Trong tỉnh

Dàn cầu thủ nổi tiếng quảng cáo cho "Thần dược" bán "chui" Bách Bệnh Tán

Các anh là ngôi sao trên sân cỏ, có thể cả đời quần đùi áo số không dính thẻ đỏ nào, nhưng trên "sân" kinh doanh thuốc "chui" này thì khó có thể nói (dù vô tình hay cố ý) việc quảng cáo cho sản phẩm Bách Bệnh Tán là hành động đẹp.

PL&DS nhận được phản ánh về việc khách hàng hiện tại đang rất hoang mang khi mua sản phẩm Bách Bệnh Tán được nhà thuốc online có tên “Bách Bệnh Tán - Gia Truyền” bán trên mạng được quảng cáo với công dụng "chữa bệnh gout, chữa các bệnh đau nhức mỏi, trị vôi hóa cột sống" nhưng lại không được cấp phép. Nhà thuốc này tư vấn sản phẩm: "Là thuốc nam, dạng bột, bào chế hoàn toàn bằng thảo dược lành tính, thành phần chính là cây bách bệnh tán và cam kết chịu trách nhiệm với người dùng trong trường hợp không may có vấn đề xảy ra".

Thót tim với "thần dược chữa bách bệnh"!

Trong vai người mua hàng, chúng tôi liên hệ với fanpage nhà thuốc online có tên “Bách Bệnh Tán - Gia Truyền” để mua thuốc. Thật bất ngờ, dù chưa được thăm khám trực tiếp nhưng chỉ qua vài mô tả của khách hàng, nhà thuốc đã nhanh chóng "kê đơn". Nhân viên tư vấn cho biết: "Chị có bệnh mãn tính nên phải uống 2-3 hộp trong thời gian trên 10 ngày mới khỏi hẳn, nhà thuốc cam kết chắc chắn không ảnh hưởng đến sức khỏe và không khỏi sẽ hoàn tiền, giá một hộp là 550 ngàn đồng ship hàng toàn quốc, miễn phí ship tại khu vực thành phố Vinh và Hưng Nguyên.”

Khi được hỏi về địa chỉ sản xuất và địa chỉ nhà thuốc ở đâu để khách hàng có thể yên tâm, chúng tôi nhận được câu trả lời rất hoang mang: "Nơi sản xuất tại Nghệ An, còn nhà thuốc online mang tên Bách Bệnh Tán - Gia truyền ở tại Hưng Nguyên. Địa chỉ chính xác hiện chưa được nhà thuốc công khai nên chị thông cảm”.

Sau khi nghe nhân viên tư vấn "nổ", chúng tôi đặt hàng nhưng đáng nói, sản phẩm Bách Bệnh Tán chúng tôi nhận được trên bao bì chỉ ghi tên sản phẩm và cách dùng kèm theo hạn sử dụng nhưng không có ngày sản xuất.

Sản phẩm Bách Bệnh Tán

Dễ nhận thấy, trên bao bì quảng cáo sản phẩm như một "thần dược" có thể “chữa bệnh gout, chữa các bệnh đau nhức mỏi, trị vôi hóa cột sống, mất ngủ kém ăn, viêm họng thể hen mãn tính trẻ em và người lớn” và khẳng định "đã có nhiều người ca ngợi về thuốc".

Khi nói về thủ tục pháp lý để lưu hành sản phẩm “Bách Bệnh Tán”, theo tiết lộ của nhân viên tư vấn: “Nhà thuốc đang trong quá trình xin giấy phép để bán trên các hiệu thuốc toàn quốc, sau khi xin xong giấy phép sẽ có giá bán khác”.

Lời khẳng định bán hàng không giấy phép

Nhưng trên fanpage của nhà thuốc lại quảng cáo sản phẩm: “Được kiểm duyệt quy trình sản xuất nghiêm ngặt, tỉ mỉ, được Bộ Y tế cấp chứng nhận an toàn với người bệnh. Nhà thuốc đã được Bộ Công thương và Nhà nước trao giải” nhưng cụ thể không biết giải gì? Một sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu hành ra thị trường nhưng lại được nhận giải thưởng?

Giải thưởng ảo trao cho công ty ma?

Chúng tôi không hiểu đơn vị nào đủ năng lực thẩm định để Bộ Công Thương trao tặng bằng khen, giải thưởng như vậy? Hay chỉ là cách tung hô trên trời của nhà thuốc online này?

Chưa được cấp phép lưu hành, địa chỉ nơi sản xuất đang trong vòng "bí mật" nhưng thật ngạc nhiên, trên fanpage Bách Bệnh Tán xuất hiện cả dàn cầu thủ bóng đá nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm này. Các anh là ngôi sao trên sân cỏ, có thể cả đời quần đùi áo số không dính thẻ đỏ nào, nhưng trên "sân" kinh doanh thuốc "chui" này thì khó có thể nói (dù vô tình hay cố ý) việc quảng cáo cho sản phẩm Bách Bệnh Tán là hành động đẹp.

Các cầu thủ bóng đá quảng cáo sản phẩm Bách Bệnh Tán

Cơ quan chức năng "vô phương cứu chữa"!?

Để có thông tin khách quan, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện Sở Y tế tỉnh Nghệ An. Ông Nguyễn Trọng Tài - Cán bộ Phòng Nghiệp vụ sở Y tế tỉnh Nghệ An trả lời: "Chúng tôi không cấp giấy tờ gì về sản phẩm Bách Bệnh Tán. Qua khảo sát, chúng tôi thấy có thuốc Bách Bệnh Tán bán ở thành phố Vinh nhưng chúng tôi cũng không thể liên lạc được với cơ sở phân phối".

Qua nội dung trên, luật sư Tưởng Hữu Long - Phòng Doanh nghiệp giấy phép của Luật Trí Minh cho biết:

"Về phía người tiêu dùng, theo luật bảo vệ người tiêu dùng: Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có hoặc người tiêu dùng có thể kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu xử lý vi phạm bởi một số điều khoản có dấu hiệu vi phạm liên quan đến bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành có mức phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với cá nhân, đối với tổ chức sẽ xử phạt gấp đôi theo quy định căn cứ vào nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Địa chỉ "mập mờ" của nhà thuốc tại thành phố địa bàn Nghệ An

Theo quy định của luật sản phẩm chưa được lưu hành trên thị trường khi chưa có số lưu hành kể cả đang cấp phép vẫn không được bán khi nào có giấy phép mới được bán và khi bán thuốc cũng phải có điều kiện của đơn vị kinh doanh như: Bán thuốc cơ sở phải có điều kiện liên quan đến việc kinh doanh thuốc. Nếu thuốc đặc thù phải theo đơn của bác sỹ, không phải bán thuốc mà không cần kê toa".

Dẫu biết sức khỏe là vốn quý của con người, nhưng những bất cập trong sử dụng thuốc, lưu hành thuốc ra thị trường còn lỏng lẻo ở nước ta là một thực tế dai dẳng từ nhiều năm nay và đã gây ra không ít những hậu quả đáng tiếc. Để bảo vệ cho chính cuộc sống chúng ta cả người sử dụng và người bán cần nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm về thuốc.

Tác giả: Đào Xuân

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP