Trong tỉnh

Đảng ủy khối Doanh nghiệp bồi dưỡng kiến thức doanh nhân cho gần 500 học viên

Hội nghị nhằm cập nhật, trang bị những kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ chủ chốt tại các doanh nghiệp có tổ chức cơ sở đảng trực thuộc để góp phần xây dựng, đẩy nhanh quá trình phát triển các loại hình doanh nghiệp, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, thương hiệu và đa dạng về thị trường cung ứng, đồng thời thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp và các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Phan Thị Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ; cán bộ Cơ quan Đảng ủy Khối tham dự Hội nghị

Sáng nay, 01/10/2022, Đảng ủy khối Doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng kiến thức doanh nhân cho gần 500 cán bộ chủ chốt tại các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. TS.Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội trực tiếp trao đổi tại hội nghị.

Đồng chí Ngô Đình Viện, Phó Bí thư Đảng ủy Khối phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị bồi dưỡng kiến thức Doanh nhân cho cán bộ chủ chốt gắn với chuỗi hoạt động kỷ niệm 26 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối (03/10/1996-03/10/2022); 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2022), đồng thời tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tại Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An có hiệu quả thiết thực.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe TS.Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội trao đổi về bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam từ năm 2020 đến nay; các định hướng, chủ trương điều hành lớn của Chính phủ cũng như các yếu tố lớn cần quan tâm và một số thông tin về tình hình kinh tế trong tháng 9 năm 2022. Trong đó nhấn mạnh về những thuận lợi, khó khăn, những mục tiêu, giải pháp và nguồn lực thực hiện.

TS.Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội trực tiếp trao đổi tại hội nghị.

2 năm qua, trong khi nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái, khủng hoảng hoặc tăng trưởng rất thấp do đại dịch Covid-19 và những biến cố kinh tế - chính trị toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam đã từng bước đi qua gian khó, thích ứng và phục hồi tăng trưởng.

Về tình hình trong nước, thực tế cho thấy nền kinh tế đã có những bước phục hồi tích cực từ quý IV năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022. Các chính sách hỗ trợ kịp thời được ban hành như Nghị quyết số 43/QH15/2022 của Quốc hội, Nghị quyết 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai bước đầu đã phát huy hiệu quả, tăng trưởng mạnh ở khu vực sản xuất, chế biến chế tạo, phục hồi trong hoạt động bán lẻ và du lịch.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tuy nhiên, trong bức tranh có nhiều gam màu sáng của nền kinh tế Việt Nam, cũng còn nhiều khoảng tối khi thực tế, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rời khỏi thương trường mỗi tháng; rủi ro tài chính - tiền tệ, rủi ro an ninh năng lượng và lương thực gia tăng... Cùng với đó, giải ngân đầu tư công còn chậm; cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém, các doanh nghiệp nhà nước còn chậm; nhiều nguồn lực kinh tế còn bị kìm hãm, làm giảm khả năng phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; còn tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, thiếu hụt cả số lượng và kỹ năng của người lao động; có hiện tượng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thực trạng đó đặt ra mục tiêu cần khôi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 và 2023, làm tiền đề cho giai đoạn tăng trưởng nhanh hơn năm 2024 và 2025; tăng mức sử dụng lao động, đưa người lao động trở lại làm việc, đảm bảo an sinh xã hội gắn với săn xuất kinh doanh; tạo ra đột phá tại một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao để đạt mục tiêu là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại (công nghiệp chế biến chế tạo năm 2025 đạt trên 25%GDP).

Toàn cảnh Hội nghị

Để đạt mục tiêu đó, cần triển khai đầu tư công trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế. Đối với lĩnh vực y tế cần lựa chọn 17 ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; giao thoa các ngành công nghiệp; côn nghiệp ô tô, mũi nhọn đột phá, công nghiệp ô tô điện; năng lượng tái tạo…trên cơ sở nguồn lực cả nước, ưu tiên giải pháp tài khóa thực hiện trước kết hợp giải pháp tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước; tiết giảm chi phí; phát hành trái phiểu chính phủ; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…

Các đại biểu tham gia gian hàng bên lề lớp bồi dưỡng kiến thức kinh tế

Kinh tế Việt Nam năm 2022 và các chính sách phục hồi gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đây là nội dung có tính gợi mở, định hướng để các doanh nghiệp, doanh nhân có thêm thông tin, dữ liệu chính xác nhằm phục vụ tốt cho việc điều chỉnh kế hoạch, hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh sát và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đáp ứng yêu cầu hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: dukdn.nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP