Trong nước

Đại biểu Quốc hội: 'Chính sách đặc xá không nên chạy theo số lượng'

Trong 10 năm qua, Nhà nước thực hiện 7 lần đặc xá với gần 87.000 phạm nhân được trả tự do.

Sáng 11/6, 25 đại biểu đăng đàn nêu quan điểm, tranh luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) tại phiên làm việc của Quốc hội.

Vấn đề nhận được nhiều ý kiến nhất là thời điểm và tần suất đặc xá. Theo nội dung nêu tại khoản 1, điều 5 dự Luật, Chủ tịch nước xem xét, quyết đinh về đặc xá với người đang chấp hành hình phạt tù vào các dịp: sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

Đại biểu Trần Thị Hiền phân tích, theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm qua có 7 lần đặc xá với gần 87.000 phạm nhân được trả tự do. Từ con số này, nữ đại biểu cho rằng cần nâng cao chất lượng đặc xá, không chạy theo số lượng lớn như hiện nay để chính sách trên mang ý nghĩa "ân huệ đặc biệt", tránh lạm dụng sự khoan hồng của của nhà nước.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng nên bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn bởi chế đinh này đã được thực hiện thông qua hình thức tha tù có thời hạn. Việc áp dụng song song hai chế định thường xuyên dễ làm mất ý nghĩa của đặc xá.

"Thời điểm đặc xá cần quy định chặt chẽ hơn. Chủ tịch nước là người có quyền quyết định đặc xá trước sự kiện trọng đại của đất nước. Nhưng chưa có văn bảo nào quy định tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước, vì vậy cần bổ sung quy định cụ thể với nội dung này”, đại biểu Mẫn nói.

Một số đại biểu khác còn phân tích ngày lễ lớn ở Việt Nam hàng năm bao gồm: Tết Dương lịch, âm lịch, 30/4, Quốc khánh,….Vì vậy, nếu quy định như dự thảo thì sẽ khó phân biệt ngày nào là lễ lớn, ngày nào là lễ nhỏ. “Nên quy định Chủ tịch nước quyết định ba năm đặc xá một ngày vào dịp Quốc khánh 2/9”, đại biểu Đào Tú Hoa nói.

Tất cả các đại biểu đăng đàn sáng nay đều đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước.

Đại biểu Trần Thị Hiền. Ảnh: QH

Tham gia phát biểu, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đồng ý với với quan điểm thời gian qua việc đặc xá có phần bị lạm dụng. “Yêu cầu về biện pháp nhân đạo nhà nước dường như mờ đi trước nhu cầu giảm tải nhà tù khi trung bình 1,5 năm ta có một lần đặc xá, với mỗi đợt hơn 10.000 người”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Theo Chánh án Tòa Tối cao, thực tế này tạo mâu thuẫn với các hội đồng xét xử, khi hội đồng xét xử muốn giảm 6 tháng tới một năm hình phạt thì đều phải cân nhắc kỹ, vậy mà đặc xá mỗi lần lại có thể bớt nhiều năm thi hành án.

Mặt khác theo Chánh án Bình, Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định mới về tha tù trước thời hạn tại điều 66. Theo đó, chính sách này được thực hiện mỗi năm 2-3 đợt, gắn với ngày lễ trong năm. “Ở đây tôi muốn cung cấp sự khác biệt giữa tha tù trươc hạn và đặc xá. Chúng ta không nên để điều kiện giống nhau mà phải tạo sự khác biệt. Trong khi đó điều kiện đặc xá tại dự thảo này đang hơi giống với tha tù trước hạn”, ông Bình cho biết.

Ông Bình còn nêu ra cách hiểu, thẩm quyền đặc xá là của Chủ tich nước, tha tù trước hạn là thẩm quyền của Chánh án các cấp. Tha tù trước thời hạn nếu vi phạm có thể phải quay lại tù thi hành nốt phần án còn lại, còn đặc xá là tha luôn. Như vậy, Chánh án Bình nhận định tha tù trước hạn có tính nghiêm minh hơn.

Từ phân tích đó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng cần lưu ý thời điểm đặc xá “phải là dịp có sự kiện quan trọng, ví dụ như 1.000 năm Thăng Long”.

Tranh cãi về điều kiện hưởng đặc xá

Mộ trong những điều kiện để phạm nhân được đặc xá quy định tại điều 10 dự thảo Luật: "Đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá".

Đại biểu Trần Thị Hiền nêu quan điểm, nên giới hạn quy định trên, không áp dụng trong trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Bởi thực tế có những phạm nhân hoàn cảnh khó khăn, vào tù xong mất kế sinh nhai, thậm chí không có người thăm nuôi. Song ngược lại nhiều phạm nhân lại có điều kiện về tài chính. Vì vậy nếu quy định đại trà sẽ tạo ra sự mất công bằng giữa phạm nhân giàu và nghèo”, nữ đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến lại cho rằng bản chất của đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt, nên cần có hình thức ân giảm trong từng hoàn cảnh đặc biệt cụ thể với từng con người “chứ quy định thế này thì giống đại xá hơn”.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang nhận định, cần quy định phạm nhân phải thi hành hình phạt tiền xong là điều kiện đặc xá, "không thể tùy nghi được nhất là với tội phạm liên quan tới tài chính".

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm.

Tác giả: Hà Nguyên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP