Trong nước

Đại biểu Quốc hội tranh luận về trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục

Phát biểu "năng lượng tiêu cực của xã hội mà Bộ giáo dục mang đến" của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã gây nhiều tranh luận trái chiều.

Chất vấn Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chiều 30/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên đánh giá dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh sinh viên có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục.

"Nhiều cử tri nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay. Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình khi thường xuyên nêu quan điểm "sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm" song rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để duy trì sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay", bà Hiền chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hiền đầu phiên chất vấn sáng 31/10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều. Bộ đang rà soát và thực tế quy định liên quan việc bán dâm đối với học sinh, sinh viên được nêu trong nội quy từ năm 2007, đến đầu năm 2016 lại có. Như vậy, quy định này đã có từ nhiều năm trước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 31/10. Ảnh: QH

Khi rà soát, Bộ quy định tất cả những nội dung không phù hợp thì phải bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung trên. Tuy nhiên, khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa dự thảo lên website dẫn đến phản ứng của xã hội.

"Khi có thông tin tôi chỉ đạo xử lý ngay. Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng Giáo dục là không cần đưa vào thông tư vì đây là phạm vi xã hội. Những nội dung này không đưa vào thông tư nữa", Bộ trưởng cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ trưởng Giáo dục đã tiếp thu ý kiến dư luận. Bà đề nghị những quy định gây phản cảm, bức xúc thì phải sửa ngay. "Quan điểm của Bộ trưởng rất rõ rồi, đề nghị chỉ đạo khắc phục ngay", bà Ngân nói.

Ý kiến trái chiều của đại biểu

Tranh luận lại Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhắc lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là "đề cao vai trò của Bộ trưởng trong công tác xây dựng thể chế; văn bản nào ban hành có sai sót phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trước Thủ tướng".

"Là người có con em đi học, trước năng lượng tiêu cực của xã hội trong thời gian qua mà Bộ giáo dục mang đến, tôi vô cùng lo lắng", bà Hiền chia sẻ.

"Tôi hỏi vai trò của người đứng đầu, nhưng không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà chuyển cho một cá nhân khác. Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, nhận ra năng lực quản trị của bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục có vấn đề, có hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục", bà Hiền nói và mong muốn "Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né để có giải pháp tích cực hơn cho ngành giáo dục trong thời gian tới".

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tại Quốc hội. Ảnh: QH

Đại biểu Lý Tiết Hạnh có quan điểm khác với bà Phạm Thị Minh Hiền khi cho rằng, "người đứng đầu phải chịu trách nhiệm song đây là văn bản đang trong quá trình xây dựng". Theo bà Hạnh, Bộ trưởng - người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm lĩnh vực quản lý của mình khi đến thời điểm văn bản chính thức ban hành.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cũng không đồng tình với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền với nhận định "Bộ Giáo dục mang đến năng lượng tiêu cực".

"Chúng ta, những người có mặt ở đây đều là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam. Tôi cho rằng, cần có những đánh giá tích cực về ngành Giáo dục, bên cạnh hạn chế, để có cái nhìn khách quan, toàn diện", bà Xuân nói.

Nữ đại biểu khẳng định, không thể phủ nhận rằng, cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà của Việt Nam không ngừng nâng cao. Mặt bằng, trình độ dân trí tăng lên, năng suất lao động được cải thiện và Việt Nam có khả năng hội nhập tốt với thế giới. Mặt khác, hiện nay, ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

"Đã là đổi mới thì có tìm tòi, thử nghiệm nên đương nhiên có thiếu sót. Chính vì vậy, tôi rất mong đại biểu có những ý kiến góp ý mang tính xây dựng, hiến kế cho ngành Giáo dục. Với quan điểm như trên của đại biểu tại hội trường có thể tác động đến dư luận xã hội, có cái nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành giáo dục. Hơn nữa, có thể làm tổn thương hàng triệu nhà giáo, tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh đối với ngành giáo dục nước nhà", bà Xuân nói và mong đại biểu Hiền lưu ý và chia sẻ với khó khăn của ngành Giáo dục.

Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không nên lấy sự việc cụ thể để phủ nhận kết quả, nỗ lực của ngành, của đơn vị, địa phương. "Chúng ta cần có đánh giá khách quan, tạo dư luận đúng đắn, tốt hơn cho xã hội", bà nói.

Ngày 29/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy, để lấy ý kiến đến ngày 26/11. Dự thảo quy định nhiều nội dung, trong đó có đề xuất kỷ luật khiển trách nếu sinh viên vi phạm lần một, cảnh cáo nếu vi phạm lần hai, đình chỉ có thời hạn trong lần ba và buộc thôi học nếu tái diễn lần bốn...

Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Nghĩa sau đó cho biết, quy định về xử lý kỷ luật sinh viên liên quan đến hoạt động mại dâm trong dự thảo là bị lỗi soạn thảo, chưa cập nhật bản phù hợp nhất.

Trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay sau đó gỡ dự thảo.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP