Xã hội

ĐBQH Nghệ An đóng góp nhiều ý kiến về Dự án luật Thuỷ lợi và Du lịch

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng (08/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) và Dự án Luật Thủy lợi.

Luật Thủy lợi có vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế; là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Luật Thủy lợi có nội dung liên quan đến nhiều Luật khác như Luật đê điều, Luật Điện lực, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt... nên các ĐBQH tổ 3 cho rằng, cần tiếp tục quan tâm làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự án luật để bảo đảm tính bao quát về thủy lợi, các hoạt động của liên quan trực trực tiếp đến thủy lợi; đồng thời quan tâm bổ sung xây dựng các quy định liên quan đến đến công tác quản lý nhà nước về thủy lợi cũng như thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động thủy lợi; làm rõ nội hàm của “hoạt động thủy lợi”, “thủy lợi” để bảo đảm việc quản lý được toàn diện, chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo với các luật đã ban hành.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3

Trong điều kiện nguồn nước khan hiếm như hiện nay thì việc chuyển từ phí Thủy lợi sang tính theo giá dịch vụ là cần thiết nhưng cần phải có quy định chặt chẽ hơn và cần phải tính toán kỹ để đánh giá tác động vì khi chuyển sang tính giá dịch vụ thì phải đàm phán trong khi có hàng ngàn hộ dân có thể gây ảnh hưởng đến...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu hoàn toàn đồng tình việc thu thủy lợi phí bởi có dịch vụ mới hoàn toàn bền vững. Trước tình trạng thiếu nước trầm trọng như hiện nay, cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ thủy lợi là phù hợp nhưng quy định là phải đảm bảo nguyên tắc. Điều 36, Điểm a, khoản 1 cần nói rõ nguyên tắc xác định giá là bảo đảm chi phí quản lý, vận hành, quản lý, bảo trì, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản thế nào? Đại biểu Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Nếu nhà nước đầu tư thì không nói làm gì, nguyên tắc tính giá là phải tính đầy đủ, còn lúc xác định giá để bán cho người dân thì có điều chỉnh.

Đa số các đại biểu có ý kiến rằng, từ thực tiễn, vấn đề bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi phải được đặt lên hàng đầu và Luật phải có những quy định cụ thể về nội dung này. Gắn liền với đó là các quy định về việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn biến hết sức phức tạp.

Đại biểu Trần Văn Mão(Nghệ An): Phải tính đến sự an toàn của người dân trong nguyên tắc vận hành, xả lũ thuỷ lợi.

Đại biểu Trần Văn Mão - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có ý kiến: Trong thực tiễn vận hành các công trình thủy lợi chưa được tính đến an toàn của người dân, gây thiệt hại cho cả tính mạng của người dân nên trong xây dựng Luật cần đảm bảo nguyên tắc vận hành, xả lũ. Về điều tra cơ bản thuỷ loại, cần bổ sung nhu cầu tưới tiêu của Nông nghiệp bởi đây là đối tượng cần thuỷ lợi. Bên cạnh đó, thuỷ lợi cần phải cân bằng nước và có giải pháp cấp nước; Quy hoạch thuỷ lợi trên phạm vi toàn quốc, tỉnh thành phố TW và các vùng kinh tế - xã hội; nêu rõ vai trò của người dân trong tham gia lập quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lí công trình thuỷ lợi.

Một số đại biểu nêu ý kiến cần cho thêm nội dung hoạt động thủy lợi kết hợp với quốc phòng và an ninh.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội: Xây dựng công trình thuỷ lợi gắn với đảm bảo Quốc phòng – An ninh

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề xuất: Xây dựng các công trình thuỷ lợi kết hợp kho trạm QP-AN cũng cần phải đưa vào Luật để khi có vấn đề, cơ quan quân sự các cấp xác định những vùng trọng điểm, các khu vực có ảnh hưởng đến các công trình thuỷ lợi để xử lý cho tốt.

Theo Đại biểu Phan Đình Trạc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, hoạt động thuỷ lợi phải gắn với quốc phòng - an ninh; phân biệt rõ khái niệm chủ sở hữu công trình thuỷ lợi và người quản lí và khai thác công trình thuỷ lợi; ngoài chức năng tưới tiêu, cần bổ sung chức năng phục vụ sinh hoạt.

Đại biểu Phan Đình Trạc: công trình thuỷ lợi ngoài chức năng tưới tiêu, cần bổ sung chức năng phục vụ sinh hoạt.

Ngoài ra, vấn đề về quản lý, khai thác các công trình thủy lợi; dịch vụ thủy lợi, tài chính thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước các công trình thủy lợi;… cũng là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu đề cập, đóng góp ý kiến trong quá trình thảo luận.

Thảo luận tại buổi họp tổ về Dự án Luật Du lịch sửa đổi, đa số các đại biểu cho rằng sự phát triển du lịch vẫn còn chưa thật xứng với tiềm năng và lợi thế du lịch của đất nước. Luật du lịch đã bộc lộ nhiều hạn chế trong tình hình mới với những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động du lịch. Do vậy, việc sửa đổi Luật du lịch là thiết yếu và khách quan để tạo hành lang pháp lý thuận lợi và phù hợp hơn với thực tiễn, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Đa số các đại biểu cho rằng, hướng dẫn viên du lịch rất quan trọng, đặc biệt đối với khách nước ngoài, vì vậy, các nhiều người còn băn khoăn có quy định điều kiện về các hướng dẫn viên du lịch, làm thế nào để có đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ, kiến thức về văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh: Đào tạo nhân lực ngành du lịch cần chú trọng việc bảo tồn các văn hóa thuần phong mỹ tục của đất nước cũng như đặc thù các vùng miền.

Theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cần quy định cụ thể đối với vấn đề đào tạo nhân lực ngành du lịch, lưu ý đào tạo việc bảo tồn các văn hóa thuần phong mỹ tục của đất nước cũng như đặc thù các vùng miền.

Quan tâm đến quy định về cơ sở lưu trú du lịch tại Điều 59, điều 60 của dự thảo Luật, các đại biểu nêu rõ, hiện nay loại hình cơ sở lưu trú “home-stay” đang rất phát triển ở nước ta và được khách nước ngoài yêu thích. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới chỉ nhắc đến các loại hình cơ sở lưu trú gồm: khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê mà chưa hề đề cập đến loại hình “home-stay” vào dự thảo Luật này. các đại biểu đề nghị, Luật cần bổ sung thêm loại hình cơ sở lưu trú này vào dự thảo luật, đồng thời, quy định rõ nếu xếp hạng cơ sở lưu trú thì “home-stay” sẽ nằm ở hạng nào? quy định cụ thể như thế nào?

Theo các đại biểu, dự án Luật du lịch (sửa đổi) phải khẳng định được du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương. Đặc biệt, cần phải quan tâm đến chiến lược phát triển và sự liên kết ngành, liên vùng trong phát triển hoạt động du lịch.

Tại Điều 6 của dự thảo Luật, có đại biểu tán thành với chủ trương thành lập Quỹ và đề nghị đặt tên Quỹ là Quỹ xúc tiến du lịch để tập trung vào mục đích chính của Quỹ là quảng bá, xúc tiến du lịch.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thêm về phạm vi và đối tượng điều chỉnh tránh quy định theo hướng nặng về quản lý, quy định cụ thể hơn các nội dung về các loại hình kinh doanh lữ hành, điều kiện kinh doanh lữ hành, địa điểm kinh doanh, đề nghị tiếp tục quan tâm bổ sung xây dựng các quy định cụ thể trong quản lý nhà nước về du lịch, cơ chế phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch…

Tác giả bài viết: Phan Xanh - Đức Quang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP