Pháp luật

Đại án 6.300 tỉ: Bố trí phòng chăm sóc đặc biệt cho bé theo mẹ hầu tòa

Để đảm bảo sức khỏe cho con của bị cáo Loan, HĐXX đã bố trí phòng chăm sóc đặc biệt, Sở Y tế cử nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 tới chăm sóc cháu bé.

Sáng ngày 9/5, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB) với phần công bố cáo trạng.

Trước khi bắt đầu làm việc, chủ tọa Phạm Lương Toản thông báo, do trong phiên tòa có bị cáo Bùi Thị Kim Loan mới sinh được 3 tuần, HĐXX đã cử thư ký, thẩm phán tới làm việc với bị cáo, bị cáo có thể xin vắng mặt tại phiên tòa hoặc trong những ngày xét xử có những phần không liên quan, bị cáo có thể vắng mặt nhưng bị cáo không đồng ý. Bị cáo lấy lý do mới sinh để xin hoãn phiên tòa, nhưng HĐXX xét thấy đây không phải là lý do chính đáng...

Các bị cáo tại tòa

Hiện, HĐXX đã bố trí phòng chăm sóc đặc biệt phía sau và khi bị cáo Loan tới đề nghị lực lượng hỗ trợ tư pháp yêu cầu bị cáo Loan giao cháu bé cho điều dưỡng viên chăm sóc.

Trước đó, trong phiên khai mạc ngày hôm qua, bị cáo Bùi Thị Kim Loan đã bế theo con nhỏ mới sinh cùng lỉnh kỉnh đồ đạc tới tòa. Hành động này của bị cáo gây ra nhiều phản ứng trái chiều, người thì tỏ ra thương cảm, người thì cho rằng bị cáo lợi dụng cháu bé để gây sức ép cho HĐXX.

Tuy nhiên, tới thời điểm này bị cáo Loan không thấy xuất hiện tại tòa.

Về bị cáo Hứa Thị Phấn, HĐXX cũng cho hay, sau khi bị cáo Phấn làm việc với cơ quan điều tra tiền khởi tố có luật sư của mình tham gia cùng xác nhận rõ ràng nhưng lúc chưa nhận quyết định khởi tố thì ngày 6/3/2017 bị cáo đã nhập viện nằm điều trị. Sau khi khởi tố bị cáo có một lời khai nhưng không trình bày cụ thể và nói rằng sẽ trình bày cụ thể với cơ quan điều tra sau. Sau đó sau 3 tháng, chính Hứa Thị Phấn có đơn tố cáo đề nghị thay đổi điều tra viên với lý do làm việc với điều tra viên này rất áp lực, ngoài ra không còn lý do nào khác, cho nên không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.

Chủ tọa cũng cho hay, việc bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt cũng không ảnh hưởng tới nguyên tắc để xét xử một người có tội hay không có tội. “Theo luật, tòa được quyền xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp người này đang trốn truy nã, không xác định được nơi cư trú, hoặc bản thân họ xin xử vắng mặt. Trong bất kỳ vụ án nào, lời khai của bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội. HĐXX còn căn cứ vào chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ; lời khai của nhân chứng, bị can khác... để xem xét toàn diện vụ án. Do đó, tòa có thể xử vắng mặt nếu bị cáo không thể đến tòa vì lý do bất khả kháng”, chủ tọa nhấn mạnh.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP