Cuộc sống

Đám cưới người Việt: Bi hài gia chủ sắp sẵn túi bóng cho khách đi ăn cỗ lấy phần

Cứ nghĩ, thời hiện đại, chuyện đi ăn cỗ lấy phần về nhà sẽ chỉ còn trong ký ức. Thế nhưng, tại 1 số làng quê Việt, phong tục này vẫn diễn ra mặc nhiên với đủ cảnh bi hài.

Một lần, theo chân cô bạn thân về quê ở Kinh Môn, Hải Dương chơi, Nguyệt, 26 tuổi (Hà Nội) được mục sở thị cảnh ăn uống vui như Tết trong đám cưới.

Hôm ấy, nhà chú ruột cô bạn thân của Nguyệt cưới con trai. Vì thế, Nguyệt cũng có vinh hạnh được theo gót cả nhà cô bạn đi ăn cưới. Lần đầu tiên được ăn cưới ở quê, Nguyệt hớn hở ra mặt. Bởi đám cưới ở quê thực sự vui nhộn hơn đám cưới nhanh - gọn - tiện trên phố rất nhiều.

Đến lúc ăn cỗ, Nguyệt cực kỳ bất ngờ khi mọi người cùng ào ạt ngồi vào mâm cỗ. Tuy nhiên, họ không ngồi ăn như bình thường mà công đoạn đầu tiên là đi tìm ni lông để gạt hết các thức ăn khô trên mâm cỗ vào chiếc túi này.

Theo đó, giò chả, xôi, chim quay… được tất cả mọi người ở trong mâm lấy hết vào túi bóng. Những thức ăn còn lại trên mâm cỗ như canh, các món xào thì mọi người bắt đầu ăn.

Theo Nguyệt chứng kiến kể lại: “Kể cả hoa quả tráng miệng ở các mâm cỗ như quả quýt, bưởi, mình cũng thấy họ chia nhau mang về. Thông thường đám cưới ở quê là mâm 6 người ngồi thì cả 6 người đều lấy phần về. Ăn cỗ xong, ai cũng mang chiếc túi bóng đầy những xôi, giò, thịt, quả… về cho người nhà ăn”.

Cô gái trẻ này cũng kể: “Mình ngạc nhiên lắm, hỏi cô bạn mình thì cô ấy cho biết đây là phong tục địa phương. Ở quê nhà ai đi ăn cỗ cũng thế nên mọi người chẳng có gì là ngại. Đặc biệt, nếu gia đình nào có người đi ăn cưới thì cả nhà họ sẽ ăn cơm muộn hơn chút và đợi thức ăn của người đi ăn cỗ mang về nhà để ăn cơm”.

Một điều khiến Nguyệt ngạc nhiên cả là buổi tối hôm trước cưới, chủ nhà có cỗ đã phải ngồi cẩn thận sắp sẵn túi bóng. Mỗi mâm có 6 người ngồi thì gia chủ sẽ sắp sẵn 6 cái túi bóng. Những chiếc túi bóng này sẽ được chủ nhà đặt công khai bên dưới mỗi mâm cỗ. Ăn xong ai có nhu cầu lấy phần về thì lấy túi đựng đồ và để đồ ăn mang về.

Cũng từng đi ăn cưới nhiều lần nhưng Vân Hà, 27 tuổi mới chỉ một lần phải “ngớ người” trước cảnh đi ăn cỗ cưới mà khách mời chỉ ăn các món cơm canh, còn tất cả “trút” mang về ở Thanh Lãng, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Theo Vân Hà chia sẻ, đám cưới ở quê thường được tổ chức ăn nhờ bên nhà hàng xóm. Ngay trước lúc đón khách vào mâm ăn uống, người thân của chủ nhà sẽ để một tập giấy ni lông sạch vào một chiếc rổ nhỏ. Và chiếc rổ đựng những chiếc túi này sẽ được để ở công khai nơi nhiều người dễ thấy nhất hoặc để trên bàn uống nước ở góc sân nơi khách khứa đang ăn uống.

Để ý trong đám cưới, Vân Hà thấy mâm các quý ông ngồi là không có cảnh lấy phần thức ăn về. Nhưng ngược lại, mâm cỗ cưới có cánh phụ nữ và trẻ em ngồi ăn thì ai cũng mang phần về nhà.

“Ngồi vào mâm là mỗi người lấy 1 túi ni lông. Sau đó họ chia các thức ăn như thịt, xôi, món xào bằng nhau rồi đổ vào từng chiếc túi này. Sau khi chia xong, họ mới bắt đầu ngồi ăn món canh bình thường. Những người già thường gói thức ăn này vào túi báo hay khăn mùi xoa mang về cho cháu”, Vân Hà kể lại.

Cũng theo Vân Hà cho biết, vì có tục lệ đi ăn cưới lấy phần nên ở quê Thanh Lãng này, không ai thấy ngại ngùng. Nhiều người đi ăn cỗ còn rất thích được ngồi cùng mâm với khách ở xa đến để lấy phần được nhiều.

“Hầu hết các khách khứa ở xa đến nhà gia chủ đều ngại lấy phần. Vì thế, những người ở quê rất thích được ngồi ăn cỗ cùng với khách thiên hạ này. Bởi họ cho rằng, sau bữa cỗ sẽ lấy phần được nhiều thức ăn mang về nhà”, cô gái này nhớ lại.

Nhưng cũng chính bởi điều này khiến Vân Hà nhiều lần được chứng kiến cảnh hết sức bi hài. Đó là vì phong tục ăn cỗ đám cưới như vậy mà nhiều khách phương xa khi về ăn cỗ, vừa ngồi vào mâm họ đã chẳng còn gì để ăn.

“Bởi vì mới ngồi vào mâm cỗ, khách khứa còn chưa kịp ăn thì đã bị nhiều khách đến ăn cỗ khác chia hết đồ ăn. Mâm còn trống trơ, chỉ còn món canh. Chính bởi điều này, nhiều gia chủ đã rút kinh nghiệm, chỉ sắp cho khách phương xa ngồi riêng mâm hoặc sắp cho khách ngồi cùng mâm các quý ông”, Vân Hà cười hóm hỉnh chia sẻ.

Tác giả: Phương Thư

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP