Xã hội

Đánh cược tính mạng với nghề 'đâm hà bá'

Vất vả, cực nhọc và đầy rẫy hiểm nguy..., nhưng nhiều người đàn ông có sức khoẻ tốt và khả năng chịu đựng áp suất thay đổi ở vùng biển Diễn Châu vẫn chấp nhận đánh cược tính mạng để theo nghề thợ lặn. Sự đánh đổi đó giúp họ kiếm về vài triệu đồng mỗi ngày - điều mà những người làm nghề khác không dám nghĩ đến.

Sáng sớm, khi màn sương còn chưa kịp tan hết, từng đội thợ lặn ở các thuyền lại tất bật gánh gồng đồ nghề, nước sạch và chuẩn bị thực phẩm cho chuyến lặn biển mới. Mỗi tốp chừng 5-7 người, họ đưa từng bước chân nặng trĩu về phía con thuyền đang neo đậu. Những gì họ để lại phía sau chỉ là vết lõm sâu hằn trên lớp cát mịn. Xa xa phía cửa lạch, những tia hào quang mặt trời đầu tiên lộ ra chưa kịp xua tan lớp hơi nước trên mặt biển. Nhưng chỉ cần những dấu hiệu đó cũng đủ để anh Lưu và mọi người nhận định thời tiết cho chuyến đi lần này. “Hôm nay trời không trong lắm, thuyền đi được nhưng chuyến này hơi vất vả đấy. Có thể sẽ gặp sóng mạnh” - anh Lưu cất giọng rồi lại loay hoay xếp đồ nghề lên khoang.
Người thợ lặn được trang bị áo nhái, ống thở, con chì cho đến găng tay, mỏ sắt nhọn. Ảnh: Như Sương

Con thuyền đi nghề của anh Lưu không lớn lắm, chỉ vừa đủ chỗ để 7 con người ngồi và một khoảng trống đặt máy thở với hệ thống ống dẫn khí chừng mười chiếc vòi dài, mỗi người một bộ đồ lặn cùng găng tay, túi lưới...

“Nếu như người làm công việc đánh bắt, quan trọng nhất chiếc lưới thì với người làm nghề lặn phải chú trọng nhất chiếc bình khí, bộ vòi dẫn và những con chì. Áo nhái có thể có hoặc không nhưng riêng ba thứ này thì bắt buộc phải có mới có thể dầm mình xuống đáy biển sâu hàng chục mét nước để lần mò trong lớp cát nhặt từng con sò, con ốc...” - anh Lưu chia sẻ.

Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề lặn, anh Lưu thong thả kể. Vừa tròn 20 tuổi, anh theo chuyến xe vào miền Nam tìm việc làm rồi tình cờ gặp được người bạn quê gốc Hà Tĩnh làm nghề lặn mò san hô, ốc hương,... ở vùng biển Bình Thuận. Vốn là dân biển, lại cùng sinh ra ở miền Trung nên hai anh em càng nói chuyện càng hợp. Rồi từ đó, anh Lưu được cho đi theo học nghề.

“Cứ tưởng mình sẽ nhanh được đi nghề vì lâu nay mình vẫn ra biển tắm, ngụp lặn để mò sò, ngao ven bờ. Nhưng chuyện đâu có dễ thế! Tập lặn để đi làm nghề không phải là chuyện tập nhịn thở càng lâu càng tốt mà là phải học thở bằng miệng qua vòi ô-xi và phải nâng dần độ sâu của mực nước cũng như thời gian chịu đựng trong điều kiện áp suất nước lớn.

Bởi càng xuống sâu, áp suất nước càng lớn khiến lồng ngực và các mạch máu bị nén ép, không quen có thể bị hộc máu mồm, máu mũi hay chảy máu tai ngay. Nhiều người khác chậm thích nghi thì vỡ cả động mạch trở thành người tàn phế và thậm chí còn có người phải bỏ mạng nơi đáy nước. Và với người làm nghề lâu năm thì phần đa đều có vấn đề về tai và mắt” - anh Lưu kể.

Những con chì nặng hàng chục cân là thứ công cụ giúp người thợ lặn sâu hơn. Ảnh: Như Sương

Song, đó mới chỉ dừng ở việc học lặn chứ còn những cái khác thì sao? “Đó là hở ống dẫn khí!” - anh Lưu quay sang giải thích ngắn gọn. Theo anh, trong quá trình sử dụng, chỉ cần va chạm vô tình nào đó cũng có thể khiến ống thở bị thủng làm nước vào tràn gây tắc khí.

Trong khi đó, hầu hết các thợ thường lặn ở độ sâu trung bình chừng 8-9 sải nước (1 sải khoảng 1,6 mét - PV), việc nhanh chóng cởi bỏ tấm chì nặng hàng chục cân để nổi lên mặt nước không phải là điều dễ dàng. Ngoài ra, còn chưa kể đến các nguy cơ khác xảy ra như cơm bữa, như việc bị sứa biển tấn công đến sưng phù mặt mày, hay những hiểm nguy từ thiên tai như thuyền bị sóng đánh chìm, gặp giông bão lớn, máy móc hư hỏng...

Những người thợ lặn cho biết ông cha khuyến cáo 2 điều không nên: "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá". Thế nhưng, vì nguồn lợi lớn nên chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người hay tin lân la đến nhà anh Lưu hỏi chuyện rồi đầu tư mua sắm ngư cụ, thuê các thợ giỏi ở tít vùng đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) - nơi được cho là cái nôi của nghề lặn về đây làm việc.

Theo lời kể của anh Lưu, chỉ trong xóm anh, số lượng tàu thuyền đi nghề đến nay đã lên chừng hai chục chiếc. Hầu hết các thợ được thuê từ miền trong và một số nhỏ ở Hà Tĩnh. Riêng thuyền của anh thì có đội lặn là họ hàng xa trong Bình Thuận ra cùng chung vốn đi nghề.

“Ngày trước, các thuyền, bè chỉ lặn mò ở vùng cửa Quèn, cửa Vạn - khoảng cách bờ chừng vài chục hải lý. Song, vì ngày càng có nhiều thuyền đi nghề khiến lượng sò lụa, ốc hương ít dần buộc những chuyến đi của anh càng ngày càng xa thêm. Đến nay thì phải xuôi về tận tít Cửa Hội mới có...”.
Những “chiến lợi phẩm” sau một ngày lặn ngụp đang được tập kết vào bãi. Ảnh: Như Sương

Và những loài mà đội thợ lặn thích bắt nhất chính là sò lụa, ốc hương, sò lông và sò mai, nhưng chủ yếu là sò lụa vì loài này khá nhiều, phân bố ở nhiều vùng trong khi sò mai rất hiếm gặp. Trung bình mỗi chuyến đi, đội thợ 7 người của anh mò được từ 1,4 - 1,6 tạ sò lụa; giá nhập tại bến mùa này ổn định 120.000 đồng/kg loại chưa tách vỏ.

Riêng mùa nước lạnh, ít người đi nghề, giá có thể lên tới 200.000 đồng/kg. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi ngày, một thợ lặn có thể kiếm về được từ 1 - 3 triệu đồng. Nhưng đấy là những chuyến vươn khơi may mắn, còn có những chuyến làm cả ngày chẳng đủ bù chi phí. Thậm chí, có những chuyến còn bị mất trắng vì gặp gió, vì đồ nghề bị hỏng...

Nghề lặn biển cũng phải dựa hoàn toàn vào con nước. Những ngày biển lặng, thợ lặn có thể đi kiếm tiền nhưng ngày biển nổi gió, họ lại ở nhà ngồi chơi xơi nước.Và với người làm nghề lặn ở Diễn Hùng, phần đa, họ “làm một mùa nhưng ăn cả năm”. Mùa đi nghề đông nhất kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7, khi thời tiết ấm, biển ít động và đồng thời cũng là mùa du lịch. Sang tháng 8 nhiều mưa giông, biển dậy sóng lớn nên người làm nghề lại chuyển vào miền trong, hoặc nữa là tìm kiếm công việc thay thế.

Tác giả: Như Sương
Nguồn: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP