Kinh tế

Cục trưởng quản lý thị trường bị truy về 'cưa tai mài vỏ' bình gas

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng lực lượng quản lý thị trường chưa làm tròn vai trong kiểm tra, rà soát vấn nạn sang chiết, cưa tai mài vỏ bình gas.

Tại cuộc họp về quản lý thị trường kinh doanh khí hoá lỏng ngày 18/1, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện vẫn còn một số đơn vị kinh doanh chiếm dụng trái phép chai khí hoá lỏng (LPG), cưa tai mài vỏ không được kiểm định và đưa ra tiêu thụ trên thị trường gây mất an toàn cháy nổ, đe doạ trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Đề cập tới vụ việc nổi cộm vừa qua, ông Ngọc cho biết, tại thời điểm kiểm tra đột xuất trạm nạp LPG của Công ty TNHH Khí dầu mỏ hoá lỏng Phúc Khang (Hoà Bình) phát hiện một số công nhân đang sang chiết gas vào bình nhưng lại mang thương hiệu của doanh nghiệp khác mà đơn vị không có hợp đồng thuê nạp. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ giấy tờ, tang vật có dấu hiệu vi phạm với 109 bình gas mang các nhãn hiệu Total Gas, Petrolimex, Shell Gas, Đại Hải…

Đoàn kiểm tra cũng thu giữ 152 bình gas loại 12 kg tại xưởng sơn, lò đốt của đơn vị này do có dấu hiệu cưa tai, mài vỏ của doanh nghiệp khác để sơn phủ nhãn hiệu Phúc Khang.

Tình hình sang chiết, cưa tai mài vỏ bình gas đang khá phức tạp.

Theo vị này, các quy định hiện nay chưa làm rõ việc sở hữu bình gas là thương hiệu hay tài sản, vì người sử dụng khi dùng gas đã bỏ một khoản tiền để mua vỏ bình. Vì thế, có thể hiểu doanh nghiệp phân phối bình gas đến người tiêu dùng đã nhận lại một khoản tiền tương đương. Mặt khác, các đơn vị khi thu gom bình trong dân cũng đã trả một khoản tiền cho người tiêu dùng để thu mua lại vỏ bình gas, hoặc đưa bình khác của mình để trao đổi. Do đó, để kết luận doanh nghiệp chiếm dụng chai của đơn vị khác trong trường hợp này rất khó khăn.

Ngoài ra, tình trạng chiếm giữ bỏ bình giữa các doanh nghiệp nhức nhối phần lớn do các hợp đồng trao đổi vỏ giữa các doanh nghiệp tự lập ra với nhau, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước khi kiểm tra.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ việc, căn cứ tính chất mức độ vi phạm của Công ty Phúc Khang đoàn kiểm tra quyêt định xử phạt hành chính 190 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh 2 tháng và tịch thu 261 bình gas vi phạm. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian tạm rút giấy phép đơn vị này vẫn hoạt động lén lút, bán hàng cho đại lý... khiến dư luận bức xúc. Theo ông Ngọc, nếu không có quy định cụ thể thì khó xử lý được hành vi thu giữ trái phép bình gas.

“Việc sang chiết gas tại Phúc Khang thường diễn ra 2-3h sáng, tường vây cao bao quanh khu vực trạm chiết... gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường khi kiểm tra, bắt quả tang hành vi san chiết trái phép, cưa tai mài vỏ của đơn vị này. Cục đã cử 10 cán bộ, phối hợp với C74 (Tổng cục cảnh sát) kiểm tra”, ông Ngọc cho biết.

Nghe Cục trưởng Quản lý thị trường báo cáo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ngắt lời: “Các đồng chí nói liên tục có văn bản yêu cầu địa phương tăng cường kiểm tra, nhưng thực tế nội dung cụ thể ra sao, kết quả kiểm tra ra sao không được phản ánh lại. Nếu chỉ hô hào “tăng cường hiệu lực, hiệu quả” thì không thể giải quyết được gì. Ta buông lỏng quản lý thế này để tiếp tục diễn biến tới bao giờ, khi nào mới xử lý?”, Bộ trưởng dồn dập đặt loạt câu hỏi hướng về phía Cục trưởng Quản lý thị trường.

Thừa nhận chưa kịp thời báo cáo Bộ trưởng, nhưng Cục trưởng Cục Quản lý thị trường khẳng định, cơ quan này đã thực hiện đúng quy định kiểm tra xử phạt, tuy nhiên không thể xử lý hình sự do các dấu hiệu thu thập được chưa đủ căn cứ và không thuộc thẩm quyền.

Giải trình của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường không được Bộ trưởng chấp thuận. Theo ông, trong vụ việc Công ty Phúc Khang hành vi sang chiết gas trái phép khá rõ ràng song lực lượng quản lý thị trường viện lý do “doanh nghiệp làm lậu vào ban đêm không giám sát được thì không thể chấp nhận được”.

Chia sẻ với lực lượng quản lý thị trường mỏng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phê bình Cục Quản lý thị trường đã thiếu đôn đốc kiểm tra tại địa phương. “Phân cấp ở địa phương không có nghĩa buông lỏng trách nhiệm quản lý, đẩy trách nhiệm địa phương", ông nói và đặt câu hỏi, "vi phạm nghiêm trọng tái diễn tại Công ty Phúc Khang có thể xử lý hình sự được không?".

Đáp lại, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng dẫn ra một loạt các quy định liên quan đến xử lý vi phạm như tại Nghị định 67, Nghị định 42 về tàng trữ và mua bán trái phép chai LPG, và cho biết cũng có một số điều khoản xử lý vi phạm hình sự quy định tại Bộ luật Hình sự. "Việc sang chiết gas giả gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng có thể là lừa đảo khách hàng, có thể xem xét xử lý hình sự", ông Tân cho biết.

Phê bình các Cục, Vụ đã chưa làm tròn trách nhiệm trong tham mưu chính sách, nhất là Cục Quản lý thị trường chưa tròn trách nhiệm trong theo dõi diễn biến thị trường, giám sát chấp hành pháp luật ở địa phương, doanh nghiệp, dẫn tới buông lỏng quản lý, thực thi trách nhiệm trong quản lý Nhà nước mặt hàng kinh doanh khí hoá lỏng.

“Tôi phê bình nghiêm khắc Cục Quản lý thị trường, cá nhân Cục trưởng trong thực thi nhiệm vụ, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Chỉ thị 13 của Bộ trưởng Công Thương, cũng như phối hợp với các đơn vị chức năng. “Yêu cầu Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nghiêm túc rút kinh nghiệm”, ông nói.

Trước thực tế tình trạng sang chiết gas trái phép, cưa tai mài vỏ, lãnh đạo Bộ yêu cầu Cục Quản lý thị trường lập tổ công tác xem xét xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí hoá lỏng tại các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Phúc Khang. Cục Quản lý thị trường khẩn trương làm rõ căn cứ pháp luật, tính chất mức độ vi phạm và có giải pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm hành vi này trong thời gian tới. Vụ Kế hoạch lên kế hoạch giám định chất lượng vỏ bình gas tại các cơ sở vi phạm, trường hợp đủ dấu hiệu xử lý hình sự thì kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý. Các đơn vị chức năng được yêu cầu báo cáo kết quả lên lãnh đạo Bộ trong một tuần.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP