Giáo dục

Để học sinh lớp 6 không đọc được chữ là "tội ác" tinh thần với trẻ

Theo một số nhà giáo dục, để học sinh không đọc được chữ lên lớp 6 là "tội ác" tinh thần với trẻ. Chưa kể, sẽ có thể một số em bị "đẩy" vào ngồi đến đại học nếu trường chỉ xét học bạ.

"Đẩy" lên lớp vì thành tích

Gần đây, một số học sinh Trường THCS - THPT Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) được báo chí phát hiện đọc, viết khó khăn. Có em đọc không liền câu mà phải đánh vần; viết chữ sai chính tả nhiều.

Theo học bạ em H.V.T, lớp 1, môn Tiếng Việt giáo viên ghi: đọc to rõ ràng, viết được. Sang năm lớp 2, đọc, viết được, viết đúng độ cao. Sang năm lớp 3: đọc khá lưu loát, chữ viết còn yếu cần rèn luyện thêm. Đến lớp 4: đọc viết còn chậm, cần rèn thêm. Nhưng em H.V.T vẫn lên lớp.

Đến lớp 5, môn Tiếng Việt của em T. được giáo viên nhận xét: đọc, viết còn chậm, cần rèn thêm Tiếng Việt và môn Toán. Em T. vẫn lên lớp.

Thế nhưng trên thực tế, theo tìm hiểu của PV Dân trí, phụ huynh em H.V.T cho biết, sự việc em T. không đọc được chữ, viết chậm, ông phát hiện vào năm lớp 5. Khi đó, ông có nói với T. nếu học còn yếu thì nói với thầy cô cho ở lại lớp nhưng không hiểu sao sau đó, con được lên lớp.

Sổ học bạ em H.V.T đều được nhận xét hoàn thành nhưng thực tế chưa đọc được chữ dù lên lớp 6.

Một số chuyên gia lo ngại, đây không phải trường hợp duy nhất, thậm chí nhiều em có thể lên lớp cao hơn khi các trường đang cố "đẩy" học sinh lên lớp vì bệnh thành tích như hiện nay.

Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường liên cấp Lô mô nô xốp (Hà Nội) cho rằng, để một học sinh không đọc thông, viết thạo lên học lớp 6 là một tội ác, thậm chí là bạo lực tinh thần khủng khiếp cho đứa trẻ.

"Ai cũng biết, chỉ cần chưa thuộc bài mà đến lớp, đứa trẻ sẽ lo lắng thế nào. Vậy mà ngày nào học sinh ấy cũng đến nhầm lớp. Thử hỏi, đứa trẻ đó sẽ lo lắng đến thế nào. Tôi cho rằng, đó là bạo lực tinh thần đối với đứa trẻ", thầy Tùng chia sẻ.

Thầy giáo này cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần "mạnh tay" với việc chạy theo thành tích như hiện nay.

Lâu nay chúng ta rất đau lòng vì nhiều trường đặt nặng thành tích, thi đua nhưng "đẩy" học sinh lên lớp, ngồi nhầm chỗ như câu chuyện trên đây.

Do đó, những nhà giáo chân chính, thậm chí phụ huynh học sinh, mong chờ ngành giáo dục cần lấy lại chữ "thật" trong đánh giá học tập", thầy Tùng nói.

Ông Đào Tuấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cũng thừa nhận, hiện nay nhiều trường phổ thông, đặc biệt khối trường công lập, tình trạng hiệu trưởng ép giáo viên, cấp quản lý ép nhà trường chỉ vì hai chữ "thành tích" khiến nhiều thầy cô áp lực.

Điều đó lý giải vì sao, có chuyện giáo viên nhận xét tốt vào học bạ, có năng lực hoàn thành tất cả các môn nhưng thực tế học sinh lại chưa biết đọc.

Có thể chưa biết đọc nhưng có bằng tốt nghiệp THPT?

Xu hướng xét tuyển sinh viên chỉ căn cứ trên điểm học tập THPT của các trường ĐH, CĐ vài năm gần đây góp phần giảm sức ép thi cử.

Tuy nhiên, xét trên câu chuyện của những học sinh được phát hiện lên lớp 6 nhưng chưa đọc thông được như ở Đồng Tháp trên đây, nhiều người vô cùng lo ngại.

Việc một số trường xét tuyển học bạ khi tuyển sinh ĐH khiến nhiều người lo ngại về chất lượng (ảnh minh họa)

Chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội) cho hay, chuyện học sinh lên tới lớp 6 mà vẫn chưa biết đọc, chưa biết viết chính là ví dụ sinh động cho 2 vấn đề mà ông vẫn nhấn mạnh suốt mấy năm qua.

Thứ nhất, kết quả học tập ghi trên học bạ thật sự chưa đáng tin cậy. Vì thế, sẽ là rủi ro lớn nếu về chất lượng đầu ra nếu một số trường chỉ dùng phương thức xét tuyển học bạ để tuyển sinh đại học, nhất là vào các trường top đầu.

Thứ hai, hiện nay chúng ta bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, bỏ thi tốt nghiệp THCS, nếu tiếp tục bỏ thi tốt nghiệp THPT, chưa biết chừng, sẽ có thí sinh chưa biết đọc, biết viết lại có bằng Tốt nghiệp THPT.

Đồng tình với quan điểm trên đây, thầy Nguyễn Quang Tùng thừa nhận, hiện đang có hiện tượng "làm đẹp" hồ sơ để xét tuyển thẳng vào đại học nhưng khi thi tốt nghiệp THPT, điểm thi thấp hơn hẳn.

"Một số bạn bè của tôi đang làm giảng viên trường ĐH cũng kêu ca, vài năm gần đây, việc xét tuyển vào ĐH bằng xét tuyển học bạ khiến chất lượng bậc đại học kém hơn hẳn.

Biết được điều đó nên nhiều năm trở lại đây, trường chúng tôi bỏ hình thức xét tuyển học bạ khi tuyển sinh vào lớp 6 bởi những năm trước, có những học sinh học bạ toàn điểm 10 nhưng khi thi vào trường, không viết nổi đoạn văn ngắn.

Do đó theo tôi, sau khi có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT cần công khai mạnh mẽ để nếu có sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm số của học bạ, nhiều người nhận thấy. Một khi đánh giá không công bằng, sẽ thiệt cho học sinh khi xét tuyển đại học", thầy Tùng chia sẻ.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, câu chuyện của những học sinh ở Đồng Tháp vừa qua không phải cá biệt.

Thậm chí ở Hà Nội, có trường hợp điểm số học bạ rất tốt nhưng không biết làm các phép toán đơn giản khi dự thi vào trường là chuyện thường tình.

"Cũng giống như chuyện trước đây, để vào được trường, nhiều thí sinh phải "chạy" các tiêu chí phụ như có chứng chỉ bơi lội nhưng thực tế không hề biết bơi.

Nhận thức được điều đó nên 3 năm nay, nhà trường bỏ hình thức xét tuyển học bạ để tuyển sinh lớp 6. Thay vào đó, học sinh làm bài kiểm tra năng lực để việc tuyển sinh thực chất hơn", bà Văn Thùy Dương nói.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP