Trong tỉnh

Đắng lòng về nơi có trên 75% hộ nghèo và 4,5% hộ cận nghèo

Để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, hàng nghìn hộ dân huyện Tương Dương (Nghệ An) phải di dời. Nhưng sau gần 10 năm về quê mới, hàng trăm hộ quay về sinh sống vùng lòng hồ. Liệu quê cũ có còn nuôi nổi họ?

Gian nan đường đến chợ huyện

Năm 2006, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ khởi công xây dựng, hàng nghìn hộ dân thuộc các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn… (Tương Dương) phải di dời tái định cư (TĐC) về các huyện Thanh Chương, Quế Phong… Một số di dân vào các bản làng vùng sâu, vùng xa. Khi nhà máy tích nước, hòa điện lưới quốc gia, hàng nghìn ha đất nông, lâm nghiệp; những con đường dân sinh ngập chìm dưới biển nước. Các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Rất ít những ngôi nhà kiên cố

Bà Lô Thị Bình, một người lái xuồng lâu năm trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, cho biết Mai Sơn là xã xa xôi nhất, nếu đi xuồng ra tới bến Thượng Lưu cũng mất gần 4 giờ đồng hồ. Từ đây, muốn ra chợ huyện, đồng bào phải tiếp tục bắt một chuyến xe khách, đi gần một giờ đồng hồ nữa để đến thị trấn Hòa Bình.

Xã Hữu Khuông gần nhất trong số 3 xã thì cũng chỉ giảm thời gian di chuyển bằng xuồng xuống còn hai giờ đồng hồ. Chi phí cho mỗi chuyến cả đi lẫn về từ 180 - 280 nghìn đồng/người, chưa kể tiền chuyên chở hàng hóa. Vì thế, nông sản do người dân làm ra đa phần chỉ tự cung tự cấp. Việc ra bệnh viện huyện chữa bệnh là khái niệm xa xỉ. Hữu Khuông có trên 75% hộ nghèo, trên 4,5% hộ cận nghèo.

Mãi đến năm 2014, QL 16 nối từ QL 7 đến huyện Quế Phong mới thông tuyến. Nhưng từ Nhôn Mai và Mai Sơn đến trung tâm huyện phải đi qua huyện Kỳ Sơn, mất ngót 4 - 5 giờ. Còn Hữu Khuông vẫn là một ốc đảo giữa muôn trùng sông nước.

Chúng tôi hẹn mãi mới bắt được một chiếc xe khách lên bến Thượng Lưu để đi xuồng vào xã Hữu Khuông. Chiếc 16 chỗ ngồi cũ rích chỉ vỏn vẹn vài ba vị khách.

Bến Thượng Lưu

Bến Con Phen đìu hiu, vắng vẻ

“Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe từ bến Thượng Lưu đến chợ thị trấn thôi. Chở bà con đi chợ cũng phải chờ mua đủ các thứ hàng rồi mới quay về nên giờ giấc xe chạy không ổn định. Khổ lắm, đường sá xa xôi, đi chợ huyện được một lần, cái gì cũng phải mua kèm, chất tận nóc xe. Công an cũng không kiểm tra làm gì vì nếu có phạt cũng không đành”, anh tài xế thanh minh.

Lô Văn Dương, dân bản Pủng Bón, bảo nếu trừ chi phí đi lại, mỗi lần mang hàng ra chợ huyện bán tính ra chẳng còn gì: “Nhà ta làm một ha đất rẫy, ruộng nhưng cũng chỉ để tự cung, tự cấp thôi, đưa ra đến chợ huyện thì không đủ chi phí. Những hộ đánh cá trên lòng hồ cũng chỉ bán tại chỗ cho thương lái vào thu gom mỗi sáng hoặc đi bộ vào bản bán cho người dân”.

Ngủ khi gà vừa lên chuồng

Hữu Khuông trở thành một “ốc đảo sống chậm” ở miền Tây xứ Nghệ. Núi đồi, cây rừng hoang sơ. Nước lòng hồ mùa này xanh ngắt, thi thoảng lại bắt gặp những lồng cá neo gần các dãy núi; những bẫy cá đặt giữa lòng hồ. Bên các vách núi, xác cây chết còn trơ gốc, nhiều túp lều nhỏ lợp bằng tranh tập trung thành từng khóm. Một vị khách cùng xuồng cho biết, đó đa phần là lều, lồng, bẫy cá của những người đã di dân TĐC về nơi ở mới. Nay cuộc sống ở quê mới không như kỳ vọng, họ quay lại lòng hồ để mưu sinh. Một số túp lều của những người tận Anh Sơn, Con Cuông bỏ nhà lên đây đánh cá kiếm ăn qua ngày.

Một ngôi nhà tranh ở bản Con Phen

Trên chiếc xuồng rộng chừng 80cm, dài 8m làm bằng gỗ chỉ có 4 - 5 vị khách nhưng hàng hóa chất đầy, mép trên của xuồng chỉ cách mặt nước chừng 5cm.

“Mùa này, nước xuống, lòng hồ thu nhỏ lại nên quãng đường từ bến Con Phen vào đến trụ sở ủy ban xã càng dài hơn, phải qua hai con suối, vượt hai dốc cao mới vào trung tâm xã”, bà Bình, chủ xuồng, giải thích.

Hai bên lối mòn đi vào trung tâm xã Hữu Khuông, đất đai bị sạt lở xuống dòng suối. Trên đoạn đường chừng gần 1km, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà tranh được thưng tạm bằng phên, nứa hoặc gỗ. Trẻ con, người lớn cùng ra hiên nói chuyện. Trong bản tuyệt nhiên không nghe tiếng xe máy. Thi thoảng nghe tiếng giã gạo đều đều, thong thả.

Cả bản Con Phen (bản trung tâm xã) chỉ vỏn vẹn vài ba chục ngôi nhà. Xen kẽ là trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học. Những con đường quanh bản bằng đất, hai bên là những ngôi nhà mái tranh, vách nứa. Trong không gian chật hẹp ấy gần như “tích hợp” hết các cơ quan hành chính cấp xã. Chỉ có cơ quan công quyền của xã này được xây bằng gạch vữa, bê tông. Nhà công vụ của giáo viên, tạm y tế xã… tất tần tật đều lợp tranh, thưng gỗ, phên đơn giản.

Lũ trẻ ở Hữu Khuông đi học

Bà Pịt Thị Thỏa, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, phân trần, làm một ngôi nhà xây ở đây chi phí phải gấp 3 - 4 lần ở ngoài thị trấn: “Vật liệu xây dựng, thợ thuyền đưa vào đến đây bằng đường thủy đều tăng nhiều lần so với ngoài thị trấn. Vì thế, anh có đi khắp các bản cũng chỉ thấy ở đây hầu hết đều là nhà tranh, vách nứa, nhà nào sang hơn tý thì lợp bằng mái tôn. Đường sá xa xôi, cách trở nên cán bộ huyện đến xã họp sáng hôm nay thì phải đi từ chiều hôm trước”.

“Ở đây chẳng thiếu cái ăn nhưng không thể giàu lên được. Làm ra nhiều cũng chẳng biết bán cho ai. Lúa rẫy, lúa nước cũng tạm đủ ăn. Còn thức ăn thì từ cây rừng, cá dưới lòng hồ. Chỉ mất vài giờ giăng lưới cũng đủ cá ăn cả tuần. Những sản phẩm đưa từ chợ huyện vào đây là đắt đỏ lắm vì phí vận chuyển cao”, một người bán hàng tạp hóa trên bến Con Phen, cho biết.

Dù hi sinh đất đai, nhà cửa để Thủy điện Bản Vẽ hòa điện lưới quốc gia nhưng mãi đến năm 2016 Hữu Khuông mới có điện lưới và cũng chỉ có 3/7 bản. Ở những bản chưa có điện lưới, một số hộ mua máy phát điện mini nhưng đa phần cắt ống bia, làm đèn dầu để sử dụng. Ở Hữu Khuông, khi đàn gà vào chuồng thì hầu hết các hộ gia đình đều tắt đèn dầu đi ngủ. Bản làng chìm trong bóng đêm, âm u rừng núi.

Tác giả: VĂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: hộ cận nghèo ,hộ nghèo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP