Xã hội

Cuộc sống đảo lộn sau ngày đào được “ấn tín nhà vua”

Dù chưa xác định giá trị thực của khối kim loại nhặt được nhưng cuộc sống của gia đình bác nông dân Trương Văn Sửu đã đảo lộn hoàn toàn. Cả nhà mấy đêm liền mất ngủ vì phải canh chừng “báu vật”. Hết giấu dưới giếng, bỏ vào hòm sắt, vợ chồng ông Sửu lại đưa lên trang trại chôn, sợ bị đánh cắp. Đến khi thông tin “đồ cổ” lan truyền, cuộc sống càng xáo trộn vì rất đông người hiếu kỳ tìm đến.

Ấn tín nghi của vua tại Nghệ An không quá 30 năm tuổi?
Nghệ An: Đào được vật lạ nghi ấn tín vua chúa
Ấn nghi của vua được tìm thấy ở Nghệ An thường dùng để làm gì?
“Ấn tín của vua chúa thời xưa”

Khổ vì “đồ cổ”

Sáng 1/12, căn nhà nhỏ nằm sát tỉnh lộ 534, đoạn đi qua xóm 5, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An của vợ chồng ông Trương Văn Sửu (55 tuổi) và bà Nguyễn Thị Khương (54 tuổi) vẫn còn khá đông người tụ tập. Những người này từ khắp nơi tìm đến mong sờ tận tay “ấn tín của vua chúa thời xưa” mà gia đình ông Sửu mới nhặt được.

Được chủ nhà cho biết “vật quý” đã được bàn giao cho xã Nghi Lâm, sau đó niêm phong chuyển về Bảo tàng Nghệ An để thẩm định, nhiều người vẫn không tin, cố nán lại với mục đích sờ tận tay “báu vật” để lấy lộc, cầu may.

Vợ chồng ông Sửu tâm sự suốt mấy ngày nay cuộc sống của cả gia đình đảo lộn hoàn toàn. Họ phải bỏ dở công việc đồng áng, ở nhà nấu nước, túc trực đón tiếp từng đoàn người tìm đến nhà mình.

“Quá mệt mỏi vì người dân kéo đến rất đông, nhưng nếu mình bỏ trốn thì không hay chút nào. Hơn nữa con gái út của vợ chồng tôi bị tai nạn giao thông đang nằm một chỗ nên phải có người ở nhà túc trực, chăm sóc”, bà Khương thở dài.

Kể về quá trình nhặt được khối kim loại nghi là “ấn tín của vua chúa”, bà Khương cho hay, chiều 26/11, bà cùng hàng xóm Vương Thị Đông (59 tuổi) rủ nhau lên khu vực đồi Khe Gỗ. Đây là nơi gia đình ông Sửu mới thuê làm vườn, đang dùng máy san đất.

“Đang đi, tôi bỗng bị trượt chân xuống bờ ruộng. Thấy dưới chân có vật cứng, tôi nghĩ hòn đá nên cúi xuống lấy lên. Phủi nhanh lớp bùn dính xung quanh, tôi thấy vật đó có hình thù kỳ lạ. Tò mò, tôi lại tiếp tục đem đi rửa thì thấy có màu hơi vàng, đen, xung quanh có nhiều hình thù con rồng và chữ nho. Đoán là đổ cổ, tôi vội kêu chồng và bà Đông cùng đến xem”, bà Khương kể.

Sau đó, 3 người dùng con dao nhỏ cạo nhẹ lớp bên ngoài của vật trên, thấy bên trong có màu vàng. Mừng rơn, bà Khương vội vàng cởi áo khoác trên người, quấn lấy khối kim loại rồi ôm về nhà. Thấy nhà mình cửa ngõ không an toàn, người phụ nữ này đã đưa “báu vật” sang nhà bà Đông cất giữ trong két sắt. Hàng ngày, bà lại chạy sang nhà hàng xóm trông chừng, liên tục kiểm tra vì sợ bị đánh cắp.

Vợ chồng ông Sửu hy vọng khối kim loại nhặt được là đồ cổ thật.

Hai ngày sau, ông Sửu từ trang trại về nhà, tìm khắp nơi nhưng vẫn không thấy khối kim loại có màu vàng vợ nhặt được. Nghe vợ kể đã gửi hàng xóm, ông bắt vợ lấy về để mình cất giữ. Người vợ sợ chồng làm lộ thông tin nên lại âm thầm để trong túi nhỏ, thòng dây xuống giếng thu giấu.

Ông Sửu về nhà không thấy “vật quý” lại “ba chân bốn cẳng” chạy đi tìm. Lần này, sau khi tìm lại được “báu vật”, ông đã đem ra khu đất nơi trước đó nhặt được để thắp hương khấn vái, sau đó chôn sâu dưới đất.

Cha mẹ cất giấu, con lên mạng rao

Dù hai vợ chồng cố giấu kín nhưng trước đó, người con trai đi làm về thấy cục kim loại có hình thù kỳ dị, lại khắc chữ Nho nên đã chụp ảnh lại, đăng bán trên mạng xã hội vì nghĩ là đồ cổ. Thông tin nhanh chóng lan rộng, nhiều người tìm đến dò hỏi, xin được tận mắt chứng kiến “tín vật của nhà vua”. Chính quyền địa phương biết chuyện cũng đến nhà động viên ông Sửu giao nộp vật trên cho cơ quan chức năng.

Ngày 29/11, sau khi thông tin gia đình ông Sửu nhặt được “đồ cổ”, hàng trăm người từ khắp nơi đổ về xin được sờ vào vật đó để lấy may. Bà Khương kể, có người còn đem cả xấp tiền đặt lên vật đó với mong muốn những đồng tiền ấy sẽ sinh lợi lộc. Người khác lại bế cả con nhỏ đến cho tay sờ vào vật bằng kim loại để cầu bình an, sức khỏe.

“Vợ chồng chúng tôi chẳng biết vật đó linh thiêng, quý giá thế nào nhưng thấy người ta xếp hàng đến xem. Quang cảnh hỗn loạn khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn hoàn toàn”, bà Khương than.

Thông tin về một gia đình nông dân tình cờ phát hiện được vật kim loại được cho là ấn tín của vua chúa thời xưa nhanh chóng lan truyền. Nhận được thông tin, Phòng Văn hóa huyện Nghi Lộc cùng chính quyền địa phương đã có mặt tại nhà ông Sửu để xác nhận và làm các thủ tục liên quan.

Sau thời gian dài bàn bạc, gia đình ông Sửu mới thống nhất giao nộp lại cho cơ quan chức năng để xác định các giá trị lịch sử của vật trên. Ông Nguyễn Đình Dương, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện cho hay, vật này có thể là một ấn tín của vua chúa thời xưa. Dòng chữ mặt trước tạm dịch là “Cửu Long Kim Tỷ”, mặt dưới tạm dịch là “Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo”. Tuy nhiên, để biết chính xác về giá trị lịch sử cần phải giám định khoa học.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phan Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc xác nhận, đúng là gia đình ông Sửu có tìm thấy một vật nghi là ấn tín của vua chúa thời xưa. Tuy nhiên, giá trị của vật đó có đúng như dư luận đồn đồn hay không thì chưa xác định được.

Chiều 30/11, gia đình ông Sửu đã đồng ý bàn giao cho Bảo tàng Nghệ An để đơn vị liên quan tiến hành giám định vật kim loại đó. Việc bàn giao được niêm phong cẩn thận trước sự chứng kiến của hai bên, có biên bản bàn giao.

Dù cơ quan chức năng chưa xác định đó có phải là “đồ cổ” hay không nhưng gia đình ông Sửu và bà Đông vẫn đinh ninh rằng đó là “ấn tín của vua chúa thời xưa”. Vậy nên, tất cả thành viên trong hai gia đình đều vui mừng, háo hức chờ đợi kết luận của cơ quan chuyên môn. Mấy ngày nay, ông bà nghỉ hẳn công việc đồng áng để ở nhà trông chừng điện thoại và tiếp đón mọi người.

Hy vọng sửa nhà, chữa bệnh nhờ “vật quý”

Ông Sửu còn hồ hởi khoe rằng, khi vật đó chưa được bàn giao cho cơ quan chức năng, đã có người ở nơi khác tìm đến đưa ra giá 500 triệu đồng trước mặt ban công an xã đang canh trực. Cũng có người đến xem đã “báo giá” rằng, “báu vật” này có giá chừng 8 đến 10 tỷ đồng, có người lại nói là vô giá. Hàng loạt thông tin về giá trị của “ấn tín” khiến gia đình ông Sửu mừng rơn.

Điều đó cộng với chuyện trước khi nhặt được “ấn tín của vua chúa” mấy đêm, bà Khương từng có giấc mơ cuối năm nay gia đình sẽ có lộc khiến họ càng tin đó là “báu vật” thật sự. Bà Khương bộc bạch:

“Trong năm vừa qua, gia đình tôi gặp nhiều chuyện không may. Nhất là việc con gái út bị tai nạn giao thông, liệt tủy sống. Vợ chồng tôi chữa trị tốn kém hơn 100 triệu đồng nhưng con vẫn chưa đi lại được. Vậy nên, khi nhặt được “ấn tín” này, chúng tôi hy vọng sẽ đem lại điềm may cho gia đình, có được chút tiền để sửa sang lại nhà, chữa bệnh cho con gái thì càng tốt”.

Bà Đông Bà Khương kể lại chuyện nhặt được vật được nghi là “ấn tín của vua chúa thời xưa”

Tuy nhiên, một số người am hiểu về các cổ vật lại cho rằng ấn tín này nhiều khả năng là đồ giả. Theo lý giải của họ, ấn tín thật của nhà Thanh (Trung Quốc) làm bằng đồng đen hoặc vàng, trong khi hiện vật được phát hiện nói trên chỉ là kim loại bình thường.

Đồng thời, theo một số chuyên gia, không thể khẳng định giá trị khối kim loại trên nếu chỉ dựa vào dòng chữ phía dưới để nói chiếc ấn này thuộc hệ thống ấn cổ cùng tên của vương triều Mãn Thanh. Bởi lẽ, trên nguyên tắc, mọi loại ấn liên quan tới vua và triều đình đều có dòng lạc khoản ghi các thông tin về thời điểm và nơi chế tạo.Trong khi khối kim loại mới tìm thấy ở Nghệ An hoàn toàn không có dòng lạc khoản nào.

Một số người còn kiểm tra và phát hiện những chiếc ấn tương tự với chiếc ấn mới tìm thấy được bày bán công khai trên các các trang mua bán hàng với giá trên, dưới 1 triệu đồng. Thậm chí, cả hoa văn, màu sắc và họa tiết cũng giống nhau đến 70-80%.

Nhiều người nghi ngờ có ai đó đã mua chiếc ấn này, vì lý do gì đó mà vứt bỏ tại khu đồi Khe Gỗ. Do trời mưa xói đất, chiếc ấn trồi lên, từ đó bà Khương phát hiện được.

Thông tin từ Bảo tàng Nghệ An cho hay, đơn vị này sẽ niêm phong hiện vật và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định đánh giá đó là hàng giả hay thật, cụ thể giá trị kinh tế và văn hóa nếu có.

Theo Luật di sản văn hóa năm 2010, các thành viên hội đồng thẩm định sẽ gồm thành viên hội đồng thẩm định cổ vật quốc gia, cán bộ Bảo tàng tỉnh, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính.

Về chính sách thưởng cho người có công phát hiện hiện vật, Luật di sản quy định nếu hiện vật có giá trị một tỷ đồng thì người phát hiện sẽ hưởng 4%. Nếu hiện vật là 100 triệu đồng thì người có công phát hiện được hưởng 8%.
Phát hiện “đồ cổ”, bà Khương mừng rơn vội vàng cởi áo khoác trên người, quấn lấy khối kim loại rồi ôm về nhà. Thấy nhà mình cửa ngõ không an toàn, người phụ nữ này đã đưa “báu vật” sang nhà hàng xóm cất giữ trong két sắt.

Hàng ngày, bà lại chạy sang trông chừng, liên tục kiểm tra sợ bị đánh cắp. Hai ngày sau, ông Sửu từ trang trại về nhà, tìm khắp nơi không thấy khối kim loại vợ nhặt được. Nghe vợ kể đã gửi hàng xóm, ông bắt lấy về để mình cất giữ. Người vợ sợ chồng làm lộ thông tin nên lại âm thầm để trong túi nhỏ, thòng dây xuống giếng thu giấu.

Ông Sửu không thấy “vật quý” lại “ba chân bốn cẳng” chạy đi tìm. Lần này, sau khi tìm lại được “báu vật”, ông đã đem ra khu đất nơi trước đó nhặt được để thắp hương khấn vái, sau đó chôn sâu dưới đất.

Tác giả bài viết: Long Trần

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP