Trong nước

Đại tướng Lê Đức Anh với những quyết định táo bạo

Cả cuộc đời gắn với binh nghiệp và các chiến trường ác liệt, những quyết định táo bạo của Đại tướng Lê Đức Anh trong thời chiến cũng như thời bình đều để lại dấu ấn rõ nét

Phóng viên: Là người sát cánh cùng Đại tướng Lê Đức Anh trên các chiến trường, ông có ấn tượng gì về cấp trên của mình?

Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

- Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Không chỉ với tôi mà với nhiều người đã tham gia các cuộc kháng chiến, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng tầm cỡ với tài thao lược hiếm có. Chiến trường nào khó khăn nhất thì Đại tướng lại được điều động đến. Đặc biệt, khi ông có mặt, cục diện chiến trường sẽ thay đổi, đó là điều không phải vị tướng nào cũng làm được.

Chúng ta dành thắng lợi trong chiến dịch Mậu Thân 1968 nhưng tổn thất cũng rất lớn. Sau đó, Đại tướng Lê Đức Anh được điều động về làm Tư lệnh Quân khu 9, địch đánh phá rất mạnh khi nghe tin có Tư lệnh mới. Cả khu vực U Minh Thượng, U Minh Hạ đều có địch, trong khi quân đội ta khá mỏng.

Trước tình thế bị địch đánh phá ác liệt, cấp trên muốn Đại tướng Lê Đức Anh về khu vực Năm Căn (tỉnh Cà Mau) để an toàn hơn, tuy nhiên, ông đã từ chối với lý do "không bám sát được chiến trường". Nhờ sự bám sát chiến trường nên ông nhận định chính xác, táo bạo và mang tầm chiến lược.

Trong thời bình, ông cũng có tầm nhìn vượt thời gian với những dự báo chính trị vô cùng ý nghĩa. Năm 1990-1991, thời điểm Liên Xô sụp đổ, Đại tướng Lê Đức Anh đã cho gọi tư lệnh các quân khu, trong đó có tôi lúc đó là Tư lệnh Quân khu 3. Tướng Lê Đức Anh chỉ nói ngắn gọn: Phải theo dõi kỹ tình hình Liên Xô, nếu Liên Xô đổ, thế giới sẽ có biến động rất lớn, các nước xã hội chủ nghĩa có thể mất.

Đại tướng chỉ đạo nếu Liên Xô sụp đổ, tất cả quân đội phải giữ nghiêm kỷ luật. Bởi vậy, khi Liên Xô sụp đổ, Quân đội Việt Nam lúc đó rất vững vàng, giữ vững lòng trung thành với Đảng, với nhân dân để giữ vững chế độ.

. Ông có thể kể rõ hơn về những quyết định táo bạo của Đại tướng Lê Đức Anh?

- Sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, cấp trên lệnh ngừng nổ súng, nếu địch đánh thì chúng ta mới được đánh lại, nếu không sẽ vi phạm hiệp định. Trước khi Hiệp định Paris ký kết, địa bàn Quân khu 9 đã giải phóng được nhiều nơi, quân đội ta cắm cờ sát khu vực đồn địch nên địch đã đánh lại, từ đó ta có cơ sở để nổ súng, vừa giữ được đất mà không vi phạm hiệp định. Việc cắm cờ sát đồn địch, "mồi" cho địch nổ súng trước chính là cách mà Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ huy Quân khu 9, vừa thăm dò địch vừa giữ được vùng giải phóng, đó là một trong những quyết định táo bạo.

Khi đã là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quyết định giảm quân của ông được đánh giá là cuộc "giảm quân lịch sử". Trước đề xuất của Đại tướng, Bộ Chính trị họp thông qua và giảm mạnh quân thường trực 1,5 triệu quân xuống còn 45 vạn và để 5 vạn quân dự bị. Số quân giảm rất lớn nhưng sức mạnh chiến đấu càng được tăng cường trong tình hình mới, gánh nặng ngân sách quốc phòng được giải quyết một cách cơ bản.

Đối với những anh em ra quân, ông đã chỉ đạo việc xem xét cấp đất, nhà ở, tạo sinh kế để bảo đảm đời sống cho những người đã cống hiến xương máu.

.Trong các cuộc chiến tranh biên giới, vai trò của Đại tướng Lê Đức Anh như thế nào, thưa ông?

- Đại tướng Lê Đức Anh đã nắm bắt tình hình rất tốt, dự báo chính xác những diễn biến của chiến trường, lường trước việc địch tấn công.

Thời điểm sau hòa bình, Bộ Quốc phòng cho giảm quân số rất nhiều nhưng riêng Đại tướng Lê Đức Anh ở Quân khu 9 lại thành lập Sư đoàn 30 và chọn trung đoàn tinh nhuệ trong thời kỳ chống Mỹ để giữ lại. Nhờ đó, chúng ta đã nắm được thế chủ động khi quân Pol Pot tràn sang. Quân khu 9 bị Pol Pot đánh nhưng không bị động, đã đánh lại địch và giữ vững khu vực biên giới.

Đại tướng có tầm nhìn rất sâu về chiến lược, bao giờ cũng dự đoán trước tình hình, chủ động ứng phó và đều có kết quả tốt. Việc rút quân khỏi nước bạn cũng là một quyết định sáng suốt trong đời binh nghiệp của ông. Khi đó, Đại tướng nói nếu nước bạn đã vững vàng thì chúng ta phải rút để bạn tự lực cánh sinh, tạo thế cho nước bạn đứng vững hơn. Đất nước Campuchia rất quý mến Đại tướng và luôn dành cho ông những tình cảm đặc biệt.

Đối với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, khi lên tham gia ở chiến trường tỉnh Hà Giang, Đại tướng Lê Đức Anh đã nói họ là nước lớn, mình bắn 1 thì họ bắn 2, mình bắn 2 thì họ bắn 4… đánh như thế này chỉ thêm thương vong. Đại tướng chỉ đạo khi bắn pháo sang, chúng ta nên kèm theo truyền đơn với nội dung nói rõ Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ. Mục đích truyền đơn đưa sang cần nhằm làm hòa dịu tình hình. Nhờ đó, chúng ta đã giành được kết quả tốt trong cuộc chiến này.

.Đại tướng Lê Đức Anh là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên thăm Trường Sa vào năm 1988 với "lời thề giữ đảo", ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

- Trước tình hình phức tạp tại Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên thực hiện chuyến thị sát, động viên cán bộ, chiến sĩ trên các đảo của quần đảo này vào năm 1988. Thực tế tại Trường Sa lúc đó vô cùng khó khăn cả quân số và khí tài trong khi địch luôn khiêu khích, đội tàu thường xuyên chạy quanh các hòn đảo lớn, nhỏ. Quân ta tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, khi nào địch đánh thì mình nổ súng và chiến đấu đến cùng.

Tại một buổi lễ, Đại tướng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu quan trọng về chủ quyền thiêng liêng của quần đảo Trường Sa. Ông nói: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Tác giả: Minh Chiến (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP