Trong tỉnh

Đất nghĩa trang bị "chia 5 xẻ 7" tại xã Lĩnh Sơn - Kì 1: Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn "giật mình"....không biết!

Trước việc đất nghĩa trang của dòng họ bị chính quyền địa phương giao cho hai hộ khác gây ảnh hưởng tới phần mộ của những người quá cố mà không có thông báo cụ thể, dòng họ Đặng Ích đã nhiều lần khiếu nại nhưng vẫn chưa được xử lý.

Đất nghĩa trang cũng bị “xẻ thịt”!

Hội đồng gia tộc Họ Đặng Ích tại xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An phản ánh nội dung sự việc: Năm 1978 thực hiện chủ trương chung của chính quyền địa phương về việc dãn dân để cải tạo những vùng đất hoang hóa phát triển kinh tế.

Cùng thời điểm đó, UBND xã Lĩnh Sơn cũng đã thực hiện việc di chuyển một số nghĩa trang của các dòng họ, cũng như nhiều mồ mả vào trong khu vực Ruộng Tớm giáp xã Cao Sơn.

Nhờ chủ trương đó mà nhiều dòng họ trên địa bàn đã sớm có được một khu vực nghĩa trang quy hoạch hết sức bài bản, sạch sẽ. Mồ mả không còn xen lẫn trong khu dân cư, không còn ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân xã Lĩnh Sơn.

Với các dòng họ thì đây là một chủ trương đúng đắn, tạo không gian sạch sẽ đối với cuộc sống mới của những người thực hiện di dời. Đồng thời tạo sự thuận lợi cho dòng họ khi có những người khuất núi được chôn cất quy tụ riêng tại một khu vực nhất định.

Đất nghĩa trang được giao cho dòng họ Đặng Ích nay đã bỗng nhiên bị "xẻ thịt" chia cho hai hộ khác để trồng rừng

Riêng dòng họ Đặng Ích, được UBND xã Lĩnh Sơn giao đất nghĩa trang cho cả dòng họ tại khu rừng ông Do thuộc địa phận xóm 3. Với thực tế giao cụ thể tại thời điểm giao là từ chân núi ông Do đến đỉnh núi và kéo sang tận giáp xã Cao Sơn, tổng diện tích thực đo vào thời điểm xảy ra tranh chấp là gần 2,5 héc ta.

Thực trạng hiện tại thì đất nghĩa trang của dòng họ này đã có gần 100 ngôi mộ. Và việc chôn cất khá bài bản từ chân núi ông Do lên gần nửa núi. Mồ mả cha ông của dòng họ đang yên lành thì mới đây đã bị một hộ dân cho máy múc đào hào, ngăn ranh giới trên chính khu vực đất nghĩa trang của dòng họ để trồng cây và xây dựng trang trại, nhà ở. Việc làm đó đã khiến nhiều ngôi mộ bị ảnh hưởng, thậm chí bị chôn vùi khiến cả dòng họ phẫn nộ và phản ứng gay gắt.

Nhận thấy sự việc diễn ra hết sức bất thường, Hội đồng gia tộc họ Đặng Ích đã làm đơn gửi UBND xã Lĩnh Sơn để mong được vào cuộc giải quyết thì bất ngờ nhận được trả lời từ chính quyền địa phương là mảnh đất đó đã giao cho hai hộ gia đình gồm: ông Phạm Viết Bình và bà Cao Thị Hoàng, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vào năm 2006, mục đích sử dụng là trồng cây. Hiện nay phần diện tích được giao thì gia đình ông Bình đã bán lại cho ông Nguyễn Xuân Trường là một người ngoài địa bàn xã.

Cho rằng, việc tự ý “xẻ thịt” đất nghĩa trang rồi cấp quyền sử dụng cho hai hộ gia đình kia là việc làm trái pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mồ mả những người đã khuất, Hội đồng gia tộc họ Đặng Ích đã làm đơn lên UBND xã Lĩnh Sơn và UBND huyện Anh Sơn yêu cầu xem xét, sửa chữa việc làm sai đồng thời thực hiện nghiêm túc việc trả lại mảnh đất vốn dĩ đã được giao cho dòng họ làm nghĩa trang.

Chấp nhận đất nghĩa trang bị "xà xẻo" nhưng vẫn tiếp tục bị ép!

Trước đơn thư kiến nghị, khiếu nại của dòng họ Đặng Ích, UBND xã Lĩnh Sơn đã thực hiện nhiều cuộc hòa giải tại địa phương. Dù Hội đồng gia tộc họ Đặng Ích hoàn toàn không nhất trí với cách giải quyết của UBND xã Lĩnh Sơn khi tự ý giao đất nghĩa trang cho người khác canh tác. Tuy nhiên, xét thấy việc ổn định an ninh trật tự tại địa phương là quan trọng nên gia tộc họ Đặng Ích cũng đã chấp nhận phương án thỏa thuận chỉ được chia một diện tích là hơn 500 mét vuông so với thực tế đã được UBND xã giao năm 1978.

“Họp gia tộc, chúng tôi cũng nghĩ vì cái chung của địa phương nên đành chấp nhận phương án thụt giảm đất nghĩa trang, chỉ nhận phần diện tích đã có gần 100 ngôi mộ chôn cất từ trước. Số còn lại dù trước đó đã được giao cụ thể nhưng họ tộc vẫn thống nhất cho hai hộ kia quyền sử dụng như chính quyền đã xác lập giấy chứng nhận.

Việc người dân liền hề tự ý đào hào tạo ranh giới làm đất đá san lấp đi một số phần mộ khiến gia tộc họ Đặng Ích thêm bất bình

Tuy nhiên, đáng nói là sau khi nhượng bộ, hộ gia đình ông Bình đã không sử dụng phần đất được chia mà lại bán lại cho một người sống tại địa phương khác vào tiếp nhận sử dụng. Chưa dừng lại ở đó, quá trình sử dụng, người mua lại đất đã đào ranh giới sâu gần 3 mét, rộng khoảng 3 mét.

Toàn bộ đất đào bới đổ trồng lên cả mộ của những người quá cố trong dòng họ. Sự việc khiến con cháu phẫn nộ. Dù kiến nghị lên UBND xã nhưng vẫn không được can thiệp và xử lý, cực chẳng đã, chúng tôi đã làm đơn gửi UBND huyện Anh Sơn và cả Công an huyện nhờ vào cuộc làm sáng tỏ. Xử lý sai phạm việc "xẻ thịt" đất nghĩa trang của dòng họ và cả việc xâm phạm mồ mả của các cá nhân liên quan.”. – Ông Đặng Ích Chính thành viên Hội đồng gia tộc bức xúc trình bày với PV.

Theo ghi nhận thực tế của PV tại khu vực nghĩa trang họ Đặng Ích, để phân ranh giới, chủ sử dụng mảnh đất liền kề mới được chính quyền giao đã thiết lập một đường hào khá sâu và rộng. Quá trình múc đất tạo đường hào, lượng đất đào xới lên khá lớn nhưng không vận chuyển đổ nơi khác mà đắp thành đống lên ngay cạnh chân đường hào. Trời mưa, đất đá từ đó lở xuống chôn vùi và làm ảnh hưởng nhiều ngôi mộ của dòng họ Đặng Ích.

UBND xã không biết ?!

Để rõ hơn về câu chuyện này,chúng tôi đã liên hệ với ông Phạm Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn. Qua tiếp xúc, chúng tôi cũng khá bất ngờ khi vị Chủ tịch xã này cho rằng không hề biết chuyện dân tự ý đào hào lớn trên đất lâm nghiệp để tự chia ranh giới gây ảnh hưởng tới mồ mả những người quá cố của họ Đặng Ích.

“Để tôi cho anh em kiểm tra xem thực tế thế nào, vì tôi cũng chưa nhận được phản ánh của họ Đặng. Nếu đào hào, phân ranh giới như vậy là không được, đã thế còn ảnh hưởng tới mồ mả là điều càng không được.” – ông Quý nói.

Sau nhiều lần dòng họ Đặng Ích phản ánh về việc khu đất nghĩa trang bị xâm phạm, UBND xã Lĩnh Sơn có thật sự không biết tới sự việc trên? Do đâu xác nhận của Chủ tịch và phó Chủ tịch UBND xã cũ về phần đất nghĩa trang được giao cho dòng họ Đặng Ích lại bị "gạt bỏ"? Chính quyền UBND huyện Anh Sơn sẽ giải quyết vụ việc này ra sao để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân? PL&DS sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 319. Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ 1/1/2018 Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt:

1.Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt

Tác giả: Hoàng Phạm/PL&DS

Nguồn tin: Pháp luật & Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP