Xã hội

Cuộc gọi nhờ 'chuộc' bạn lúc 1 giờ sáng khiến hướng dẫn viên run rẩy

Gần 1 giờ sáng, người hướng dẫn viên nhận được cuộc điện thoại của một vị khách trong đoàn. Qua điện thoại, giọng đầy lo lắng, vị khách nhờ anh mang tiền đi "chuộc" mấy người bạn.

Chia sẻ về nghề hướng dẫn viên du lịch, anh Nguyễn Văn Hoạt (SN 1987, có 7 năm kinh nghiệm trong nghề lữ hành) cho biết, việc coi khách hàng như người thân giúp các chuyến đi của anh trở nên dễ dàng hơn.

Anh Nguyễn Văn Hoạt (SN 1987, kinh nghiệm 7 năm trong nghề lữ hành) luôn tâm niệm, khách cũng là người thân của mình.

Sự tận tình với khách hàng giúp anh Hoạt ít khi phải chứng kiến những phản ứng gay gắt của khách. Anh cũng chưa lâm vào cảnh bị các 'thượng đế' chửi bới, thóa mạ hay hành hung. Tuy nhiên trong quá trình làm nghề, anh cũng từng trải qua không ít những cung bậc cảm xúc.

Anh Hoạt kể, lần đó, anh dẫn đoàn khách đi du lịch biển. Chuyến đi nghỉ mát dành cho các cán bộ công nhân viên của một công ty ở ngoại thành Hà Nội.

Trong chuyến đi, tất cả mọi người đều rất vui và hài lòng với lịch trình của công ty du lịch. Tuy nhiên đêm cuối cùng, một hành khách trong đoàn của anh đã gặp sự cố khiến anh Hoạt phải đứng ra giải quyết…

Anh Hoạt kể, hôm đó, sau bữa ăn tối tại khách sạn, đoàn khách vui chơi tự do. Họ chia thành các nhóm, nhóm đi mua sắm, nhóm đi dạo biển, nhóm đi nhậu… Gần 1 giờ sáng, anh nhận được cuộc điện thoại của một vị khách trong đoàn. Bằng giọng đầy lo lắng, vị khách nhờ anh mang tiền đi "chuộc" mấy anh em.

“Chưa hiểu chuyện gì xảy ra nên tôi khá hoang mang lo lắng”, anh Hoạt nhớ lại. Hóa ra sau khi nhậu say, nhóm khách (4 người) của anh rủ nhau đi hát karaoke. Trong phòng hát có vài nhân viên nữ. Tuy nhiên chưa kịp hát hò nhảy múa, nhóm khách của anh Hoạt hốt hoảng vì thấy 5, 6 gã đàn ông bặm trợn xông vào.

Một trong số đó túm lấy cổ áo của người đàn ông đang được nữ nhân viên chăm sóc đấm túi bụi vào mặt, vào người. Anh ta cho rằng, vị khách của anh Hoạt đang cặp bồ với vợ anh ta, cô nhân viên rót bia. Sau đó, nhóm thanh niên bặm trợn đề nghị vị khách này phải nộp một số tiền lớn (15 triệu đồng) nếu không sẽ mời công an vào làm việc.

Không muốn gặp rắc rối lại không muốn nhiều người biết chuyện, đàm tiếu nên nhóm khách đồng ý nộp tiền phạt. Tuy nhiên rút hết tiền trong ví của các thành viên ở phòng hát, vị khách này vẫn không có đủ số tiền trên. Cuối cùng, người khách đành cầu cứu hướng dẫn viên.

Anh Hoạt cho biết, sau khi mang tiền đến chuộc, nhóm khách của anh được thả ra về. Tuy nhiên mọi người đều yêu cầu anh Hoạt giữ bí mật với các thành viên khác trong đoàn. Anh Hoạt cũng chiều ý khách nhưng từ đó anh rút ra kinh nghiệm để các đoàn khách sau không ai gặp phải cảnh trớ trêu như vậy nữa.

Thời gian sau này, anh Hoạt không dẫn khách nội địa mà chuyển sang làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách đi nước ngoài. Trong các chuyến đi, anh vẫn thường nhắc nhở, hướng dẫn khách về những việc được và không được làm tại điểm du lịch.

"Nhưng một số khách vẫn bị công an nước sở tại phạt hoặc rơi vào tình trạng phải đi "chuộc" như vị khách ở phố biển năm nào”, anh Hoạt nói. Khi dẫn đoàn đi nước ngoài, điều khiến anh buồn nhất đó là một số vị khách vẫn giữ thói quen xấu như khi ở Việt Nam.

“Vào nhà hàng, họ nói chuyện và hô rất to. Đi ăn buffer, một số người Việt vẫn giữ thói quen lấy nhiều đồ ăn nhưng lại không dùng hết. Quản lý nhà hàng đến tận nơi nhắc nhở nhưng mọi người vẫn không hề thay đổi thói quen. Đặc biệt xấu hổ là lần tôi dẫn khách đi tắm hơi sauna tại Hàn Quốc”, anh Hoạt nói.

Theo anh Hoạt, trong dịch vụ này có phòng tắm chung, mọi người không ai mặc đồ. Trước khi dẫn khách vào tắm, hướng dẫn viên đã nói rất kỹ về việc giữ trật tự. Tuy nhiên khi vào phòng, thấy mọi người không ai mặc gì, nhiều khách Việt vẫn không giữ được im lặng.

Họ hướng ánh mắt tò mò vào người khác rồi xì xào, bình phẩm. Có người còn cười nói rôm rả khiến người Hàn Quốc và các vị khách quốc tế khác rất khó chịu. Quản lý của sauna phải gặp hướng dẫn viên để phàn nàn.

“Để gỡ rối, tôi phải thay mặt đoàn xin lỗi quản lý của họ nhưng sau đó tôi thấy rất buồn”, anh Hoạt nói tiếp. Theo anh Hoạt, anh buồn không phải vì bị quản lý nhắc nhở và phải xin lỗi mà buồn vì qua những hành động thiếu ý thức, thiếu tế nhị trên, hình ảnh người Việt khi đi du lịch sẽ kém đẹp hơn.

Người hướng dẫn viên chia sẻ, anh chỉ mong khi đi du lịch nói chung và du lịch nước ngoài nói riêng, khách hàng nên lắng nghe và hiểu những việc khó xử của hướng dẫn viên. Quan trọng hơn dù ở đâu cũng luôn cho bạn bè quốc tế thấy người Việt chúng ta là những người đáng mến.

Tác giả: Minh Anh - Hạnh Thúy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP