Trong tỉnh

Đằng sau tiếng còi xe cấp cứu ở địa bàn tỉnh Nghệ An

Hoạt động vận chuyển cấp cứu (VCCC) là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, buộc các pháp nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn Ngành Y và chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Thế nhưng, tại Nghệ An, hoạt động VCCC đang tồn tại nhiều vấn đề có thể gây tổn hại đến người bệnh và xã hội.

“Cò” quanh giường bệnh

Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết: Hiện có hơn 15 xe cấp cứu “dù” đang hoạt động VCCC tại địa bàn thành phố Vinh, chủ yếu ở Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An (ĐKNA). Tại Khoa Cấp cứu bệnh viện ĐKNA, tôi gặp anh Sinh, trú ở phường Đội Cung (Tp Vinh). Lúc đó, người nhà anh Sinh đang là bệnh nhân tại Khoa Thần kinh cột sống ở bệnh viện này. Anh Sinh kể: “Ngày nào cũng có mấy “cò” vào tận phòng bệnh, giới thiệu về dịch vụ VCCC của họ. “Cò” khẳng định sẽ lo mọi thủ tục chuyển và nhập bệnh viện cả hai đầu (Nghệ An – Hà Nội) cho bệnh nhân”.

Xe VCCC "dù" tại sảnh phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Nghệ An và trước cổng Bệnh viện

Khi tôi đang loay hoay tại quầy nộp viện phí, thì một nam thanh niên trạc 30 tuổi đến nói: “Người nhà anh chuyển viện à, để em vận chuyển cho. Đảm bảo giá rẻ hơn bệnh viện, em còn lo cho anh tất cả mọi thủ tục nhập viện ở Hà Nội”. Tôi hỏi: “Đi bệnh viện Việt Đức (Hà Nộị) giá bao nhiêu?”.

“Xe cấp cứu của bệnh viện họ lấy 3,7 triệu đồng. Còn em lấy 3 triệu đồng, bao gồm cả nhân viên y tế hộ tống theo xe”. Qua trò chuyện, anh ta cho biết tên là H, hiện là chủ của 3 chiếc xe cứu thương hoạt động VCCC tại đây. Như muốn tạo niềm tin, anh ta gọi điện thoại cho ai đó. Chưa đầy 10 phút, một chiếc xe cấp cứu mang biển số 37A- 359… bật đèn nháy xanh đỏ chạy đến tận sảnh Phòng Cấp cứu. Từ trên xe, một người mặc áo blu trắng bước xuống…

Kết thúc cuộc nói chuyện với H, có một bác xe ôm đã luống tuổi vẫy tôi ra ngoài và nói nhỏ: “Anh nên gọi xe VCCC của bệnh viện, hoặc của 115. Bởi bệnh nhân chuyển tuyến cần phải có nhân viên y tế có chuyên môn hộ tống”. Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, bác nói tiếp: “Nếu bây giờ tôi khoác chiếc áo blu trắng vào, anh có phân biệt được tôi là nhân viên y tế, hay người đi xe ôm không?”.

Tôi cảm ơn bác xe ôm tốt bụng, nhưng vẫn hẹn gặp H ở một quán nước, đối diện cổng Bệnh viện ĐKNA. Tại đây, có mấy chiếc xe ôtô cứu thương đang đậu dưới hàng cây. Ở kính sau của các xe này đều có dòng chữ “Dịch vụ vận chuyển cấp cứu” và số điện thoại có 3 số cuối đều là …115. Phải chăng đây là một thủ thuật nhằm gây sự nhầm lẫn cho gia đình bênh nhân? Khi tôi trình bày không thể xin chuyển tuyến được cho người bệnh, H nói: “Sẽ làm thủ tục chuyển viện với giá 3,5 triệu đồng.

Đảm bảo được hưởng bảo hiểm xã hội đầy đủ”. Tôi đưa cho H thẻ bảo hiểm và giấy Chứng minh nhân dân của một người khác hoàn toàn khỏe mạnh không đau ốm bệnh tật gì. Ngày hôm sau, H đưa cho tôi “Giấy chuyển tuyến” của Bệnh viện ĐKNA, gửi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) với đầy đủ chữ ký của người có trách nhiệm và dấu đỏ của Bệnh viện ĐKNA. Trong “Giấy chuyển tuyến” ghi: “Đã điều trị/khám bệnh tại PK Thần kinh, với dấu hiệu lâm sàng: Di chứng liệt nửa người sau đột quỵ não…”.

Điều đáng noi là người được ghi trong giấy giới thiệu của Bệnh viện ĐKNA đang hoàn toàn khỏe mạnh, và trong suốt năm 2018 chưa hề nhập viện bao giờ. H không hề biết điều này, nói thêm: “Em đã làm giấy cho anh, thì phải đi xe của em đó”. H còn quả quyết: “Có bác sỹ theo xe hộ tống đi Hà Nội”.

Người có tên là H đang nhận tiền "Giấy chuyển tuyến"

Ai quản lý xe VCCC “dù”?

Để tìm hiểu thêm về xe VCCC “dù”, đặc biệt là những nhân viên y tế hộ tống theo xe, tôi gặp Tuấn và Hoàng. Trước đây, Tuấn lái xe VCCC “dù” tại bệnh viện, nay chuyển sang lái taxi. Còn Hoàng, hiện vẫn đang làm nhân viên hộ tống theo xe VCCC “dù”. Trung bình, cứ bốn ngày, Hoàng có một chuyến hộ tống bệnh nhân đi Hà Nội trên xe VCCC “dù”. Hoàng cho biết, đã học ngành điều dưỡng tại một trường đại học y.

Ra trường đã hơn 2 năm, Hoàng không xin được việc làm tại cơ sở y tế nào. Hoàng nói: “Những kiến thức đã học ở trường là đủ làm nhân viên hộ tống. Quan trọng là biết tiên lượng tình trạng của người bệnh và nhớ hết các bệnh viện từ Vinh ra Hà Nội. Trên đường đi, nếu thấy tình hình bệnh nhân xấu đi, là rẽ ngay vào các bệnh viện dọc đường để cấp cứu”. Tôi hỏi Hoàng về “Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh”, Hoàng khẳng định: “Em cũng như nhiều nhân viên hộ tống xe VCCC “dù” khác, đều không có “chứng chỉ hành nghề”. Bởi quy định muốn được cấp chứng chỉ hành nghề, thì phải có thời gian làm việc tại các bệnh viện từ 9 tháng, đến 12 tháng trở lên. Nhưng khi đã có việc tại bệnh viện rồi, thì ai cho đi làm nhân viên hộ tống VCCC “dù” nữa ”.

Tuấn kể: “Ngoài địa bàn thành phố Vinh, tại các huyện trong tỉnh Nghệ An còn có nhiều xe cứu thương hoạt động VCCC. Những chủ xe cứu thương này đều có các mối “quan hệ làm ăn”. Khi trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông, sẽ có người “chức trách” gọi điện cho họ. Nếu có nạn nhân tử vong, chủ xe cấp cứu sẽ đảm nhận tất cả mọi vấn đề từ vận chuyển tử thi, cung cấp quan tài và tổ chức tang lễ. Hầu hết lúc đó, không ai còn tâm trí để thắc mắc về chuyện giá cả nữa. Tất nhiên, mỗi cuộc điện thoại báo tin đều phải có giá, đó là một thứ luật bất thành văn.

Chính vì vậy, xe cấp cứu đều có địa bàn hoạt động riêng. Không ai được phép xâm phạm, nếu như không muốn có “chuyện” xảy ra. Vào năm 2015, một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) làm chết một người. Gia đình nạn nhân gọi cho xe VCCC của Bệnh viện ĐKNA. Khi nhân viên VCCC đang thực hiện công việc tại hiện trường, thì bị một số đối tượng dùng hung khí tấn công phải nhập viện cấp cứu. Qua điều tra của Công an, thì những người đã tấn công nhân viên Bệnh viện ĐKNA hôm đó, là một người có xe hoạt động VCCC dù tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

xe VCCC "dù" chuyển bị lên đường

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Nghệ An cung cấp, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 299 xe cứu thương đăng ký sở hữu. Thế nhưng tại Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An, thì chỉ có 257 xe cứu thương có hồ sơ và thực hiện việc kiểm định anh toàn kỹ thuật định kỳ. Có nghĩa rằng, hiện đang có 42 xe ô tô cứu thương đang hoạt động VCCC, không được kiểm định an toàn kỹ thuật đang hoạt động. Và mọi người đã thấy: Tất cả các xe này được ưu tiên theo luật, ngày đêm hú còi, phóng trên các tuyến đường, ngõ ngách, với tốc độ… xe cấp cứu.

Theo hồ sơ quản lý của Sở y tế tỉnh Nghệ An về hoạt động hành nghề VCCC, thì chỉ có 82 xe cứu thương được cấp phép. Như vậy, có đến 217 chiếc xe cứu thương đang hoạt động VCCC “dù”, không phép, không chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Chắc chắn những chiếc xe VCCC này không thể đáp ứng các quy chuẩn về con người, cũng như phương tiện theo quy định của pháp luật được.

Thế nhưng, theo thống kê của Bệnh viện ĐKNA thì năm 2017, số bệnh nhân nặng của bệnh viện buộc phải chuyển lên tuyến trên (Trung ương) điều trị là 4487 bệnh nhân. Trong khi đó, đội xe VCCC của bệnh viện ĐKNA chỉ vận chuyển 990 chuyến, và đội xe của Bệnh viện 115 Nghệ An phối hợp vận chuyển thêm 217 chuyến.

Nghĩa là có đến 3280 bệnh nhân nặng, phải sử dụng xe VCCC “dù” hoặc phương tiện khác để chuyển đi Hà Nội. Dù rất muốn, nhưng chúng tôi không thể thống kê được con số bệnh nhân phải gánh chịu nguy cơ tiêu cực về sức khỏe của mình, do bị vận chuyển trên xe VCCC “dù”. Và đương nhiên, nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không thể biết họ đang được chuyển viện trên một chiếc xe “dù”.

Chúng tôi đã mang những vấn đề nêu trên đến đặt câu hỏi với đại diện các cơ quan chức năng, và đều nhận được các câu trả lời lúng túng và né tránh. Theo quy định của luật pháp, Sở Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về quy trình, thủ tục pháp lý trong việc cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở dịch vụ y tế, mà không có chức năng, quyền dừng xe, kiểm tra những chiếc xe cứu thương khi đang lưu thông trên đường, cho dù biết đó là xe “dù”, hoạt động không phép.

Và, trên thực tế lực lượng Cảnh sát giao thông cũng không thể dừng xe ô tô cứu thương đang vận chuyển bệnh nhân đi cấp cứu để kiểm tra được. Bởi khi đang chở bệnh nhân cấp cứu, chiếc xe cứu thương đó đương nhiên là xe ưu tiên theo quy định của luật. Hơn nữa, nếu lỡ bệnh nhân đó bị tử vong vì các lý do khác, biết đâu việc dừng xe của Cảnh sát giao thông lại trở thành cơn cớ nổi giận, khiếu kiện của gia đình bệnh nhân.

Vậy là xe VCCC các loại lưu thông trên đường như ở chốn không ai giám sát, kiểm tra.

Điểm nghẽn của chính sách?

Với hiện trạng quá tải tại các bệnh viện thuộc nhà nước quản lý như hiện nay, hoạt động cấp cứu ngoại viện và vận chuyển cấp cứu của các cơ sở y tế tư nhân, đã góp phần giảm tải rất nhiều cho các bệnh viện, ít nhiều tạo thuận lợi cho bệnh nhân . Đây là một hoạt động xã hội hóa cần khuyến khích. Tuy nhiên, chủ trương xã hội hóa y tế không chỉ dừng lại ở việc mở rộng, cho phép các thành phần xã hội tham gia về mặt hình thức.

Mà cần phải xác định: Việc cấp phép nhằm để quản lý mọi hoạt động của các cơ sở, dịch vụ y tế ngoại viện tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn bắt buộc của ngành y. Song song đó, cần phải tạo điều kiện tốt nhất, để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật của hoạt động xã hội hóa y tế. Chỉ có như vậy, thì mới đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế tư nhân. Hơn nữa việc kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng mới có hiệu quả, thực chất.

Anh T đã có 10 năm làm VCCC “dù” tại TP Vinh, khẳng định: “Chúng tôi rất muốn được cấp giấy phép để hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Nhưng một số điều kiện để được cấp giấy phép quá khó, khiến chúng tôi không thể đáp ứng”.

Về “Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh” được quy định tại điều 35 Thông tư 41/2011/TT- BYT, quy định như sau: “Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau: Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề; Có giấy chứng nhận đã được học về chuyên ngành hồi sức cấp cứu; Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng.

Đây là điều khiến cho hoạt động VCCC hiện nay tại tỉnh Nghệ An, phải nằm ngoài vòng quản lý vì lý do không có nhân sự theo quy định. Bởi bất cứ ai đã là bác sỹ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, đã có thời gian khám chữa bệnh từ 54 tháng trở lên đều đang làm việc tại một bệnh viện. Chắc chắn, họ sẽ không nghỉ việc ở bệnh viện để ra ngoài đứng tên trong giấy phép cho một cơ sở dịch vụ VCCC. Còn cơ sở dịch vụ VCCC nào may mắn, tìm được một bác sỹ hồi sức cấp cứu đã nghỉ hưu thì cũng chỉ để thuê cái tên, ghi trong hồ sơ xin cấp giấy phép mà thôi. Bởi không nhất thiết phải là bác sỹ đi hộ tống bệnh nhân. Bác sỹ Lê Thị Thanh Trà, Trưởng phòng kế hoạch Bệnh viện ĐKNA cho biết: “Các nhân viên y tế hộ tống VCCC tại bệnh viện là các điều dưỡng, y tá tại các khoa phòng trong bệnh viện”.

Một số người hoạt động trong ngành y lâu năm, nhận xét: Điều kiện bắt buộc “Người đứng đầu cơ sở dịch vụ vận chuyển bệnh nhân phải là Bác sỹ hồi sức cấp cứu, có ít nhất 54 tháng làm việc” chỉ mang tính hình thức, thủ tục.

Như vậy, với những quy định như hiện nay thì chỉ có các Bệnh viện đa khoa mới đủ điều kiện, được cấp giấy phép hoạt động VCCC. Nghiễm nhiên, họ được độc quyền trong lĩnh vực này. Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật của ngành y tế vô tình trở thành rào cản trong việc xin cấp giấy phép hoạt động VCCC hiện nay.

Nên chăng, đã đến lúc cần phải nâng tầm ngành VCCC so với hiện nay. Bởi đó là một mắt xích quan trọng trong hệ thống khám chữa bệnh. Phải chuyên nghiệp hóa ngay từ việc ban hành các chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật, để làm sao vừa bảo đảm việc tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn về y tế, nhưng vẫn tạo điều kiện cho các cơ sở dịch vụ VCCC được phát triển, cạnh tranh lành mạnh và đúng pháp luật. Về nhân lực, cần thiết phải mở mã ngành đào tạo chuyên về hộ tống bệnh nhân cấp cứu tại các trường y. Công tác đào tạo phải đảm bảo để khi các sinh viên tốt nghiệp ra trường, có thể hộ tống bệnh nhân cấp cứu ngay được.

Tác giả: THẾ SƠN

Nguồn tin: Báo cựu chiến binh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP