Trong nước

Đề xuất quy định rõ 'sức khoẻ lãnh đạo có phải bí mật Nhà nước'

Đại biểu Quốc hội đề xuất làm rõ khái niệm bí mật nhà nước, qua đó "cái gì là mật cần giữ đúng tính chất, nếu không phải thì công khai".

Góp ý ở tổ về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước chiều 13/11, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho rằng, vấn đề lộ bí mật Nhà nước và hạn chế các loại thông tin được xếp vào bí mật Nhà nước là hai giác độ "phải hết sức lưu ý".

Dẫn chứng ngay tại nơi công tác, ông Dũng cho hay bất cứ tài liệu nào liên quan đến tài chính ngân sách đều "cộp dấu mật", và theo đó 10 năm sau mới giải mật được. Trong khi các quốc gia khác, nội dung về tài chính ngân sách được công khai trên mạng, mọi người dân đều có thể truy cập để biết chi tiết.

"Vấn đề đặt ra là chúng ta đang có tình trạng lạm dụng dấu mật để hạn chế thông tin", ông Dũng nói.

Vị đại biểu kể câu chuyện, nhiều năm trước, công an một tỉnh gần Hà Nội phát hiện tài liệu tối mật ở cơ sở đồng nát. "Lực lượng chức năng truy nhân thân ông đồng nát này, mấy đời ra sao, mua tài liệu ở đâu… Khoanh vùng dần thì đến nhà Quốc hội", ông Dũng nói và giải thích, có một cán bộ ở Quốc hội thấy tài liệu quá nhiều nên bán đồng nát mà không phân loại, vô tình bán luôn cả tài liệu mật ra ngoài.

Từ thực trạng trên, theo ông Dũng, dự luật này phải quy định rõ khái niệm “bí mật nhà nước”.

Ông Bùi Đặng Dũng cho rằng, dự luật này phải quy định rõ khái niệm “bí mật nhà nước”. Ảnh: N.N

Ngoài ra, ông Bùi Đặng Dũng cũng đề cập đến việc "sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước có phải là bí mật nhà nước không?". Theo ông, "nếu là bí mật Nhà nước phải thực hiện theo đúng tính chất, còn không phải thì hoàn toàn công khai".

Ông Dũng đơn cử, vừa qua trước một số thông tin thì nhiều cử tri đã quan tâm đến sức khoẻ của Chủ tịch nước, nhưng Chủ tich nước đã xuất hiện "rạng ngời, mạnh khoẻ", gần đây ở APEC là "hình ảnh tuyệt vời".

"Chúng ta sẵn sàng chia sẻ thông tin để làm tốt công việc, nếu cứ quy chụp vào bí mật thì cũng kẹt", ông Dũng nói.

"Mật hoá để bưng bít thông tin"

Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho rằng, thực tiễn lộ lọt bí mật Nhà nước, bí mật quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến, do đó việc xây dựng luật là cần thiết.

Mặt khác, ông đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục bí mật nhà nước để tránh tình trạng lợi dụng quy định gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay “mật hoá” văn bản để bưng bít thông tin.

Ông Vũ Xuân Hùng cũng băn khoăn khi dự thảo giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục bí mật nhà nước. Bởi, với 63 tỉnh, thành thì có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tuỳ thuộc đánh giá của mỗi địa phương, nơi này “Mật” nhưng nơi kia lại “Tối mật” gây nên sự không thống nhất.

“Nếu quy định như thế thì dễ lợi dụng bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân", ông Hùng nói và đề nghị để đảm bảo danh mục thống nhất, nên quy định theo ngành dọc từ các bộ ngành trung ương đến địa phương để đảm bảo thống nhất.

Trước đó chiều 25/10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trước Quốc hội.

Ông cho biết, từ năm 2001 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.

"Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe, việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động", Bộ trưởng Công an nói.

Trước bối cảnh nêu trên, dự thảo Luật đưa ra 8 nội dung mới về hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước. Cụ thể như, bổ sung trách nhiệm của người soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước đề xuất cho phép hoặc không cho phép sao, chụp bí mật nhà nước; bảo vệ bí mật nhà nước đang trong giai đoạn dự thảo nhằm nâng cao trách nhiệm của người soạn thảo văn bản...

Dự thảo Luật cũng quy định biện pháp kỹ thuật, khoa học, công nghệ; mã hóa; nghiệp vụ; pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ bí mật nhà nước.

Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP