Xã hội

Cuộc sống của y sĩ bị nghi làm lây nhiễm HIV cho cả xã ở Phú Thọ

Anh T. đi làm trong trạng thái căng thẳng, vợ anh vì suy nghĩ nhiều đã sụt liền 5kg, không dám ra khỏi nhà vì những lời dị nghị.

Trong suốt gần 1 tháng qua, cuộc sống của gia đình y sĩ T. (34 tuổi, Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ) luôn trong trạng thái căng thẳng, kể từ khi người dân trong xã râm ran rằng anh sử dụng chung kim tiêm khiến nhiều người lây bệnh HIV.

Ông G., bố y sĩ T. chia sẻ, cuộc sống cả nhà đã bị xáo trộn rất lớn. Con trai ông hàng ngày vẫn đến bệnh viện làm việc nhưng tâm lý rất nặng nề, trong khi đó con dâu, hiện đang làm giáo viên sụt liền 5kg trong vòng 1 tháng, nhiều ngày không dám ra khỏi nhà vì sợ dị nghị.

Cả nhà sau đó cũng đã đi xét nghiệm HIV nhưng đều cho kết quả âm tính.

Nhà riêng của y sĩ T. tại xã Kim Thượng

Cũng theo lời ông G., những ngày đầu tiên khi mới có thông tin, một số người đến nhà “nói lời vào ra” khiến gia đình rất buồn lòng, suy nghĩ.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, sau khi người dân trong vùng được tư vấn, thông tin đầy đủ hơn, ông G. cho biết mọi chuyện đã bắt đầu lắng xuống, nhiều bà con xung quanh và họ hàng đã đến chia sẻ, động viên, quan hệ tốt đẹp.

“Chuyện nhiều người gây khó dễ, nói lời không hay âu cũng là do mỗi người một nhận thức khác nhau thôi, mình không nên trách họ”, ông G. nói.

Ông G. khẳng định, con trai không hề khám chữa bệnh chui tại nhà, không hề treo biển quảng cáo, lâu nay chỉ khám giúp người dân trong vùng khi mọi người đến nhờ.

“Ai đau đầu, sốt ho thì nhờ nó tiêm. Có hôm 7-8h tối mới về đến nhà nhưng bà con đã ngồi đợi chờ sẵn trước đó lâu rồi thì không thể từ chối được”, bố y sĩ T. chia sẻ.

Ông G. tin tưởng, con trai không bao giờ dùng chung kim tiêm vì mỗi cái kim chỉ có giá khoảng 1.000 đồng. Ông mong cơ quan chức năng sớm có kết luận để con trai được minh oan.

Là người từng đến nhà y sĩ T. thăm khám, điều trị nhiều lần, bà Tô Thị B. (69 tuổi, bản Chiềng 1, xã Kim Thượng) cũng khẳng đinh, có lần đến rất đông người chờ tiêm nhưng mỗi lần tiêm, y tế T. đều lấy kim tiêm riêng, dùng xong sẽ bỏ luôn vào sọt rác.

Ở cùng bản với bà B, chị H. xác nhận, cả 5 mẹ con chị đều từng đến nhà y sĩ T. thăm khám, tiêm nhiều loại thuốc khác nhau nhưng kết quả xét nghiệm của cả nhà vừa rồi đều âm tính với HIV.

Ông G. cho biết, sau khi học xong cấp 3, anh T. ở lại quê làm kinh tế một thời gian, sau đó học điều dưỡng trên TP. Việt Trì (Phú Thọ).

Sau khi tốt nghiệp, anh T. được nhận làm hợp đồng tại trạm y tế xã 2 năm rồi thi đỗ vào BV đa khoa huyện Tân Sơn, làm điều dưỡng khoa Khám bệnh.

Trong quá trình làm việc, anh T. được cơ quan cử đi học nhiều đợt để nâng cao tay nghề, được chuyển ngạch là y sĩ.

Liên quan đến việc phát hiện 42 người tại xã Kim Thượng nhiễm HIV, hiện các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ vẫn đang phối hợp cùng công an, ngành y tế địa phương xác minh rõ nguồn lây, bước đầu xác định bệnh do tích luỹ từ lâu.

Bằng chứng trong số 42 người mắc, đã có nhiều bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, trong khi thời gian để chuyển từ HIV sang AIDS cần 5-7 năm hoặc lâu hơn nữa.

Theo thống kê, ngay tại tỉnh Phú Thọ có 7 xã có trên 100 người nhiễm HIV và có 15 xã/phường có trên 50 người nhiễm, xã Kim Thượng nằm trong số này.

Tác giả: Thúy Hạnh – Đức Tuân

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Cuộc sống ,HIV ,y sỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP