Giáo dục

Đề xuất cho mang ‘phao’ vào phòng thi THPT: PGS Lê Hữu Lập lên tiếng

Sau kỳ thi THPT quốc gia, nhiều quan điểm trái chiều về việc giữ hay bỏ kỳ thi này. Trong đó, có ý kiến cho rằng, cần ra đề mở và cho phép thí sinh sử dụng tài liệu trong thi cử.

PGS. TS Lê Hữu Lập

Trước ý kiến này, PGS.TS. Lê Hữu Lập, Nguyên Phó Giám Đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, một kỳ thi quốc gia mà cho phép thí sinh mang tài liệu vào trong phòng thi là rất phức tạp, lợi bất cập hại.

Cho mang tài liệu vào phòng thi, kì thi đó sẽ không an toàn

PV: Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa kết thúc. Với cách ra đề mở như hiện nay, có ý kiến đề xuất nên cho học sinh mang tài liệu vào phòng thi? Ông thấy đề xuất này thế nào?

PGS Lê Hữu Lập: Nói đến đề mở, chúng ta phải xem: Mức độ “mở” của đề đến đâu? Đề mở phù hợp với loại kỳ thi nào? Và phù hợp với những môn khoa học nào?. Nếu đề mở mà liên quan đến việc tra cứu những công thức toán học dài dòng, phức tạp, những mốc sự kiện, thời gian lịch sử rất khó nhớ… thì việc cần tra cứu tài liệu trong quá trình làm bài là cần thiết. Còn mức độ đề mở xoay quanh việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng cần thiết, năng lực tư duy sáng tạo của thí sinh là chính thì không cần tài liệu tra cứu.

Đề thi mở bao giờ cũng là một đề thi khó. Khó cả cho người ra đề, người làm bài và khó cả đối với người chấm bài. Hiện nay, đối với nhiều đề thi mở thì các tiêu chí đánh giá khó xác định một cách rõ ràng, nó phụ thuộc vào sự nhìn nhận mang tính chủ quan của người chấm khi đánh giá bài thi. Đây là nhược điểm của đề mở.

PV: Vậy với kỳ thi THPT quốc gia có nên cho phép học sinh mang tài liệu vào phòng thi không, thưa ông?

Với phân tích như trên, tôi cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và lấy kết quả cho việc chọn lựa những thí sinh có kết quả tốt nhất vào các trường đại học, cao đẳng thì việc ra đề mở với một vài môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội có thể phù hợp, nhưng đề mở đó với điều kiện: không sử dụng tài liệu trong phòng thi.

Một kỳ thi quốc gia mà cho phép thí sinh mang tài liệu vào trong phòng thi là rất phức tạp, lợi bất cập hại. Vì tài liệu ở đây được hiểu không chỉ là sách vở mà là khối dữ liệu khổng lồ trên mạng mà thí sinh có quyền tra cứu bằng nhiều phương tiện. Như vậy kỳ thi khó đảm bảo được an toàn.

Vẫn cần thiết có một kỳ thi THPT quốc gia nhưng hâu ra đề cần làm tốt hơn

PV: Có ý kiến cho rằng, đề thi mở cho phép học sinh mang tài liệu vào phòng thi đang là xu thế của các nước? Vậy theo ông, phương án này có khả thi không với cách dạy và học như hiện nay ở Việt Nam?

Theo tôi, hiện nay đề mở chỉ thực sự phù hợp và trở thành xu thế dành cho các kỳ thi chọn lựa học sinh giỏi hoặc thi hết môn ở bậc đại học và sau đại học. Về lâu dài, muốn tổ chức thi theo đề mở thì việc phải thay đổi phương pháp dạy và học là rất cần thiết. Ngay từ các cấp phổ thông, học sinh phải được học phương pháp tư duy chủ động, sáng tạo, không còn các bài văn mẫu, những giáo lý khuôn phép áp đặt, không còn kiểu dạy nhồi nhét kiến thức, hoặc lý thuyết thuần túy, học vẹt… Nhiều học sinh có suy nghĩ, với đề mở được dùng tài liệu thì chẳng phải học gì nhiều. Đó là những suy nghĩ sai lầm và người làm bài không bao giờ có kết quả cao. Tóm lại, cách dạy và học hiện nay phải thay đổi thì việc ra đề mở mới phát huy tính ưu việt của nó.

PV: Vậy theo ông, chúng ta vẫn cần có một kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay?

Theo tôi đã học thì phải có thi và phải thi nghiêm túc. Tôi nghĩ vẫn cần thiết có một kỳ thi THPT Quốc gia, qua đó đánh giá lại toàn bộ kết quả 12 năm học của học sinh cả nước trên mặt bằng chung về kiến thức, năng lực để các em nhìn nhận, lựa chọn hướng phát triển nghề nghiệp của mình cho phù hợp.

Câu chuyện về kỳ thi năm nay có nhiều câu hỏi khó. Đây là mong muốn của người ra đề là giúp phân loại thí sinh tốt hơn cho việc tuyển sinh của các trường đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, chúng ta biết năm 2017, đề thi nhìn chung là khá dễ. Năm nay,đề thi nhiều chuyên gia đánh giá là rất khó. Cả hai thế cực đó đều có vấn đề. Nếu đề thi dễ, rất nhiều thí sinh đều làm được bài thì phân loại cũng rất khó, chênh lệch nhau 0,1 điểm thì giữa đỗ và trượt là điều dễ xảy ra.

Còn đề thi có nhiều câu hỏi rất khó, có nghĩa là nhiều thí sinh đều không trả lời được, cũng dẫn đến hậu quả sự phân loại là rất khó khăn, chưa nói đến với hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh không làm được, “tích bừa” để trả lời và sự may rủi có thể xảy ra.

Hiện nay các trường đại học được phép tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, như bạn biết: các trường đại học tổ chức riêng kỳ thi tuyển sinh là rất phức tạp nhất là khâu ra đề thi. Hơn nữa, thí sinh có thể phải tham gia thi ở nhiều trường, cũng là áp lực cho thí sinh, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Còn tuyển sinh căn cứ vào kết quả học tập hàng năm thông qua học bạ của học sinh thì chưa đủ độ tin cậy để chọn ra các em thực sự khá giỏi.

Tôi nghĩ nhiều trường đại học vẫn mong muốn dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học. Tuy nhiên, khâu ra đề, chúng ta cần làm tốt hơn để tính phân loại cao hơn, lúc đó mới thực sự chọn lựa được các học sinh khá, giỏi vào đại học.

Lí giải cho đề xuất cho mang "phao" vào phòng thi?

Trước đó, chia sẻ trên Báo Lao Động, GS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng việc thi THPT còn một số điểm chưa hợp lý.

GS Dong thể hiện sự bất bình đặt ra câu hỏi: Bao nhiêu người kiểm soát để học sinh không mang điện thoại, máy tính vào phòng thi như soát kẻ gian... Một kỳ thi có vẻ như còn đánh đố và dọa nạt!

Đặc biệt, GS Phạm Tất Dong bày tỏ: Thời buổi công nghệ hiện đại, chúng ta nên ra đề theo hướng thực tiễn, cho phép học sinh được sử dụng tài liệu để làm bài. Việc cấm sử dụng tài liệu như vậy khiến cho kỳ thi cũng chỉ là dùng trí nhớ.

GS Dong cho rằng chúng ta phải thực tế lên. Thời đại mới là cần đào tạo trình độ tư duy, phản biện. Việc ra câu hỏi thi là làm thế nào đó, bằng cách nào đó, học sinh giải quyết vấn đề thực tiễn. Ví dụ, nếu nhận được một đơn đặt hàng thì anh kỹ sư không thể tự giải quyết, phải sử dụng nhiều sách vở, kiến thức của nước khác, tìm xem công nghệ mới nào các nước đang thực hiện để giải quyết. Chứ không phải yêu cầu đơn đặt hàng nào anh cũng phải tự kiến thức làm được.

Như vậy, Bộ GDĐT cần nghiên cứu nên cho học sinh làm quen cơ chế cho đề như cho học sinh một đơn đặt hàng.

"Chúng ta không cần biết học sinh sử dụng điện thoại di động hay gì tài liệu gì, chỉ cần giải quyết được bài đó là được. Nhiều học sinh nếu không có kiến thức và tư duy thực sự thì có tài liệu cũng không biết chép ở đâu"- GS Dong bày tỏ.

Tác giả: ĐỖ HỢP (THỰC HIỆN)

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP