Kinh tế

"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản: "Người ta đồn tôi buôn thuốc phiện"

"Tôi chẳng quan tâm mình có bao nhiêu tiền, quan trọng là tôi có đủ tiền để lo được cho cuộc sống của hàng chục nghìn nhân viên của mình hay không" - không đao to búa lớn, triết lý sống của vị "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản dân dã, dung dị như chính câu chuyện cuộc đời ông vậy.

"Với chất giọng đặc sệt Xứ Nghệ, lúc tếu táo, cười lớn hào sảng, khi trầm ngâm, suy tư, thi thoảng khựng lại rít vài hơi thuốc lào, "Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, ông chủ Tập đoàn Mường Thanh đưa chúng tôi từ thú vị này đến bất ngờ khác trong cơ man những câu chuyện đời, chuyện nghề của ông mà ít ai hay biết..."

“Tôi nói thật là tôi không thích lên báo, mà anh cũng không cần phỏng vấn phỏng veo gì, tôi với anh cứ ngồi nói chuyện trên trời dưới biển cho thoải mái, lát về anh thấy cái gì hay ho thì viết, nhưng nhớ phải đúng đấy nhé”, ông Thản mở đầu câu chuyện một cách bộc trực.

Vậy nhưng càng về sau, không khí càng dịu xuống, trước mắt chúng tôi là một doanh nhân Lê Thanh Thản chất phác, điềm đạm, gần gũi, sâu lắng... Ông nói: “Tính tôi nó thế, tôi ngại ồn ào, làm kinh doanh cũng chẳng thích lăng xê quảng bá rầm rộ cái gì, tôi thấy làm thế nó cứ ảo ảo kiểu gì ấy. Làm cái gì là cứ phải “làm thật ăn thật” chứ nói thì hay mà làm ăn không ra gì người ta cười vào mặt cho”.

Dính tin đồn buôn thuốc phiện

Sinh ra lớn lên ở miền Trung, nhưng lập nghiệp tận Tây Bắc và giờ thì ông đóng đô ở Thủ đô, tại sao ông lại có hành trình lạ lùng đến vậy?

Ôi cái này mà kể chi tiết thì vài ngày cũng chưa hết chuyện. Theo lời các cụ truyền lại thì ông nội tôi thời trẻ đã được cử qua Trung Quốc đi học cùng nhà lão thành cách mạng Phùng Chí Kiên. Cụ đoản mệnh khi trong một lần về thăm quê bị thực dân Pháp phát hiện bắt giam, rồi sau đó xử tử hình cụ. Còn bố tôi từng là chủ nhiệm hợp tác xã, về sau ông cũng không may mắc bệnh ung thư rồi mất.

Cũng nhờ có chút nhà nòi nên tôi trưởng thành từ phong trào Đoàn, sau đó làm tổng đội trưởng Thanh niên xung phong ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Một thời gian thì được tổ chức cử ra tận trường Đảng Trần Phú (tỉnh Hải Hưng thời bấy giờ) để học làm cán bộ nguồn. Thế nhưng tới năm 1978 tôi đột ngột được điều chuyển lên tận Lai Châu nhằm tăng cường cán bộ cho địa phương vùng sâu, vùng xa khó khăn. Giờ nghĩ lại đó âu cũng là cái nghiệp vận vào mình, nếu không có chuyến đi đó thì không có cái tên Mường Thanh bây giờ.

Tôi được biên chế từ chức Phó chánh Văn phòng huyện ủy huyện Mường Lay, rồi tham gia vào Ban quản trị tài chính của tỉnh. Những năm 1986, khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho phép chủ trương Đảng viên được làm kinh tế thì tôi xin thôi vị trí công việc ở tỉnh, ra ngoài thành lập công ty riêng là Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu.

Ban đầu tôi lọ mọ đi nhận thầu các công trình làm nhà đơn lẻ, các tuyến đường nhỏ ở huyện... Hồi đó chẳng có máy móc gì, toàn làm bằng thủ công, kỹ thuật thì học lỏm, tự mày mò.

Làm nhà thì thép, xi măng nhỏ giọt do bao cấp, chủ yếu là từ cát, sỏi với vôi. Làm đường thì máy móc vô cùng hiếm, cả sở giao thông hồi đó chỉ có mỗi cái máy xúc, máy ủi cổ lỗ sĩ nhập từ Liên Xô về. Chúng tôi nhận thầu xây nhà thì phải tự chế ròng rọc, thi công đường thì đưa cả trục lu đá kéo tay ra dùng sức người để lăn.

Tôi còn nhớ những năm 1980-1987, khi chuyên gia Liên Xô (cũ) qua giúp minh xây Cầu Thăng Long, rồi tới doanh nghiệp Hàn Quốc sang xây dựng khách sạn Deawoo, rồi thủy điện Hòa Bình.. Cứ đâu có công trình lớn, có chuyên gia nước ngoài là tôi đều lặn lội tới tận công trường để nghiên cứu, mày mò học hỏi.

Dù quy mô chưa lớn nhưng doanh nghiệp của tôi hồi đó khá uy tín, được nhiều người tin quý thuê làm. Từ xây nhà ở, làm đường, đến xây trường học, trụ sở ngân hàng, cơ quan nhà nước...

Vậy còn việc “lấn sân” sang Lào để kinh doanh thì sao?

Cái này là nhờ các mối quan hệ hồi còn đang làm ở huyện, ở tỉnh. Khi nhận thấy nhu cầu xây dựng ở Lào khá nhiều, bên đó máy móc công trình lại phổ biến hơn nhờ nhập đường bộ từ Thái Lan về, tôi quyết định mở rộng sang địa bàn này. Hồi đó tôi vừa làm song song ở Lào và Lai Châu, đến năm 1988 thì rút hẳn khỏi Lào trước khi quay xuống Hà Nội vào năm 1999.

Ở Lào tôi được lãnh đạo các địa phương của nước bạn gọi tới chủ thầu làm trường học, trụ sở huyện, tỉnh. Đặc biệt lớn nhất là dự án thông tuyến và xây mới đường từ cửa khẩu biên giới Lào-Việt đến tỉnh lỵ Phong Sa Lỳ, thi công thông các tuyến Bản Rọ - Bun Nưa, mở mới đường Mường Xẳm Phằn, xây mới cửa khẩu Xốp - Hùn...

Đến giữa năm 2016, tôi tiếp tục quay trở lại Lào sau đầu tư xây dựng khách sạn Mường Thanh ở Thủ đô Viêng Chăn (Lào) sau gần 20 năm xa mảnh đất này.

Cơ duyên nào khiến ông quyết định rút hẳn ở Tây Bắc về Hà Nội làm ăn? Người ta còn đồn ông có tiền xuống Hà Nội đầu tư dự án là nhờ buôn thuốc phiện trên Tây Bắc?

Chuyện này tôi nghe nhiều rồi, không chỉ bàn tán vỉa hè mà nhiều người có địa vị cũng hỏi tôi. Ai hỏi thì tôi cũng chỉ biết cười thôi (cười lớn).

Tôi còn nhớ hồi đó thuốc phiện chưa bị cấm sử dụng nhưng có cấm mua bán trong dân. Ở dưới xuôi, hệ thống thương nghiệp nhà nước chủ trương thu mua thuốc phiện ở vùng cao rồi sau đó xuất ra ngoài, thu đổi về các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cái đó thuộc về bí mật của cơ quan quản lý thời điểm đó nên tôi cũng không rõ như thế nào. Mà tôi thì có một giai đoạn ngắn kinh qua mảng quản trị tài chính thương nghiệp cho địa phương. Đó cũng có thể là căn nguyên của tin đồn nực cười như thế. Lại nói về thuốc phiện, tôi nhớ là tôi có tò mò thử hút một lần hồi đó mà nói thật là chẳng ra thể thống gì, rất khó chịu nữa là đằng khác, kém xa thuốc lào (cười).

Đến năm 1999, sau khi tích cóp được số vốn nho nhỏ nhờ quá trình thầu xây dựng ở Lai Châu, ở Lào, tôi xuống Hà Nội nghiên cứu thị trường bất động sản ở đây. Cơ duyên đầu tiên là hợp tác với Tổng công ty HUD (Bộ Xây dựng) xây nhà chung cư ở khu Định Công (quận Hoàng Mai). Rồi song song với đó tôi kinh doanh cây xăng, mở siêu thị và bắt đầu xây khách sạn đầu tiên tại Hà Nội. Từ đó bắt đầu bén duyên với bất động sản, lần lượt tham gia xây dựng khu đô thị Xa La (Hà Đông), Linh Đàm (Hoàng Mai), Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai), Đại Thanh (Thanh Trì), Thanh Hà (Thanh Oai)...

Nguyên cớ nào mà ông lại quyết định chuyển thêm hướng khách sạn, nghỉ dưỡng?

Khách sạn đầu tiên là cái khách sạn bé ở thị xã Điện Biên (tỉnh Lai Châu). Hồi đó là năm 1993, tôi nghĩ đơn giản là ở tỉnh chưa có cái khách sạn nào thì tôi đầu tư xây một cái vừa phải thôi. Nhưng tình cờ, đúng một năm sau, năm 1994 tròn 40 năm giải phóng Điện Biên Phủ du khách tới đây rất đông, khách sạn chất kín người thuê. Đến năm 1996, tỉnh Lai Châu đã đề nghị nhượng lại khách sạn Điện Biên, thay vào đó tôi được nhận một lô đất khác đối ứng. Nơi này chính là khách sạn Mường Thanh Điện Biên quy mô lớn bây giờ.

Khách sạn thứ 2 được xây tại khu Linh Đàm (Hà Nội) vào những năm 2.000, hiện cũng đã được đập bỏ thay thế bằng khách sạn mới hiện đại cạnh đó nhiều năm nay.

Tính đến nay cả nước chúng tôi đã xây dựng được gần 60 khách sạn Mường Thanh, trong đó có nhiều địa phương có số lượng nhiều như Nghệ An (11 cái), Nha Trang (4 cái), Hà Nội (3 cái), Quảng Ninh (3 cái), Nha Trang (3 cái)... Chúng tôi chia ra các phân khúc từ 3 đến 5 sao gồm: Luxury, Grand, Holiday và Mường Thanh nhằm đáp ứng được tất cả các nhu cầu của các đối tượng khách hàng.

Thực ra làm khách sạn lợi nhuận không nhiều, chủ yếu là tạo ra giá trị lao động, công ăn việc làm cho xã hội và phát triển ngành du lịch trong nước. Tuy nhiên nó cũng bổ trợ không ít về nguồn lực khi tập đoàn đầu tư các dự án bất động sản khác.

Những bí kíp của "ông trùm" nhà giá rẻ

Trong làng bất động sản ông đang được xem dẫn đầu về phân khúc nhà giá rẻ. Ông có bí kíp gì để xây nhà bán giá rẻ mà vẫn có lợi nhuận?

Tôi biết nhiều người cũng nói này nói nọ, nhìn ra nhìn vô. Nhưng sòng phẳng mà nói, xây được nhà tốt để bán mà vẫn có lãi như tôi không có nhiều người làm được. Doanh nghiệp ai chẳng muốn thu lời, nếu mảng này béo bở thì người ta đổ xô vào rồi, chứ dại gì mà nhường hết cho tôi (cười).

Thông thường chi phí doanh nghiệp, đặc biệt ở doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp nhà nước rất tốn kém và phân tán. Hàng loạt chi phí dàn trải, chi phí chung, chi phí dự phòng, máy móc, các chi phí không tên khác… sẽ quyết định giá thành. Và đó là điều mà ít người dám xây nhà ở phân khúc giá thấp như tôi vì họ làm sẽ không có lãi, thậm chí lỗ.

Còn với tôi, nhờ mô hình khép kín, bớt tối đa các khâu trung gian về nhân sự, phòng ban nên chi phí quản lý được giảm tối đa.

Thứ hai là nguyên liệu vật tư, cái này quản lý không chặt thì rất gay, ở các doanh nghiệp nhà nước hay cổ phần thường bị bớt xén, bị kê khống lên làm thất thoát, tăng chi phí. Ở Mường Thanh mảng này đều có những nhân sự tín cẩn lâu năm quản lý, đảm bảo cho rất chặt chẽ.

Thứ ba là về nguồn tài chính, do tôi làm nhiều dự án và luôn giữ được uy tín cao với các nhà thầu quen thuộc hợp tác với nhau trong nhiều năm. Do đó nhiều nhà thầu sẵn sàng ứng vốn để mua nguyên vật liệu thi công cho tôi trước, giúp thời gian thi công rút ngắn tối đa. Ngược lại khi tôi bán được dự án thu tiền thì trả họ ngay nên họ rất tin tưởng.

Ngoài ra, chuỗi khách sạn trên cả nước cũng là một nơi cho nguồn thu khá ổn định để phục vụ cho tái đầu tư và vận hành tại các dự án khác.

Dự án khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) bán nhà giá rẻ nhưng được "đại gia điếu cày" đầu tư hạ tầng, dịch vụ như dự án hạng sang

Nhiều người băn khoăn, một tập đoàn mang thiên hướng gia đình như Mường Thanh sở hữu tới 60 khách sạn từ 3 đến 5 sao trên toàn quốc cùng hàng trăm tòa chung cư tại nhiều dự án, khu đô thị thì làm thế nào mà quản nổi?

Đúng là không hề đơn giản để quản lý 27.000 nhân viên trong toàn tập đoàn. Quan điểm của tôi là quy về một mối, giao trách nhiệm trực tiếp cho từng thủ lĩnh, cứ thế cứ nhân bản theo bậc thang. Chẳng hạn với một khách sạn thì tôi giao cho giám đốc chịu trách nhiệm, ông giám đốc thì phải lo các ông giám đốc con khác, ông giám đốc con thì lo quán xuyến các ông trưởng phòng, ban chuyên môn. Cứ đấu mối đứng đầu phải chịu trách nhiệm, không làm được tôi thay ngay, còn làm được tôi không tiếc, đãi ngộ xứng đáng.

Nhiều người cho rằng Mường Thanh là doanh nghiệp gia đình nhưng không hẳn vậy, như riêng mảng khách sạn chúng tôi sở hữu đội ngũ nhân sự khá lớn được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nhiều người là lãnh đạo cấp cao, cấp trung của nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng quốc tế…

Đặc biệt con gái cả Hoàng Yến của gia đình có 7 năm học chuyên ngành tài chính tại Vương Quốc Anh trước khi về gắn bó với tập đoàn. Cháu là cánh tay phải đắc lực cho tôi, thậm chí bây giờ cháu nó làm chủ hoàn toàn ở nhiều mảng, phần việc ở tập đoàn.

Nghĩ cho đời, sống cho người

Nhiều người quan tâm hiện nay ông đang sở hữu bao nhiêu tài sản, tiền bạc, ông có thống kê được không?

Tôi chẳng có thời gian ngồi mà tính được mình sở hữu bao nhiêu tài sản, có bao nhiêu tiền. Nói thế đừng hiểu nhầm là tôi khoe khoang cái gì mà ở đây ý tôi đã là kinh doanh thì dòng tiền nó luôn xoay vần. Chỗ này sinh lời thì tái đầu tư chỗ kia, chỗ kia kém thì chỗ này bù vào. Bán chỗ này thu chưa được hết thì đã phải đi xây chỗ kia rồi.

Mà suy cho cùng, tiền bạc không phải là tất cả, cái sống còn là thu nhập cho 27.000 cán bộ, nhân viên kia kìa. Tôi có bao tiền không quan trọng bằng việc tôi có đủ tiền trả đủ, trả tốt cho nhân viên hay không. Theo tôi được biết, không ít doanh nghiệp tên tuổi trong làng bất động sản, du lịch còn nợ lương của cán bộ, nhân viên nhiều lắm.

Ông có thể chia sẻ một chút về gia đình?

Gia đình tôi thì có 5 anh chị em. Một số tham gia công việc trong tập đoàn. Tôi cưới vợ muộn lắm, tận 37 tuổi. Vợ là giáo viên nhưng giờ đã nghỉ hưu rồi. Chúng tôi có 3 người con thì một là cháu Yến là cả hiện đang giữ vị trí Tổng giám đốc của tập đoàn, cháu trai thứ 2 giờ cũng đảm trách vị trí phó giám đốc về mảng kinh doanh cho tập đoàn, còn cháu trai út còn bé lắm, đang học cấp 3.

Người ta ngạc nhiên khi một ngày đẹp trời thấy ông xây công viên vườn thú Safari, tại sao ông lại đột nhiên “ôm” thêm mảng này?

À, đó là khu Trại Bò, nói cho sang mồm là Mường Thanh Safari (cười) ở đất Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) quê của tôi. Đây là nơi mà hồi bé tôi với bạn bè trang lứa thường chăn bò, cắt cỏ. Sau này có một chút điều kiện thì tôi đầu tư 100ha đất ở đây để chăn nuôi, trồng trọt tăng gia thêm. Dần dà, đi công tác khắp nơi, thấy ở đâu người ta bán con này, con kia thì tôi mua về thả vào đó. Khi thấy bà con quan tâm thì tôi cho thiết kế lại, rồi tìm mua thêm nhiều giống khác từ nước ngoài về như tê giác, sư tử, hổ, bò tót, voi, hươu, nai... chuyển thành khu tham quan.

Tôi nói thật là làm cái này có lãi đâu, thậm chí chưa nói việc đầu tư ban đầu rất lớn mà còn phải thường xuyên bù một khoản không hề nhỏ. Nhưng ai lẽ thường ai cũng vậy, tôi mê, tôi thích thì tôi làm thôi. Ở đây hàng năm tôi phải chi ra gần 10 tỷ đồng để lo mọi chi phí vận hành.

Tôi xây dựng vườn thú vì muốn nhiều người khác không đủ điều kiện đi đây đó vẫn có thể qua chỗ Trại Bò để được mắt thấy, tai nghe những điều thú vị, lạ lẫm. Chỗ này giờ cũng tạo công ăn việc làm được cho 500 lao động là con em ở làng ở xã trong vùng, bà con cũng rất vui và ủng hộ.

Nhiều người chuyền tai câu chuyện mới đây ông “ném” hơn 200 tỷ đồng qua cửa sổ khi đột nhiên giảm giá cho hàng nghìn căn hộ đã bán?

Chẳng là hồi tháng 10 vừa qua, ở đợt mở bán cuối cùng trong năm 2018 cho hơn 1.000 căn hộ tại dự án Thanh Hà tôi quyết định giảm giá 1 triệu đồng cho mỗi mét vuông, tức chỉ còn khoảng 10-11 triệu đồng/m2. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cùng là khách hàng của mình, lại cùng cảnh người khó khăn nên tôi quyết định giảm nốt cho gần 2.000 khách hàng đã nộp tiền mua căn hộ ở đây.

Người ta nói tôi “ném” tiền qua cửa sổ chắc ý muốn nói hàng thì đã bán, hợp đồng đã ký, tiền tôi đã nhận mà tôi vẫn giảm giá tức là trả ngược lại hàng trăm tỷ cho khách hàng. Tôi thích thì tôi làm thôi chứ có ai ép tôi phải trả cho họ đâu (cười).

Nhiều người băn khoăn với tiềm lực tài chính ông thừa sức tậu cho mình một biệt thự hoành tráng ở trên phố cổ hay khu trung tâm nhưng ông vẫn suốt ngày quanh quẩn ở khu rìa thành phố như Linh Đàm. Tại sao vậy?

(Cười). Cái này cũng nhiều người hỏi, bảo có phải do phong thủy hay duy tâm mà cứ ở mãi đây hay không. Nhưng ít ai biết, năm 2.000 tôi là người đầu tiên về đây mua đất cất nhà. Hồi đó nhà tôi là căn nhà duy nhất ở khu bán đảo này, cả khu vắng tanh, hoang vu, đèn đóm tối om, cây cối um tùm. Như thời điểm cuối năm vắng vẻ đến rợn người. Về sau thì dân về ở một đông hơn, người ta xây chung cư, liền kề, biệt thự về lại hóa ra đông vui, nhộn nhịp. Tính tôi ngại thay đổi, ở mãi rồi cũng quen.

Còn quan trọng hơn là chỗ này nó gần với chỗ làm. Trước thì tôi làm luôn mấy dự án trong khu Linh Đàm (quận Hoàng Mai), xa hơn tí thì sang khu Đại Kim cùng quận gần đó. Rồi khu đô thị Xa La (Hà Đông), khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì) và giờ là khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai). Đi từ nhà tôi thì tất cả các hướng vể dự án đều gần, tiện lắm. Lên phố thì lên được thôi nhưng tôi thấy ồn ào, bất tiện lắm.

Hình ảnh quen thuộc của các doanh nhân thành đạt là rượu tây, cigar, điện thoại vertu… nó vừa là xa xỉ phẩm đẳng cấp vừa là thể hiện phong thái thời thượng, sao ông lại không dùng?

Nói tôi không có tiền mua chắc người ta cười cho nhưng ai cũng bảo tôi quê một cục. Tôi không dùng vì đơn giản không thích. Cuộc sống quá nhiều lo toan buộc mình phải cố gắng rồi, giờ mấy thú vui tao nhã mà cũng bị ép phải theo thì sao chịu nổi.

Rượu thì tôi thích nhất là rượu táo mèo, rồi thứ đến các loại rượu trắng ngâm với cây thuốc, con thuốc khác. Rượu Tây thì trong đời tôi buộc phải nhắm mắt nhắm mũi uống một lần rất nhiều khi tiếp một vị quan chức. Sau đó thì tôi say không biết trời đất gì và khiếp từ đó tới giờ luôn.

Thuốc thì tôi nghiện mỗi món thuốc lào. Cài này chắc là do phong thủy thì đúng này. Vì quê vợ tôi là ở huyện Vĩnh Bảo, đất đặc sản thuốc lào. Nói vậy thôi chứ tôi hút nó quen rồi, phải nói là bị lệ thuộc, người ta hút thuốc thì bị ho còn tôi thì ngược lại, chỉ cần dừng một hai hôm là tôi bị ho, bị viêm họng.

Ăn uống cũng vậy, nếu không phát sinh phải tiếp khách, tôi thường về nhà ăn cơm với vợ con. Bữa cơm thì bất di bất dịch không thể thiếu được cá bống, cá rô đồng, giếc sông kho nồi đất với bát canh tập tàng ăn ghém mấy quả cà pháo muối mặn. Thiếu mấy món đó là tôi cứ nhạt mồm nhạt miệng, bứt rứt trong người.

Điện thoại thì đây (đưa tay về phía phóng viên). Cục gạch này là nghe gọi được rồi. Mà cái này hay ho lắm đó nha, chỉ cần sạc qua đêm là pin dùng được cho mấy ngày. (Ông Thản dùng một chiếc máy điện thoại philips trị giá vài trăm nghìn đồng. Ông cũng ít đi giày tây, trừ phải đi dự sự kiện quan trọng, còn lại hàng ngày ông vẫn đi đôi tông trị giá vài chục nghìn đồng- PV).

Nghe nói ông còn là nhà thơ phải không?

Nhà thì ai dám nhận, lều lán cũng không dám nhận ấy chứ, nhưng đúng là tôi mê thơ. Mà cũng nhờ thơ mà tôi tán đổ rồi cưới được vợ đấy chẳng đùa. (Nói đến đây, ông ngẫu hứng đọc liền một đoạn thơ trong bài có tựa “Phố núi” do ông sáng tác từ thời trai trẻ tặng cô giáo viên tên Huệ mà giờ là vợ của ông):

Bình minh núi hạt sương xe nỗi nhớ

Bỗng vọng về câu hát người ơi… người ở

Anh không biết hát câu mạn thuyền gối tựa

Để mà hẹn em đừng đứng, đừng ngồi

Em đốt lòng anh bằng nửa vời câu hát

Anh xin làm sợi tơ vàng mượt

Nối cõi lòng chia sẻ ở hai nơi

Em sẽ hiểu tận cùng câu hát người ở người ơi…

Tôi thì tôi hay làm thơ con cóc, duy nhất làm bài thơ dài như trường ca hồi trẻ thì giờ quên mất, nhớ câu được câu không. Khi cao hứng, tôi cũng có cậy nhờ một số nhạc sỹ phổ nhạc thành một vài ca khúc, chủ yếu là lưu hành nội bộ trong tập đoàn cho nó vui và lấy khí thế là chính.

Ông khá kín tiếng trên truyền thông nên ít ai biết ông từng là người lính, đó là những năm tháng nào?

Tôi nhập ngũ từ năm 1969, chiến đấu khắp các chiến trường ở Quảng Trị rồi mãi tới năm 1976 sau giải phóng mới ra quân. Tôi biên chế vào sư đoàn 324, từng được phân công làm trung đội trưởng, rồi sau đó là trợ lý thanh niên của trung đoàn. Anh em đồng đội nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, bản thân tôi cũng bị thương ở sau lưng.

Cùng đơn vị với tôi hồi đó giờ có anh Phúc Thanh (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội), anh Phạm Văn Long (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị). Năm tháng qua đi, cả sư đoàn người hi sinh, người già yếu mất đi, giờ chỉ còn chưa tới 30 người. Lâu lâu anh em đồng đội cũ lại gặp nhau ôn lại thời bi hùng của tuổi trẻ một thời.

"Người ta nói có chống lưng, tôi thì thiệt đủ đường"

Dư luận trong một thời gian dài cho rằng ông có người “chống lưng”, ông nói sao về điều này?

Oan không để đâu cho hết, nhưng phải kệ chứ biết làm sao. Dư luận với tin đồn thì có gì lạ, cách đây nhiều năm có lần tôi đang đi công tác thì có người gọi điện hỏi “Nghe nói bác bị bắt à?” (cười lớn). Đó, gọi điện thoại mình nhấc máy nghe mà người ta vẫn hỏi là bị bắt à? Đó, dư luận là đó chứ đâu, chẳng có ai tin được. Giờ lại có thêm mạng xã hội, tin đôi khí thiếu kiểm chứng nhưng lan truyền chẳng biết đâu mà lần.

Nói chống lưng với chống liếc, lưng tôi ngoài cái vệt sẹo to đùng do mảnh bom cắt hồi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ra thì chẳng có gì chống cả .

Ông có thể nói rõ hơn cái sự “oan” của ông không?

Tôi nói thật là từ khi khởi nghiệp đến giờ tôi chẳng nhờ cậy được ai mà toàn phải tự bươn chải một mình. Chắc cái số mình nó thế, thiệt đủ đường. Đó anh xem, tôi có bao giờ được ưu ái đất “vàng” hay các quỹ đất khác như những người khác đâu. Giao đất thì duy nhất một lần hồi dự án ở Xa La. Tôi cũng chẳng có ai hỗ trợ vốn hay ưu ái thuế đất, cơ chế, thủ tục nào.

Hầu hết các dự án tôi lọ mọ đi tìm mua lại, hoặc những doanh nghiệp trước do họ không làm được nữa thì gọi tôi đến nhượng lại cho.

Vậy đề cập tới cơ chế, điều nào khiến ông tâm tư nhất?

Tôi còn nhớ dự án đầu tiên trong đời tôi ở đất Hà Nội là dự án tại khu chung cư ở Định Công (quận Hoàng Mai). Hồi đó tôi thấy sao mà vô tư, thoải mái thế, doanh nghiệp được tạo điều kiện tối đa, chẳng có ai hành, ai vòi vĩnh cả. Giai đoạn đó là những năm 1999-2000, tôi nhớ là hồi đó cụ Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Thành ủy Hà Nội, chủ tịch thành phố là ông Hoàng Văn Nghiên, Bộ trưởng xây dựng là ông Nguyễn Mạnh Kiểm… Hồi đó tôi nhớ cứ cái gì doanh nghiệp trình đúng, mang lại lợi ích cho người dân là đều được ký ngay.

Rồi tới giai đoạn 2003-2006, tỉnh Hà Tây hồi đó rải thảm mời các doanh nghiệp về đầu tư ở khu đô thị Xa La. Thời điểm đó, địa phương còn mời tận 7 “ông” về suốt ngày họp với liên hoan để “nịnh” doanh nghiệp mong họ đầu tư. Sau này các doanh nghiệp khác rút lui hết, còn lại mỗi tôi làm và rất thành công. Tỉnh hồi đó biết ơn doanh nghiệp lắm.

Giai đoạn hiện nay thì rõ ràng Chính phủ đã rất cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, rồi chính quyền cũng cải cách hành chính này nọ nhưng mọi thứ cũng còn nhiêu khê lắm. Cơ chế, chính sách có thể đã được nâng lên rất tốt, minh bạch hơn nhưng quan trọng là ở bộ phận, con người thực thi. Cái này thì tôi nghĩ là căn bệnh chung rồi, doanh nghiệp nào cũng "dính".

Dự án tâm huyết lúc xế chiều

Nhiều người nói ông làm nốt dự án khu đô thị Thanh Hà rồi lui về nghỉ hẳn?

Nói về Thanh Hà thì cũng gian nan lắm, toàn bộ dự án rộng hơn 416ha trước đó do doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư nhưng bỏ hoang gần 10 năm trời. Dự án cũng phát sinh khiếu kiện, tranh chấp kéo dài. Không phải ai cũng dám liều như tôi khi quyết định chi gần 4.000 tỷ để mua lại dự án này để làm lại từ đầu. Vừa xử lý những cái rắc rối, tồn đọng cũ, vừa tập trung hoàn thành tuyến đường trục BT Nam Hà Nội, vừa phải đầu tư làm hạ tầng, tái xây dựng dự án khu đô thị, vất vả vô cùng.

Còn nói là dự án cuối đời thì không hẳn, tôi thì tôi cứ làm không ngưng nghỉ, đến lúc không còn sức làm nữa thì thôi. Nhưng cũng có cái đúng là đây là dự án bất động sản tôi rất tâm huyết. Nếu như trước đây ở các dự án khác, quy mô đất đai không được nhiều, không có nhiều điều kiện đầu tư chuyên sâu về hạ tầng thì với Thanh Hà đất thẳng cánh cò bay, tôi thỏa sức làm những hạng mục mình đam mê, tâm huyết.

Hiện ở khu đô thị Thanh Hà, tôi đã xây dựng được hơn 13.000 căn hộ và hiện giờ đã bán gần sạch bách, chỉ còn hơn 900 căn. Các khu liền kề, nhà đất thì cứ mở bán là bán hết vì giá rẻ, hạ tầng tốt.

Có người quý người ta cũng khen thật lòng là dù nhà giá rẻ nhưng hạ tầng mọi thứ ở đây không thua kém chung cư hạng sang. Ở Thanh Hà, chúng tôi đầu tư xây dựng hàng chục trung tâm thương mại, siêu thị, hơn 20 trường học lớn, trường quốc tế, 4 công viên cây xanh, hai hồ nước rộng lớn, 1 công viên nước, 1 khu phức hợp thể thao, 1 sân tập golf, bệnh viện Bưu điện cũng chuyển về đó, …

Trong số này đặc biệt là khu vui chơi công viên nước rộng 5ha được đầu tư xây dựng theo mô hình tương tự và cùng một đối tác cung cấp thiết bị, vận hành như tại khu Sun Worl Hạ Long Park của SunGroup. Chúng

Tác giả: Lâm Hoài

Nguồn tin: Báo Thời báo chứng khoán Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP