Trong nước

Để việc tinh giản bộ máy thực sự phát huy hiệu quả

Những biến chuyển nhanh và mạnh trong đời sống kinh tế, xã hội thời gian gần đây cho chúng ta nhận thấy một thực tế rằng, Việt Nam đang đứng trước một ngưỡng cửa cơ hội rất lớn. Tiền đề của ngưỡng cửa ấy chính là các cải cách kinh tế - chính trị - xã hội đang được thực hiện theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương 4-5 và 6 (Khóa XII).

Nhưng vấn đề đặt ra mà chúng ta cũng đang cần phải quan tâm sát sao chính là việc thực hiện cải cách sẽ như thế nào, đặc biệt là ở các cấp quản lý cấp địa phương, cấp ngành. Chỉ cần việc thực thi cải cách mang tính hình thức, thiếu thực tế, chắc chắn kết quả nhận được sẽ rất hạn chế, nếu không nói là không có hiệu quả nào chỉ vì vấn nạn đánh trống bỏ dùi.

Ở cấp quản lý nhà nước, phải thừa nhận là nhờ vào sự theo dõi, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của Trung ương, tiến độ và kết quả hành động là rất khả quan. Điển hình như việc thoái vốn Nhà nước ở các tập đoàn lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk chẳng hạn. Tất cả đều diễn ra tốc độ, minh bạch và hiệu quả cao. Nhưng liệu những điển hình đó có thể trở thành hình mẫu để các cấp thấp hơn, cũng như các phương diện cần cải cách khác có thể học tập và áp dụng hay không, đó vẫn là câu hỏi chờ đợi vào chính những hoạch định, kế sách và sự tận tâm của những người đang đảm lãnh trách nhiệm trong bộ máy.

Trong phiên họp lần 4 của Hội đồng Lý luận Trung ương gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc “chủ động chớp thời cơ để đưa đất nước phát triển nhanh hơn” và trong bài phát biểu đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng “Vấn đề mấu chốt là cần bảo đảm tính thiết thực, chất lượng, hiệu quả. Khảo sát thực tiễn không chỉ dừng lại ở sao chụp, mô tả bề mặt của thực tiễn, mà phải khám phá tầng sâu của thực tiễn, phát hiện các mâu thuẫn, các xu hướng và nhân tố phát triển mới”.

Rõ ràng, tính thiết thực, chất lượng, hiệu quả đã được Tổng Bí thư chỉ ra rằng phải cần có sự khám phá “tầng sâu của thực tiễn, phát hiện các mâu thuẫn”. Đây chính là cách dung hòa hợp lý giữa lý luận và thực tiễn, không rập khuôn một cách máy móc, chủ quan và tạo kẽ hở để các cá nhân lợi dụng và làm sai trái, gây ra những hậu quả lâu dài cũng như khiến quần chúng mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước.

Một ví dụ điển hình mà chúng ta có thể sử dụng ở trường hợp này chính là chuyện tinh giản biên chế thời gian tới. Trong cuộc gặp mặt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội lần thứ 15 vừa rồi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời câu hỏi làm cách nào để Hà Nội giảm 7.415 biên chế trong năm 2018 bằng một phương pháp đề xuất đáng chú ý là nếu viên chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xếp vào diện tinh giản.

Câu trả lời của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nghe rất thực tế so với việc giảm biên chế chỉ dựa trên tuổi tác, bằng cấp, kỷ luật… Song, có một thực tế mà chúng ta cần phải thừa nhận với nhau rằng, việc đánh giá năng suất lao động của cán bộ, viên chức từ trước tới nay ít gắn liền với thực tiễn.

Có rất nhiều cán bộ bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ nhưng khi họ bị gạt ra khỏi bộ máy, và đi làm ở các tổ chức tư nhân cùng ngành, cùng vị trí, họ lại là những cá nhân xuất sắc. Chúng ta có thể đặt ra những tiêu chuẩn đánh giá năng suất lao động của cán bộ theo tiêu chí được tập thể đồng thuận, nhưng đã bao giờ chúng ta mạnh dạn đặt ra câu hỏi rằng, các tiêu chí ấy có chuẩn xác trong việc đánh giá năng suất lao động một cách thực tế và khoa học?

Ở Sabeco, một đơn vị Nhà nước mới thoái vốn là một ví dụ thú vị mà chúng ta có thể quan sát trong tương lai gần. Sẽ rất nhiều cán bộ công chức cũ của Sabeco thời còn “nhà nước”, vốn là lao động tiên tiến, xuất sắc, có thể sẽ phải vật lộn với những tiêu chuẩn đánh giá cá nhân khác, vốn dĩ khoa học hơn. Và từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến câu hỏi lớn “Liệu, các tiêu chí đánh giá cá nhân hiện nay trong môi trường nhà nước có đủ chính xác, nhất là ở hoàn cảnh đã tạo đúng điều kiện cho người viên chức ấy lao động tốt hay không?”.

Từ đó, chúng ta hoàn toàn dám đặt ra nghi vấn rằng liệu có hay không tình trạng các cá nhân lạm dụng tinh thần tiến bộ của tinh giản biên chế để từ đó tạo phe cánh, trù dập những người lao động có năng lực, bằng cái gọi là “không hoàn thành nhiệm vụ” vốn dĩ khá mơ hồ. Như vậy, cải cách sẽ lại là cái cớ để cho cơ hội cá nhân lên ngôi. Tất nhiên, cái cớ ấy sẽ không thể bị lợi dụng nếu như chúng ta có biện pháp kiểm soát tốt với những con người thực thi chuẩn mực.

Do đó, điều cấp thiết bây giờ phải là tạo ra một bộ máy kiểm soát hữu hiệu, bộ máy kiểm soát không thể bị chi phối bởi bất kỳ cá nhân nào, và đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn khoa học. Có như thế, tiến trình cải cách mới có thể đạt được hiệu quả thực sự khi không để mất những nhân tài và vẫn dung dưỡng cho những kẻ ăn bám vào bộ máy.

Tác giả: Hà Quang Minh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP