Trong nước

Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn: Cách nào bắt về quy án?

Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) bỏ trốn đang gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Dư luận cũng đang đặt câu hỏi về việc cách nào bắt bà Thoa về quy án?

Ngày 26/10, Quốc hội đã nghe Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020. Báo cáo nhận định số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng.

Cùng với đó, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít.

"Vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận”, báo cáo dẫn chứng vụ bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại Việt Nam…

Một số nguồn tin cho rằng, sau khi nghỉ hưu, bà Thoa sang Pháp trước thời điểm bị khởi tố một thời gian, một số nguồn tin khác lại cho rằng, hiện nữ bị can này không còn ở Pháp mà đã sang một nước thứ 3.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu bà Hồ Thị Kim Thoa không còn ở Pháp, cách nào bắt về quy án? Cơ quan chức năng có tiến hành biện pháp dẫn độ nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa về chịu tội?

Bà Hồ Thị Kim Thoa

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội, hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Người có thể bị dẫn độ theo quy định, là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

Theo luật sư Bình, yêu cầu dẫn độ được gửi thông qua đường ngoại giao. Văn bản yêu cầu dẫn độ phải kèm theo các tài liệu mô tả chi tiết về người bị yêu cầu dẫn độ, bao gồm các thông tin để xác định đặc điểm nhận dạng, quốc tịch và nơi cư trú của người đó... Khi yêu cầu dẫn độ liên quan đến người chưa bị kết án, thì phải kèm theo bản sao lệnh bắt của thẩm phán hay người có thẩm quyền khác của Việt Nam và văn bản xác nhận theo quy định của bên được yêu cầu dẫn độ, việc chuẩn bị xét xử về tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm thông tin xác nhận người bị dẫn độ là người được nêu trong lệnh bắt.

Hiện Văn phòng Interpol Việt Nam là một thành phần của Interpol quốc tế nên chắc chắn sẽ có văn bản thông báo về việc truy nã quốc tế này để truy tìm đối tượng ở các nước. Tuy nhiên, luật sư Bình cho rằng, việc từ chối dẫn độ cũng có những nguyên tắc cụ thể. Như việc các nước Châu Âu không đồng ý dẫn độ với những trường hợp mà chuyển giao người phạm tội về nước sở tại sẽ dẫn tới việc áp dụng hình phạt tử hình với người này. Hệ thống pháp luật mỗi nước khác nhau nên có những trường hợp như thế.

Đồng thời, theo ông Bình, nếu hai quốc gia chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm giữa 2 nước sẽ rất khó thực hiện, trừ trường hợp luật pháp quốc tế có quy định khác. Để dẫn độ tội phạm từ một quốc gia không tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp. Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương, có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc “có đi, có lại” giữa hai quốc gia.

“Nguyên tắc có đi có lại là nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, theo đó một quốc gia sẽ dành chế độ pháp lý nhất định, có thể là chế độ đãi ngộ quốc gia hoặc chế độ đãi ngộ tối huệ quốc hay một số quyền lợi nào đó cho thể nhân và pháp nhân một nước ngoài giống như chế độ pháp lý, những quyền lợi hoặc ưu đãi mà các thể nhân và pháp nhân của nước này cũng được hưởng ở nước ngoài đó”- Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

Tuy nhiên, luật sư Bình cũng cho rằng, nếu một quốc gia đơn phương không áp dụng chế độ có đi có lại đối với công dân và pháp nhân của nước khác, hạn chế hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của công dân và pháp nhân của nước đó thì để đối phó lại, quốc gia có công dân và pháp nhân bị thiệt hại sẽ có những biện pháp hạn chế các quyền lợi của công dân và pháp nhân của nước kia.

Dẫn ví dụ, Việt Nam hiện có hơn 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Các trường hợp Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, hay vụ Vũ “nhôm” trốn hụt và thậm chí là cả giám đốc Nhật Cường Mobile cũng đã biến mất, khiến dư luận không thể không lo ngại về tình trạng người phạm tội bỏ trốn, luật sư Bình nêu ý kiến, hầu hết các đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài là các đối tượng có nhiều tiền do tham ô, tham nhũng, hối lộ, lừa đảo sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để chạy trốn ra nước ngoài cả gia đình bằng đường hàng không.

Luật sư Diệp Năng Bình dẫn điều 124 BLTTHS năm 2015 và cho rằng, cho đến nay cũng đã xuất hiện những lỗ hổng, gây khó khăn cho công tác ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh. Đó là về đối tượng áp dụng các biện pháp ngăn chặn (trong đó có biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh): Khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định chỉ có người bị buộc tội mới có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, trong khi đó tại điểm "đ", khoản 1, Điều 4 giải thích: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” mà không có “người bị tố giác”, “kiến nghị khởi tố”, do vậy các quy định về đối tượng áp dụng biện pháp ngăn chặn là chưa thống nhất.

Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn xác minh nguồn tin tội phạm theo quy định khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015) thì mặc nhiên người đó được xuất cảnh sang nước ngoài, trong khi cơ quan giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tra để chứng minh tội phạm và khi đã đủ chứng cứ chứng minh tội phạm thì người phạm tội đã bỏ trốn sang nước ngoài, do đó gây khó khăn, tốn kém cho công tác điều tra, truy tố, xét xử… nhất là hiện nay việc thực hiện tương trợ tư pháp hình sự về dẫn độ, ủy thác tư pháp… còn nhiều bất cập.

Do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa. Theo cơ quan điều tra, khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Gia Đạt

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP