Kinh tế

Cựu chiến binh làm giàu trên đất đai sỏi đá

Đó là ông Hồ Quốc Hiệp (ở xóm 1, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) - chủ trang trại lợn giống cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông là một cựu chiến binh điển hình trong quá trình lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy vào việc phát triển kinh tế nông thôn.

2 15 JYXQ jpg ashx
Ông Hồ Quốc Hiệp, gương điển hình trong việc phát triển kinh tế nông thôn ở xã Quỳnh Thắng


Ngược miền tây xứ Nghệ để thăm trang trại nuôi lợn giống của gia đình ông Hiệp vào một chiều hè oi ả, đến đầu dốc PV đã nghe tiếng kêu eng éc của đàn lợn háu ăn. Trại nuôi lợn của ông Hiệp nằm trọn trong một khu vườn thoáng đãng. Phía sau là một quả đồi rộng chừng hơn 4 héc ta. Số đất trên quả đồi được ông Hiệp tận dụng để trồng các loại cây ăn trái như ổi, cam, vải thiều…

Thấy có khách, vợ chồng người cựu binh già liền đon đả tiếp chuyện rất thân tình. Ông cho biết, quá trình phát triển kinh tế trang trại có lúc được lúc không, giai đoạn vất vả nhất là vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước.

“Ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi trở về quê hương lập gia đình rồi tham gia vào lao động sản xuất. Trước đây đất đá khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nên rất ít hộ xây dựng mô hình trang trại. Một số hộ cũng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa dám mạnh dạn để xây dựng trang trại nên cái đói, cái nghèo cứ bán riết. Sau đó tôi quyết định chọn loài lợn đen để nuôi thử và tôi đã thành công bước đầu”.

Sau khi xuất ngũ, thời gian đầu vì không có vốn nên ông Hiệp phải khăn gói lên vùng đất Châu Bình (huyện Quỳ Châu) đào vàng. Số tiền tích cóp được, ông mạnh dạn bỏ vốn ra để mua hơn 60 con trâu, 40 con bò thịt và 11 con bò sữa. Sau khi có con giống, ông Hiệp lại quay sang làm chuồng trại, rồi dựng lán trong rừng. Thời gian đó ông Hiệp còn phải nằm ngủ ở trong lán trại để tiện cho việc chăn nuôi.

Trong quãng thời gian đầu, do ông chưa có kỹ thuật chăn thả tự nhiên, chủ yếu là chăn nuôi theo hình thức tự phát nên con giống sinh ra không khỏe, vì thế đồng vốn bỏ ra cứ lụi tàn.

Không ngại khó, ngại khổ, với bản lĩnh của người bộ đội Cụ Hồ, ông Hiệp vẫn kiên trì hành động. Thấy ông Hiệp chịu khó học hỏi, có ý thức vươn lên trong quá trình phát triển kinh tế nên UBND xã Quỳnh Thắng đã giới thiệu ông tham gia vào câu lạc bộ phát triển kinh tế của xã.

Nhờ vậy ông được cử đi tìm hiểu, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế giỏi ở trong và ngoài tỉnh. Học được cách làm giàu bền vững từ các trang trại, ông Hiệp đã mạnh dạn áp dụng các mô hình vào điều kiện khắc nghiệt ở địa phương, đặc biệt là việc chăn nuôi lợn.

Sau chuyến đi tham quan mô hình chăn nuôi lợn ở Hoà Bình, ông Hiệp thấy được sự thành công trong mô hình chăn nuôi lợn đen (lợn mán, lợn mường). Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở quê mình có thể chăn nuôi loài động vật này, ông Hiệp quyết định bỏ vốn đầu tư trang trại nuôi giống lợn sạch với số lượng ban đầu là hơn 50 con.

Sau một thời gian dài, đến nay tổng số con lợn trong trang trại lợn giống đã là hơn 400 con. Chia sẻ về thành công trong mô hình chăn nuôi lợn giống của gia đình, bà Đông (vợ ông Hiệp) nói: “Nuôi lợn giống đòi hỏi sự kiên trì và chịu khó. Vì đây là giống lợn rừng, thích sống hoang dã, lại chậm phát triển, chúng ưa thả rong và ăn rau cỏ nên rất dễ nuôi.

Riêng giống lợn này nuôi cả năm trọng lượng của nó cũng chỉ đạt 25-30kg. Loại lợn này không có nhiều mỡ, thịt ăn rất thơm và ngọt, không khác gì thịt thú rừng nên khách hàng ở trong tỉnh và ở ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Lợn thịt bán chạy nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán, còn lợn giống thì bán quanh năm”.

Ông Hiệp cho biết: “Giống lợn ở đây gia đình tôi chỉ cho ăn rau cỏ và ngô hạt, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp. Việc xây dựng chuồng trại cũng hướng đến sự hoang dã bằng việc không dùng xi măng để láng nền mà để nền đất tự nhiên. Ngoài ra, tôi còn trồng cỏ, cây bóng mát ở xung quanh chuồng. Chính vì thế nên lợn rất khỏe và có thớ thịt chắc, thấy như thế này thôi nhưng khi đuổi bắt phải mấy người mới tóm được”.

Theo ông Hiệp, hiện giá bán lợn giống tại chuồng là 170.000/kg, lợn thịt và lợn nái là 140.000 -150.000/kg. Bên cạnh việc chăn nuôi lợn, ông còn phát triển hơn 230 héc ta rừng tự nhiên và rừng gỗ nguyên liệu. Ông Hiệp còn chủ động thầu đất, trồng hơn 50 héc ta mía. Ngoài ra ông Hiệp còn đầu tư 3 chiếc xe ô tô tải và thành lập doanh nghiệp vận tải để nhận thầu các công trình xây dựng và vận chuyển vật liệu xây dựng. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm ông Hiệp cũng thu lãi về trên 500 triệu đồng.

Với sự dám nghĩ, dám làm và tinh thần cầu tiến, ông Hiệp đã trở thành một tấm gương làm ăn kinh tế giỏi ở địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Nhờ thành công trong mô hình phát triển kinh tế, nhiều năm liền ông Hiệp được khen thưởng với danh hiệu “Hộ nông dân tiêu biểu xuất sắc” trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.


Tác giả bài viết: Thủy Lợi – Minh Phượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP