Kinh tế

“Đất sống” của tội phạm rửa tiền là hành vi tham nhũng

Theo các chuyên gia pháp lý, rửa tiền là việc “hợp pháp hóa” nguồn tiền, tài sản do phạm tội mà có, nhằm che đậy nguồn gốc tiền bất chính thu được từ những hành vi phạm tội; hiểu một cách đơn giản là “rửa” tiền bẩn do tham nhũng, tiền hưởng lợi bất chính thành tiền sạch, biến đồng tiền phạm pháp thành tiền hợp pháp.

14 ASBH jpg
Ảnh minh họa

Như vậy, một trong những “đất sống” của tội phạm rửa tiền là hành vi tham nhũng, thậm chí xét ở một phương diện nào đó nó là “sân sau” của tội phạm tham nhũng.

Kinh tế suy thoái nhưng tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp là minh chứng cho việc tội phạm rửa tiền đã và đang tồn tại, phát triển. Chưa kể, thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã rất nỗ lực trong việc trấn áp tội phạm và triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhiều đường dây buôn lậu, buôn bán ma túy quy mô lớn, phát hiện khoản lợi nhuận bất chính khổng lồ. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện ra nhiều tiền, tài sản do phạm tội mà có đã được hợp pháp hóa thông qua việc thành lập công ty, kinh doanh bất động sản, chứng khoán...

Đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bổ sung điều luật mới về tội “Rửa tiền” tại điều 251. Điều này thay cho tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có trước đây. Thế nhưng nghịch lý là ở chỗ, đã hơn hai năm kể từ khi BLHS được bổ sung tội “Rửa tiền” thì điều luật này đang có nguy cơ bị “bỏ hoang”. Bởi trong khi tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, những khối tài sản kếch sù do thu lợi bất chính vẫn được ngầm chuyển hóa thành tài sản hợp pháp thì đến nay, sau 5 năm Luật đi vào cuộc sống, các cơ quan bảo vệ pháp luật mới xử lý hình sự được duy nhất một vụ rửa tiền đầu tiên.

Theo Công ước Palermo năm 2000 của Liên Hợp quốc, có 4 nhóm hành vi rửa tiền cần được hình sự hóa bao gồm: Thứ nhất, nhóm hành vi chuyển đổi, chuyển nhượng tài sản biết rõ là phạm tội mà có với mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản… Thứ hai, nhóm hành vi che giấu hoặc ngụy trang bất cứ khía cạnh thông tin nào về tài sản biết rằng do phạm tội mà có. Thứ ba, nhóm hành vi nhận, sở hữu, sử dụng tài sản mà vào thời điểm nhận biết rằng do tội phạm mà có. Thứ tư, nhóm hành vi tham gia, phối hợp hay thông đồng, âm mưu, hỗ trợ, xúi giục, tạo điều kiện và hướng dẫn thực hiện bất kỳ hành vi phạm tội nào nói trên. Không thể phủ nhận, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp dễ kéo theo tội phạm rửa tiền có đất màu mỡ để sinh sôi, việc hầu như không xử lý hình sự về tội “Rửa tiền” là một “lỗ hổng” pháp lý. Bởi vậy, cần phải mạnh tay hơn nữa xử lý nghiêm loại tội phạm này để góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Tác giả bài viết: T.Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP