Trong nước

Đại tướng Tô Lâm nói về hiện tượng tiêu cực trong ngành công an

Đề cập đến những hiện tượng tiêu cực trong Công an nhân dân, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không bao giờ bao che cho các sai phạm. Nếu phát hiện có tiêu cực vi phạm, sẽ kiên quyết xử lý.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Đưa công an chính quy xuống xã

Tại diễn đàn Quốc hội, thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đã đề cập đến vấn đề tổ chức bộ máy của lực lượng Công an.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đang triển khai công an chính quy xuống xã. Theo Đại tướng Tô Lâm, việc sắp xếp lại tổ chức này không làm tăng biên chế, mà sẽ làm giảm biên chế ở Bộ xuống còn 15%, và 85% sẽ công tác tại các địa phương. Trong số 85% biên chế ở các tỉnh thì chỉ bố trí 40% làm việc tại các phòng, ban cấp tỉnh; 30% ở huyện và 30% ở dưới xã.

Nói về nhiệm vụ Công an xã, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, công an chính quy xuống xã là phải gần dân, chủ động nắm, giải quyết các mâu thuẫn từ cơ sở, khi mới xảy ra. Theo Bộ trưởng, “công an chính quy xuống xã chủ yếu tập trung đấu tranh với tội phạm hình sự, chính vì vậy phải phải bám vào dân để phát hiện tội phạm, nhất là tội phạm gây nhức nhối ở nông thôn như cờ bạc, ma tuý, trộm cắp”.

Tướng Tô Lâm cũng cho biết, lần đầu tiên Bộ đưa ra mục tiêu kéo giảm 3 – 5% tội phạm và qua kết quả 9 tháng đầu năm, nhiều khả năng con số này đạt được. “Đổi mới cơ bản là không chờ tin báo tố giác tội phạm mà chủ động ngăn ngừa, xóa bỏ nguyên nhân phát sinh tội phạm, không để tội phạm xảy ra”, ông nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, nếu giảm được tội phạm sẽ giảm cả biên chế lực lượng Công an, dành ngân sách để làm những việc khác.

Về những hiện tượng tiêu cực trong Công an nhân dân, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không bao giờ bao che cho các sai phạm. Nếu phát hiện có tiêu cực vi phạm, sẽ kiên quyết xử lý.

Tiền nhàn rỗi trong dân rất nhiều

Đề cập đến “tín dụng đen”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, quan hệ vay và cho vay là quan hệ dân sự giữa người dân, nhưng ranh giới giữa dân sự và hình sự rất gần. Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc này để cho vay lãi nặng, xiết nợ nên “tín dụng đen” là nguyên nhân của nhiều loại tội phạm khác.

Tướng Tô Lâm cho biết, theo đề nghị của Bộ Công an, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12 để chỉ đạo giải quyết vấn đề này. Bộ cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng, Công an các địa phương đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”, ngăn ngừa các hệ luỵ do “tín dụng đen” gây ra.

Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay đáp ứng nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân để người dân không phải tìm đến “tín dụng đen”; đồng thời tích cực huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Theo Bộ trưởng, một số địa phương mặc dù nguồn thu ngân sách thấp nhưng tiền nhàn rỗi trong dân rất nhiều; đề nghị cần tạo điều kiện để người dân sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và huy động tiền nhàn rỗi trong dân vừa ngăn ngừa tình trạng người dân có tiền nhưng không quản lý được sinh ra cờ bạc, tệ nạn xã hội, "tín dụng đen" và các tội phạm khác vừa giúp người dân phát triển kinh tế.

Tác giả: LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP