Trong nước

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc

Nhìn lại lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng kiệt xuất, người anh hùng của dân tộc, người anh Cả của QĐND Việt Nam. Đại tướng là người có tâm hồn và nhân cách cao đẹp, đóng góp nhiều công sức và có ảnh hưởng to lớn đến công tác bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam và trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân, năm 1972. Ảnh: CTV

Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, trên khía cạnh văn hóa quân sự, Đại tướng của chúng ta, vị “Tư lệnh của mọi tư lệnh, chính ủy của mọi chính ủy”, “một trong những thiên tài quân sự lớn nhất mọi thời đại”, như đánh giá của các tướng lĩnh và chuyên gia quân sự hàng đầu trong và ngoài nước. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã tiếp thu và phát triển tư tưởng quân sự truyền thống Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn tài tình với tư tưởng quân sự hiện đại của thế giới để xây dựng nên một hệ thống tư tưởng minh triết về chiến tranh nhân dân, kết hợp quân sự với chính trị và ngoại giao, chiến tranh hiện đại với chiến tranh du kích, nghệ thuật lấy yếu thắng mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại... được cả thế giới khâm phục, học tập.

Trong một thời gian khá dài thời trẻ, Đại tướng còn là một nhà báo toàn năng, không những biên dịch, viết báo, mà còn là người sáng lập báo, viết báo cả bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, từng làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ thời Mặt trận dân chủ Đông Dương. Đại tướng cũng từng làm người thầy giáo dạy sử rất được mến mộ thời trẻ và sau này, người làm ra lịch sử ấy cũng là người chép sử lớn nhất thời hiện đại của đất nước, nhất là “quân sử” với các bộ hồi ký lịch sử nổi tiếng như “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”. “Nếu chúng ta coi tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những đỉnh cao của văn hóa dân tộc, là ngọn đèn sáng mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam, thì Võ Nguyên Giáp cùng với Phạm Văn Đồng, hai học trò thân cận, xuất sắc nhất của Bác trong suốt 29 năm (1940-1969), chính là hai người đầu tiên nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh và cũng là hai người hiểu và viết về tư tưởng Hồ Chí Minh toàn diện nhất, sâu sắc nhất, thực chất nhất, thuyết phục nhất” - Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh.

Cũng theo nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, đóng góp lớn nhất của Đại tướng cho văn hóa dân tộc là ở nhân cách văn hóa cao đẹp của chính con người ông. “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người cộng sản trong như ánh sáng, rất mực yêu nước thương dân, thực sự suốt đời dĩ công vi thượng. Đó là một Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân đại trí, đại dũng, biết đau với từng vết thương, biết tiếc từng giọt máu của chiến sĩ. Đó là một vị Tướng bách chiến, bách thắng nhưng luôn khoan hòa khiêm cung. Đó là một học giả hết sức uyên bác luôn nói những lời giản dị, dân dã. Đó là vị khai quốc công thần, luôn nhẫn nhịn chịu thua thiệt dù theo cách phủ tuyết cả ngọn núi lửa trong mình như nhận xét của một nhà báo Pháp, người vẫn giữ nguyên vẹn niềm tin vào chiến thắng của lý tưởng, của lẽ công bằng, sự chính trực. Đại tướng đã cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam một tấm gương sáng để soi mình” - Ông Khoa nhận xét.

Đại tướng của lòng dân

Dành sự kính trọng sâu sắc khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: “Như nhiều tướng lĩnh, sĩ quan khác, chúng tôi đã học được nhiều điều về tư tưởng chính trị, nghệ thuật chỉ huy, chiến lược, sách lược chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, về đạo đức, phong cách, lối sống và tinh thần chấp hành nhiệm vụ do Đảng phân công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng cái đọng lại sâu sắc nhất về Đại tướng mà lớp lớp cựu chiến binh chúng tôi luôn phải học tập, đó là tư tưởng vì dân, lúc nào cũng nghĩ đến dân, lúc nào cũng mong muốn nhân dân có cuộc sống tốt lành”.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng kể lần dự lễ cắt băng khánh thành Đài tưởng niệm nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Đại tướng đã nói với ông: “Xây dựng tượng đài kỷ niệm là rất tốt để giáo dục cho các thế hệ sau này, nhưng các đồng chí cùng với cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến đời sống của nhân dân, đừng để dân phải khổ, phải đói, phải lo lắng cho dân, nhất là nhân dân các dân tộc vùng biên giới, có vậy dân mới tin Đảng, tin Chính phủ, dân mới làm theo”.

Người dân xem trưng bày hình ảnh, tư liệu và hiện vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện ngày 21-12-2018. Ảnh: Bích Nguyên

Một câu chuyện cảm động, thể hiện sự quan tâm của Đại tướng với các di tích lịch sử được Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh kể lại, vào năm 2005, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đề nghị các cơ quan chức năng cho phục hồi nguyên trạng phần trần Cốc Bó bị quân Trung Quốc đánh sập tháng 2-1979.

Bởi theo Đại tướng - người trực tiếp được ở cùng Bác Hồ 7 ngày đêm khi Bác về nước tại hang Pác Bó, đây chính là nơi khởi nguồn của mọi thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại: “Khi trao đổi với chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Hang Cốc Bó (trong quần thể khu di tích lịch sử đặc biệt Pác Bó, Cao Bằng) là di tích lịch sử Quốc gia hàng đầu của nước ta. Không có hang này thì không có Cách mạng Tháng Tám, không có Quốc khánh ngày 2-9, không có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Cần phải khôi phục lại nguyên trạng hang này”.

Sau nhiều năm nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đúc kết: “Tướng Giáp “không chém kẻ dưới ngựa”. Đó là văn hóa dân tộc”. Đại tướng luôn duy trì quan điểm: “Những tù hàng binh Mỹ, thậm chí các tử sĩ Mỹ vùi xác trên đất nước Việt Nam nếu tìm được, cũng tạo điều kiện để đưa về đất Mỹ... Có thể thấy, Đại tướng đã thấm nhuần đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đó là văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Bích

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP