Giáo dục

Đào tạo tại chức vẫn bát nháo

Hiện loại hình đào tạo tại chức và hệ từ xa vẫn chiếm 1/5 tổng quy mô đào tạo đại học. Riêng chất lượng của hình thức đào tạo này vẫn “ổn định” mấy thập niên qua, khiến xã hội chưa bao giờ tin rằng đại học tại chức lại có thể đạt ngang bằng chính quy.

Đủ loại dịch vụ cho những người muốn có bằng tại chức mà không phải đến trường học được giới thiệu trên mạng xã hội. ẢNH CHỤP TỪ MÀN HÌNH

Thuê học, thuê làm bài tập, thuê thi

Thông qua một nhóm học, thi, chép bài thuê trên mạng xã hội, chúng tôi làm quen H., quê Ninh Bình, đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH Công đoàn. H. cho biết trước đây đi phục vụ các nhà hàng giải khát, mỗi giờ chỉ được 15.000 - 17.000 đồng, cả tháng đi làm đều đặn mỗi ngày 4 tiếng cũng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Nhờ một người bạn mách nước, H. lên mạng xã hội tham gia mấy nhóm thi thuê, học hộ. Từ nửa năm nay, H. cứ được nhờ học hộ khá đều, nguồn khách của cô chủ yếu là sinh viên hệ tại chức (vừa làm vừa học - VLVH),

Theo H., giá cả thường từ 50.000 - 60.000 đồng/2 tiếng. Nếu học cả ngày thứ bảy, chủ nhật thì 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Thậm chí, có người cần đột xuất thì sẵn sàng trả 200.000 đồng/ngày. Thường thì “khách” thay đổi liên tục, do người học có việc bận hoặc đi công tác trong một vài tuần, nên chỉ cần người đi học hộ trong thời gian ngắn. Nhưng cũng có nhiều người nhờ học hộ suốt học kỳ hoặc khóa học. Từ vài tuần nay, H. nhận một mối học lâu dài ở Học viện Tư pháp, học vào 2 ngày cuối tuần với giá 120.000 đồng/ngày.

“Các anh/chị không yêu cầu mình phải ghi bài nên việc học rất nhàn, trong giờ học thoải mái làm việc riêng. Môn nào có giải bài tập hoặc thi hộ thì thù lao khoảng 200.000 - 300.000 đồng/bài thi, bài tập. Nếu đạt 7 - 8 điểm trở lên thì có thể được trả 500.000 - 600.000 đồng/bài thi”, H. tiết lộ.

Trong vai một người cần học hỏi kinh nghiệm, chúng tôi tiếp cận chị H.L, học viên lớp văn bằng 2, K16 Trường ĐH Luật Hà Nội, người cách đây vài hôm vừa đăng tin trên một số nhóm học hộ, thi hộ cần tìm người học hộ lâu dài. Đang bận bán hàng, nhưng chị H.L cũng dừng tay để tư vấn cho chúng tôi. Chị H.L mới nhập học từ hơn một tuần nay. Sau khi học mấy buổi đầu thì chị nhận thấy việc nhờ học hộ rất thuận lợi, do lớp đông (khoảng 80 học viên/lớp), giảng viên chỉ đứng một chỗ giảng hoặc đọc cho chép.

“Chị đừng học tại trường, mà nên đăng ký học tại các cơ sở liên kết. Ở những nơi đó dễ lắm, chị có thể nhờ sinh viên học hộ thoải mái”, H.L cho lời khuyên.

H.L còn nhận xét, thời buổi này cứ có một ít tiền thì việc có bằng tại chức dễ vô cùng, kể cả của trường có tiếng. Học phí khá dễ chịu (như Trường ĐH Luật Hà Nội thu 5,5 triệu đồng/kỳ). Chỉ tốn tiền thuê người học và người giỏi đi thi. H.L nói: “Em còn được mấy bạn khóa trước mách là có thể nhờ người không biết gì đi thi hộ, vì vào ngồi thi chỉ việc... chép”.

Dạy - học kiểu bớt xén

Tình trạng bát nháo trong đào tạo tại chức đã được nhiều chuyên gia, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra trong các hội thảo, hội nghị, thậm chí trong các đề tài luận án tiến sĩ.

Cách đây mấy năm, ông Vũ Duy Hiền (khi đó là cán bộ Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Hải Dương) làm luận án tiến sĩ về đề tài đào tạo ĐH theo hình thức VLVH. Trong luận án của mình, ông Hiền đã có những mô tả rất sống động một buổi học VLVH.

“Theo quy định, giờ học bắt đầu từ 18 giờ, nhưng 18 giờ 30 giảng viên mới vào lớp và cũng chỉ có khoảng một nửa số học viên có mặt. Giảng viên cứ đều đều giảng bài phía trên, còn phía dưới, nhiều học viên cứ mải mê nói chuyện riêng. Một vài học viên gục đầu xuống bàn ngủ. Sau giờ nghỉ giải lao, số học viên có mặt lúc đầu chỉ còn lại hơn nửa”.

Cũng theo ông Hiền, buổi học của các lớp VLVH nhìn chung là bát nháo, vô kỷ luật, hoặc buồn tẻ, rời rạc; thầy dạy thầy nghe, trò ở dưới nói chuyện riêng vô tư. Từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, thi đầu ra... đều làm lấy lệ. Giảng viên thì dạy qua loa, dạy dồn, dạy ép, dạy nhồi nhét. Có môn học trong kết cấu chương trình 30 tiết chỉ dạy 2 ngày là xong. “Phần lớn học viên học kém nhưng vẫn tốt nghiệp”, ông Hiền nhận xét.

Anh B., cán bộ một trường trung cấp nghề ở Nghệ An, cho biết trường liên kết với một số trường ĐH ở Vinh và Hà Nội để tuyển sinh và đào tạo một số ngành ĐH tại chức. Trường địa phương đứng ra tuyển sinh, thu học phí, được 25 người trở lên thì ký hợp đồng với trường ĐH (nơi sẽ cử giảng viên dạy và cấp bằng) để mở lớp. “Cứ cuối tuần là các trường cử giảng viên về dạy. Chất lượng giảng dạy thì chẳng ai mong đợi gì bởi việc đi học chỉ là hợp thức hóa để học viên có tấm bằng. Đến ngày thi ai cũng đỗ hết, kể cả người đi học chuyên cần hay kẻ thường xuyên nghỉ học. Trước ngày thi, lớp trưởng đứng ra thu tiền, bồi dưỡng giám thị (là người của trường sở tại) mỗi người vài trăm nghìn. Vào phòng thi thì giám thị làm lơ cho chép, chứ các bạn ấy có mấy chữ trong đầu, không được chép thì trượt hết!”.

Người học tại chức là ai ?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nga, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết bà đã từng làm điều tra với 471 sinh viên đang theo học hình thức đào tạo VLVH của một số trường ĐH khu vực phía bắc. Kết quả cho thấy hầu hết số người theo học hình thức VLVH đang tham gia lao động, chỉ có 6,3% thất nghiệp (chưa có việc làm). Trong đó, có đến 36% đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, 45,6% làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất tư nhân, 12,1% công nhân, lao động tự do.

Mục đích của người học được chia thành 2 nhóm chính: nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ cho công việc hiện tại; do kế hoạch chuyển đổi vị trí công việc trong tương lai, tìm kiếm việc làm. Đáng chú ý, gần 1/3 (28,7%) chọn lý do khác - phần lớn nằm trong trường hợp “hoàn chỉnh văn bằng”.

“Mất giá” với thị trường lao động

Tuyển sinh ĐH theo hình thức VLVH những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều trường vẫn nỗ lực duy trì hình thức đào tạo này, bất chấp những tai tiếng mà dư luận xã hội vẫn gán cho hệ đào tạo này.

Thời “hoàng kim” của ĐH tại chức (sau này mới gọi là ĐH VLVH) là giai đoạn 2003 - 2007, bởi khi đó có năm quy mô của hệ VLVH chiếm 49,49% tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ của cả nước (trong đó chủ yếu là ĐH - chiếm 86,29%).

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến năm học 2016 - 2017, quy mô đào tạo ĐH không chính quy của cả nước là 365.196 sinh viên, bằng 26% so với quy mô ĐH chính quy, và vẫn chiếm 21% tổng quy mô sinh viên của cả nước. Trong đó, tuyển mới là 65.944 chỉ tiêu (bằng 20% so với quy mô ĐH chính quy). Tuy nhiên, trong Báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017 về giáo dục ĐH gồm 34 trang của Bộ GD-ĐT không có dòng nào nhắc đến đào tạo ĐH không chính quy. Còn báo cáo tổng kết năm học trước đó (2015 - 2016) thì ghi: “Giảm chỉ tiêu hệ VLVH và chỉ tiêu hệ liên thông; dừng đào tạo theo hình thức từ xa đối với ngành đào tạo giáo viên và hình thức VLVH đối với một số ngành thuộc khối ngành khoa học - sức khỏe (...). Liên kết đào tạo VLVH đã dần đi vào khuôn khổ”.

Thực tế, chỉ tiêu tuyển mới ĐH VLVH năm học 2016 - 2017 có giảm so với 2015 - 2016, nhưng vì chỉ tiêu tuyển mới ĐH chính quy cũng giảm nên tỷ lệ chỉ tiêu tuyển mới ĐH VLVH so với chỉ tiêu ĐH chính quy năm sau giảm so với năm trước 0,5%.

Tác giả: Quý Hiên

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP