Giáo dục

Đạo đức là môn học phải thi suốt đời

Chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa đã nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong phiên họp chiều 26/7.

Một tiết học tại Trường THPT TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo cô Nhiếp, giáo dục đạo đức, lối sống không thể làm ngay kết quả, nó cần có quá trình và cần sự tham gia của nhiều lực lượng. Quan niệm chỉ học đạo đức, lối sống khi chương trình sẵn sàng, chờ đồng bộ… là quan niệm sai lầm bởi mỗi một lứa học sinh là mất đi một thế hệ con người Việt Nam bị khuyết thiếu về đạo đức lối sống.

Cô Nhiếp khẳng định: "Giáo dục con người thành công sẽ tạo được kết quả trước cả kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Còn giáo dục bất thành công là khi học trò đỗ với tấm bằng tốt nghiệp THPT, nhưng vẫn ngơ ngác, bơ vơ và nông cạn trước nhiều cảnh huống. Ấy là vì các em bị thiếu hụt, không có những kỹ năng sống tốt cuộc sống của mỗi con người".

"Thực tế, các môn học - dạy chữ đều có tổ chức kiểm tra, có thi cử để vào đời, nhưng có môn cần như dạy người ta luôn phải "thi" suốt đời là lối sống lại chưa được chú trọng. Mọi người thường nói, “học chữ song song với học làm người’ hoặc “dạy người thông qua dạy chữ’ chứ chưa tiếp cận theo hướng đạo đức là nền tảng của mọi môn học, không phải là môn học tách biệt. Học làm người mà chỉ đợi “cài theo”, “cõng cùng” các nội dung kiến thức thì dù quý nhưng chưa đủ", cô giáo này bày tỏ.

Bắt đầu từ những người thầy

Cô Nhiếp đề xuất việc dạy người phải bắt đầu từ những người thầy. Nhìn lại các khẩu hiệu trong mỗi nhà trường như “5 điều Bác Hồ dạy”, “tiên học lễ, hậu học văn”, “thi đua dạy tốt – học tốt”, “tất cả vì học sinh thân yêu”, “mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”…. thiết nghĩ đến 5 vấn đề giáo dục phổ thông mới là “yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm”. Soi ngẫm lại, thành thật với chính mình, chúng ta thấy còn nhiều thầy cô giáo chưa thực hiện tốt các khẩu hiệu trên.

Quan điểm này cũng được GS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội nhắc lại: “Trò học thì thầy cũng phải học, trò đọc thì thầy cũng phải đọc, thầy không thể làm gương được nếu thầy không gương mẫu học, không gương mẫu đọc. Thầy trò cùng học, cùng đọc, cùng xây dựng văn hóa”.

Sẽ không thể có hiệu quả trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nếu chỉ bằng giảng giải bởi đạo đức, nhân cách của các em được hình thành của rèn giũa, trải nghiệm. Học trò thường làm theo khi được trỉa nghiệm, đặc biệt là khi nhìn thấy thầy cô làm.

“Chúng ta không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hàng ngày. Việc nêu gương đạo đức lối sống chính là việc thầy trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày nên thầy cô không thể trì hoãn”, cô Nhiếp nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến sự gương mẫu của thầy cô, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, bản thân thầy cô cần ý thức được việc thường xuyên trau đồi chuyên môn, đạo đức của mình, bởi trò tôn trọng thầy cũng là bắt đầu từ chuyên môn và đạo đức. “Một mặt ngành giáo dục sẽ tạo điều kiện, tạo động lực cho thầy cô nhưng mặt khác cũng sẽ có chế tài để loại bỏ những thầy cô suy thoái đạo đức”.

3 mục tiêu cốt lõi trong dạy người

Trên quan điểm của nhà nghiên cứu giáo dục, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, khái niệm giáo dục đạo đức là giáo dục tính cách tức dạy thái độ sống cho con người.

Với trẻ em, chúng ta nên chọn 3 vấn đề cốt lõi để dạy theo mô hình vòng tròn đồng tâm trong các năm học là: “Dạy trẻ có tính thiện, không tham lam và có trách nhiệm”.

“Việc giáo dục đạo đức cho học sinh cần sự chung tay của tất cả mọi người nhưng trước hết phải làm sao phải “trường ra trường”, “thầy ra thầy” thì mới có “trò ra trò”, GS. Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

GS. Nguyễn Minh Thuyết. Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, trong chương trình mới giáo dục phổ thông (GDPT) mới yêu cầu học sinh hình thành, phát triển 5 phẩm chất cơ bản là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Trong đó, “nhân ái” chính là tính “thiện”; “trung thực” chính là không tham lam…

Để việc dạy đạo đức lối sống trong chương trình GDPT mới đạt hiệu quả, chương trình sẽ áp dụng phương pháp: dạy học phân hóa - không giáo dục “cào bằng” tất cả học sinh; dạy học tích hợp; giáo dục thông qua hành động.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay, khi người lớn gương mẫu, văn hóa ứng xử tốt thì tự khắc trẻ con nhìn vào cũng sẽ học hỏi và ứng xử tốt hơn. Thầy cô dạy học sinh không vi phạm Luật giao thông nhưng thực tế bố mẹ chở các em đến trường lại vi phạm Luật thì giáo dục nhà trường khó đạt được hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh về mục tiêu, bản chất là không thay đổi nhưng hình thức và phương pháp phải thay đổi để phù hợp với những thay đổi của đời sống xã hội hiện nay, trong đó tích hợp giáo dục đạo đức lối sống vào từng môn học là điều tất yếu.

“Một trong những nhiệm vụ được ngành Giáo dục ưu tiên hàng đầu trong năm học tới là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhiệm vụ này sẽ được chúng tôi triển khai cụ thể, chi tiết từng việc, để ngay sau năm học sẽ thấy sự thay đổi rõ nét từ học sinh, giáo viên cho tới nhà trường”, Bộ trưởng nêu rõ.

Phụ huynh đừng thốt lên 'con tôi xuất chúng'

Tác giả: Minh Khôi

Nguồn tin: Báo điện tử Chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP