Trong tỉnh

Đề nghị thay nhà thầu vì gần nửa năm vẫn không trục vớt được tàu chìm ở Nghệ An

Sau gần nửa năm vẫn không thể trục vớt tàu VTB 26 bị chìm nghi vẫn còn hai thuyền viên mắc kẹt bên trong, Cục trưởng Hàng hải Nguyễn Xuân Sang đã đề nghị loại nhà thầu này.

Sáng 22/1, ông Vương Bình Minh - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An cho biết, một ngày trước, Cục trưởng Hàng hải Nguyễn Xuân Sang đã trực tiếp tới hiện trường vụ chìm tàu xảy ra vào trung tuần tháng 7/2017 ở biển Cửa Lò để kiểm tra tiến độ trục vớt. Tại buổi kiểm tra, người đứng đầu Cục Hàng hải đã đề nghị đình chỉ hoạt động trục vớt của nhà thầu là Công ty TNHH Minh Thu.

Ông Nguyễn Xuân Sang cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng tìm kiếm nhà thầu khác để hoàn thành việc trục vớt trước ngày 15/3. “Cục trưởng đề nghị đình chỉ vì công ty này không đủ năng lực. Hiện chúng tôi đang chờ kết luận chính thức của đoàn công tác để triển khai các bước tiếp theo” - ông Vương Bình Minh cho hay.

Khu vực tàu VTB 26 bị chìm thuộc vùng biển Cửa Lò. Ảnh: Tiến Hùng

Trước đó, khoảng 2h ngày 17/7, tàu VTB 26 chở 4.700 tấn than phát tín hiệu cấp cứu khi neo đậu tránh bão tại đảo Hòn Ngư (Nghệ An). Con tàu sau đó lật úp, nhiều thuyền viên rơi xuống biển. Trong ngày đầu tiên cứu hộ, 7 thuyền viên đã được cứu sống cùng 2 thi thể khác. 4 người còn lại mất tích. Vị trí tàu chìm cách bờ khoảng hơn 3 hải lý, cách phía bắc Đảo Ngư chừng 800m. Khu vực này có độ sâu khoảng 10m.

Đến nay, vẫn còn hai nạn nhân còn mất tích là sĩ quan boong Nguyễn Văn Chiêu (29 tuổi) và thủy thủ Nguyễn Hải Quyết (26 tuổi, cùng quê Hải Phòng). Tàu VTB 26 dài gần 100 mét, rộng hơn 15 mét, trọng tải gần 6.000 tấn.

Đến nay, vẫn còn hai thuyền viên mất tích nghi mắc kẹt trên tàu. Ảnh: Tiến Hùng

Cho rằng hai nạn nhân mất tích vẫn còn bị mắc kẹt trong tàu, trong khi việc tìm kiếm công ty trục vớt quá chậm trễ, người thân của các thuyền viên nhiều lần phản ứng. Ngày 10/8, hơn 3 tuần sau khi tàu chìm, việc trục vớt mới được Công ty Minh Thu bắt đầu tiến hành với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong 15 ngày. Tuy nhiên, đến ngày 6/9, tàu VTB 26 được đưa lên cách mặt nước khoảng 1/3 thì dây cáp bị đứt, sập cẩu nên công tác trục vớt phải tạm dừng.

Công ty này sau đó phải thuê thêm một công ty trục vớt khác ở Nghệ An để tăng cường phương tiện đồng thời nhiều lần đưa ra thời gian dự kiến hoàn thành việc trục vớt, tuy nhiên gần nửa năm sau, con tàu nghìn tấn vẫn chìm nghỉm dưới đáy biển.

Người thân các thuyền viên còn mất tích trên tàu VTB 26. Ảnh: Tiến Hùng

Trước đó, chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An, ông Vương Bình Minh cho hay, việc lựa chọn nhà thầu chịu trách nhiệm trục vớt là do chủ tàu quyết định. “Hơn 10 ngày sau khi tàu chìm, ngày 28/7, chúng tôi có văn bản thông báo cho chủ tàu khẩn trương triển khai phương án trục vớt trong thời hạn 5 ngày. Nếu sau thời hạn này mà công ty vẫn chưa thực hiện thì chúng tôi tự tìm kiếm đơn vị trục vớt” - ông Minh nói.

Trong thời gian chờ đợi, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An cũng đã gửi giấy mời cho 6 công ty chuyên về trục vớt, trong đó có 3 công ty tại Nghệ An để nghe họ trình bày phương án và năng lực trục vớt nhằm đề phòng phía chủ tàu không thực hiện.

“Đến ngày thứ 4 thì chủ tàu là Công ty An Hải thông báo đã tìm được đối tác trục vớt là Công ty Minh Thu. Họ báo cho chúng tôi là hai bên đang thỏa thuận. Nên chúng tôi tạm dừng việc chỉ định các nhà thầu trục vớt khác” - ông Minh nói và cho hay, trong quá trình này, việc thương thảo hợp đồng giữa Công ty Minh Thu và chủ tàu, Cảng vụ không được biết. Mặc dù phía Cảng vụ cũng đã đề nghị nhà thầu khẩn trương gửi phương án trục vớt để phê duyệt. Mãi đến ngày 7/8, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An mới nhận được phương án trục vớt. Từ đó đến nay, gần nửa năm trôi qua, việc trục vớt dường như không có kết quả.

Tác giả: Tiến Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP