài viết: Kim Ngân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP