Trong nước

Đại án tham nhũng kinh tế, tài sản phải thu hồi rất lớn, trải dài ở nhiều tỉnh

"Nhiều vụ án, nhất là các đại án tham nhũng kinh tế hay án liên quan đến tín dụng ngân hàng, tài sản phải thu hồi rất lớn và nhiều trường hợp không chỉ nằm ở một tỉnh mà trải dài ở nhiều tỉnh khác nhau", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thuỷ, nêu.

Ủy thác, có thể phát sinh khiếu kiện?

Ngày 10/1, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Liên quan đến sửa luật Luật Thi hành án dân sự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, quan tâm đến quy định về việc xử lý tài sản ủy thác. Theo đại biểu, mục đích sửa các quy định về ủy thác thi hành án nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý trong việc xử lý các vụ án tham nhũng kinh tế có tài sản ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, đại biểu Hạnh cho rằng, việc quy định tạm dừng xử lý tài sản thi hành án mà không giới hạn thời gian tạm dừng thì quy định này chưa triệt để. Do đó, đề nghị bổ sung thời gian tạm dừng, nếu quá thời gian đó mà không xử lý xong tài sản thì cơ quan nhận ủy thác phải tiếp tục xử lý tài sản nhận ủy thác.

Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Như Ý

Cùng mối quan tâm, đại biểu Khang Thị Mào, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, cho rằng, luật sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ vướng mắc phần ủy thác thi hành án dân sự, tức là có thể một lần ủy thác nhưng được thực hiện ở nhiều nơi, nhiều địa phương khác nhau về việc xử lý tài sản.

Tuy nhiên, đại biểu Mào đề nghị quy định rõ hơn đối với trường hợp tài sản được Tòa án kê biên để thi hành án có ở nhiều địa phương khác nhau. Nếu cơ quan thi hành án dân sự ủy thác cho nhiều cơ quan thi hành án dân sự ở các địa phương khác nhau, có thể dẫn đến phức tạp và phát sinh khiếu kiện. Trường hợp dự thảo luật không quy định rõ, đại biểu kiến nghị giao cho Chính phủ có phương án quy định chi tiết tại nghị định hướng dẫn thi hành án điều luật này.

Tranh luận, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng, nếu tháo gỡ nút thắt về việc ủy thác thi hành án dân sự và ủy thác xử lý tài sản trong thi hành án dân sự cũng chỉ tháo gỡ được một phần. Bởi sự ách tắc trong thi hành án dân sự hiện nay rất trầm trọng, mỗi một năm có thể tăng lên ít nhất 20% số lượng án mà cán bộ thi hành án thì không tăng.

"Ở đây chúng ta chỉ tháo gỡ nút thắt ở chỗ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự, dân sự trong hình sự. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta phải tháo nút thắt thi hành án dân sự ở tất cả các vụ án dân sự và thương mại. Vậy, tháo nút thắt bằng cách nào? Tôi đề nghị phải đẩy mạnh xã hội hóa trong vấn đề thi hành án dân sự”, ông Thịnh đề nghị xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa cho nhiều các chủ thể khác có kỹ năng nghiệp vụ, như luật sư, luật gia trợ giúp pháp lý.

Ba hệ luỵ có thể xảy ra

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy tán thành với sự cần thiết sửa đổi, vì đây là một trong những vấn đề ách tắc nhất của Luật Thi hành án dân sự hiện nay. Nhiều vụ án, nhất là các đại án tham nhũng kinh tế hay án liên quan đến tín dụng ngân hàng, tài sản phải thu hồi rất lớn và nhiều trường hợp không chỉ nằm ở một tỉnh mà trải dài ở nhiều tỉnh khác nhau.

“Tôi lấy ví dụ như vụ Hứa Thị Phấn, gồm 393 bất động sản và 2 động sản nằm ở 2 tỉnh; hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như, gồm có 24 bất động sản và 4 động sản nằm ở 5 tỉnh. Chính vì vậy quy định hiện nay phải xử lý tuần tự, tức là sau khi tỉnh thứ nhất xử lý xong tất cả các tài sản mới được ủy thác cho tỉnh thứ hai và tỉnh thứ hai xử lý xong tất cả các tài sản mới được ủy thác cho tỉnh thứ ba… Như vậy, phải tiến hành tuần tự chứ không được đồng thời thi hành án”, bà Thuỷ cho hay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Như Ý

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, với cách tiến hành hiện nay có 3 hệ lụy: Dẫn tới thời gian thi hành một bản án kéo rất dài. “Tham khảo ý kiến của các anh em trong ngành thi hành án dân sự họ cho rằng với cách tuần tự như hiện nay có những bản án thi hành án 10 năm cũng chưa xong, bởi vì chỉ cần một tài sản bị tắc, vướng là không thể ủy thác cho các tỉnh tiếp theo”, đại biểu Thuỷ nêu.

Thứ hai, có thể dẫn tới gây thiệt hại trực tiếp cho nhà nước, người dân, doanh nghiệp được thi hành án. Bởi có những bất động sản nếu để lâu còn có thể giữ nguyên được giá trị, nhưng đối với những động sản, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất mà để lâu, đắp chiếu nhiều năm như thế này, chắc chắn sẽ dẫn đến giảm giá và mất giá trị rất lớn. Trên thực tế có những tài sản sau 10 lần, thậm chí 20 lần giảm giá cũng không thể bán được.

Hệ lụy thứ ba, theo đại biểu Thuỷ rất quan trọng là ảnh hưởng trực tiếp đến người có nghĩa vụ thi hành án. Trong trường hợp người có nghĩa vụ thi hành án này là phạm nhân thì một trong những điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, đó là phải thi hành xong phần nghĩa vụ về tài sản trong bản án.

“Nếu như trong trường hợp họ chưa thi hành xong việc này thì họ không được xem xét. Trong trường hợp này có nhiều người họ rất tích cực, hợp tác. Lỗi không phải do họ mà do bất cập của luật nhưng trực tiếp ảnh hưởng đến việc họ không được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước”, đại biểu Thuỷ nêu.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo cơ chế hiện hành, ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản, tức là làm tuần tự. Trong một số trường hợp, ví dụ như một tỉnh chủ trì thi hành án nhưng tài sản ở nhiều tỉnh khác nhau thì phải làm xong chỗ này mới sang chỗ khác, như vậy rất khó để xử lý. Đồng tình với phân tích của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, trong vụ án thu hồi tài sản tham nhũng, việc cho cơ chế “làm cùng một lúc” sẽ tháo gỡ được vướng mắc kể trên.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP