Trong tỉnh

Đất “cổ” Diễn Châu (Nghệ An) Xưa và nay

Diễn Châu là vùng đất cổ; thuộc bộ Hoài Hoan từ thời Hùng Vương, nhưng đến năm 627, cái tên Diễn Châu mới chính thức xuất hiện trong lịch sử đất nước. Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều lợi thế, Người dân cần cù, chịu khó, cùng với truyền thống hiếu học...Tất cả những thuận lợi đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng đất Hoan Châu xưa, Diễn Châu nay.

Vùng đất được hình thành 1390 năm

Theo sách “Đại Việt địa dư toàn biên” do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu biên soạn có ghi: “Diễn Châu Long Trì quận, trước là quận Trung Nghĩa, lại gọi là quận Diễn Thủy. Năm Trinh Quán, bỏ Quảng Đức, cắt đất Hoan Châu đặt làm Diễn Châu… có 7 huyện Trung Nghĩa, Long Trì, Vũ Lang, Vũ Kim, Hoài Hoan, Tư Nông, Vũ Dung”. Kết hợp với các bộ quốc sử và tư sử: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Nghệ An ký”, các nhà khoa học tại cuộc toạ đàm khoa học ngày 11/9/2005 đã nhất trí cho rằng có đủ cơ sở khoa học để xác định chắc chắn tên gọi Diễn Châu được xuất hiện vào năm Trinh Quán thứ nhất đời Đường Thái Tông (627).

Diễn Châu là vùng đất cổ; thuộc bộ Hoài Hoan từ thời Hùng Vương, nhưng đến năm 627, cái tên Diễn Châu mới chính thức xuất hiện trong lịch sử đất nước. Địa vực có lúc rộng lúc hẹp, nhưng ngay từ khi xuất hiện năm 627, Diễn Châu đã đóng vai trò là một đơn vị hành chính cấp châu, và trải qua nhiều triều đại kế tiếp từ đời thuộc Đường đến các triều đại tự chủ như Khúc (905 - 923), Dương (931 - 938), Ngô (93 - 965), Đinh (9680 - 980), Tiền Lê (98 - 1009), Diễn Châu vẫn đứng độc lập là một châu riêng biệt.

Một góc trung tâm thị trấn Diễn Châu

Như vậy, địa danh Diễn Châu có từ năm 627, tuy địa vực có thay đổi từng thời kỳ nhưng vẫn như hình với bóng với Hoan Châu. Hoan Châu là đổi từ Đức Châu ra. Đức Châu có từ thời nhà Lương (502 - 507) chia từ Cửu Đức ra. Cửu Đức vốn là được đặt ra từ thời Ngô (220 - 280) tách từ quận Cửu Chân đời nhà Hán. Diễn Châu đời Hán là đất huyện Hàm Hoan, đời Đường là huyện Phủ Diễn và An Nhân, lại đổi là Diễn Châu, đời Lý, Trần - là lộ Diễn Châu, đời Lê Quang Thuận (Thánh Tông đổi làm phủ Diễn Châu thuộc thừa tuyên Nghệ An lãnh hai huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu, năm Minh Mạng thứ 18, đặt thêm huyện Yên Thành (túc lãnh ba huyện: Đông Thành, Quỳnh Lưu, Yên Thành).

Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ thể là sau kháng chiến chống Pháp, năm 1954, lỵ sở Diễn Châu, lúc này là huyện, mới chuyển về ngã ba Diễn Châu. Lúc đầu gọi là huyện lỵ, ngày 23/2/1977, theo Quyết định số 619 VP/CP của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng mới gọi là thị trấn.

Tự hào về mảnh đất Diễn Châu Ông Hoàng Đình Hoán – xã Diễn Phúc, Diễn Châu nói: "Gia đình tôi đã nhiều đời sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Diễn Châu, tôi thấy tự hào và yêu quê hương mình. Tôi rất vui khi thấy sự thay đổi và phát triển của Diễn Châu trong từng thời kỳ. Chuẩn bị kỷ niệm 1390 năm danh xưng Diễn Châu không chỉ gia đình tôi mà tất cả những người con Diễn Châu đều lấy làm tự hào về mảnh đất mà mình được sinh ra và lớn lên”

Phát huy truyền thống

Với bề dày về quá trình hình thành và phát triển, luôn đi đầu trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng CNH - HĐH, phát huy gìn giữ nghề truyền thống. Đồng thời phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực tạo cơ chế thông thoáng thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đến nay Diễn Châu đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Hiện nay, địa bàn huyện có 9 dự án lớn do doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.500 tỷ đồng, đã thực hiện trên 1.000 tỷ đồng. Toàn huyện có 475 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hơn 6.000 hộ kinh doanh cá thể, góp phần chuyển dịch, phát triển kinh tế và giải quyết việc làm hàng năm từ 4.500 đến 5.000 lao động. Hàng năm, các doanh nghiệp nộp ngân sách bình quân trên 50 tỷ đồng.

Cùng với đó là các khu du lịch biển, du lịch sinh thái đang hình thành và phát triển tiêu biểu như biển Diễn Thành, Hồ Xuân Dương, Khu sinh thái Diễn Lâm. Xuất hiện các vùng đô thị mới, hệ thống đường giao thông, kênh mương, mạng lưới điện được đầu tư xây dựng rộng rãi, khang trang. Đời sống văn hóa được gìn giữ và phát huy, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết.

Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) trở thành phong trào có sức lan tỏa, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Tính đến giữa năm 2017 đã có 17/38 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Nhiều năm liền Đảng bộ huyện Diễn Châu đạt trong sạch, vững mạnh. Là huyện dẫn đầu tỉnh trên nhiều lĩnh vực: số xã đạt chuẩn NTM đứng vào tốp đầu tỉnh; nhiều năm liền là lá cờ đầu về sự nghiệp giáo dục cả về chất lượng và phong trào xây dựng chuẩn quốc gia; là huyện có số xã đạt chuẩn mức độ 2 về y tế cao nhất tỉnh; quốc phòng - an ninh giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

Tự hào là vùng đất “cổ” những ngày này Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đang hướng về lễ kỷ niệm 1390 năm danh xưng Diễn Châu được tổ chức vào tối nay, 19/8 nhằm ghi nhớ dấu mốc quan trọng, đánh dấu chiều dài lịch sử của mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Tác giả: Zen Linh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: Xưa và nay ,Diễn Châu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP