Du lịch

Cửa Lò sẽ mở cửa đón khách du lịch vào năm 2022

Là khu du lịch trọng điểm của tỉnh Nghệ An, kinh tế dịch vụ, du lịch chiếm trên 62% GDP, nên khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã tác động nặng nề đến kinh tế, xã hội thị xã Cửa Lò. Vì thế, với việc tiêm phủ vacccine phòng chống Covid-19 cho người dân sinh sống trên địa bàn thị xã mũi 1 đạt trên 98%, mũi 2 trên 79%, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Doãn Tiến Dũng cho biết, Cửa Lò đang chuẩn bị các điều kiện để mở cửa đón khách du lịch trở lại vào năm 2022.

Lượng khách du lịch giảm sâu

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, địa phương phải có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa đón khách trở lại bảo đảm an toàn

Theo báo cáo tại cuộc làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chiều 11.12, hiện nay, thị xã Cửa Lò có 300 cơ sở lưu trú du lịch với 11.501 phòng nghỉ có khả năng phục vụ khoảng 3.000 lượt khách mỗi ngày đêm. Năm 2020, mặc dù dịch bùng phát các nơi nhưng thị xã Cửa Lò làm tốt công tác phòng chống dịch nên chưa để dịch bệnh xảy ra, nhờ đó hoạt động du lịch vẫn đón và phục vụ 1,811 triệu lượt khách bằng 56,9% so với năm 2019, đạt 52% kế hoạch năm. Trong đó khách lưu trú đạt 878 nghìn lượt người, đạt 52% so với năm 2019, đạt 48% kế hoạch năm. Khách quốc tế đạt 1.220 lượt người. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 1.759 tỷ đồng, đạt 51% so với năm 2019, đạt 42% kế hoạch năm.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với biến thể Delta lây lan nhanh trên diện rộng, thị xã Cửa Lò có những ca nhiễm đầu tiên và mọi hoạt động của thị xã tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hoạt động du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng khách, doanh thu, lao động trong ngành, thu ngân sách đều giảm sâu. Tổng lượng khách du lịch ước đạt 95.000 lượt khách, bằng 5,4% so với cùng kỳ, đạt 2,8% so với kế hoạch, trong đó khách lưu trú 24.500 lượt, bằng 2,9% so với cùng kỳ, đạt 0,8% so với kế hoạch. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 97 tỷ đồng, bằng 5,7% so với cùng kỳ, đạt 6% so với kế hoạch.

Về các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch như xe điện 4 bánh, mô tô nước, kinh doanh, chế biển nông, hải sản… do lượng khách du lịch giảm sâu nên đều bị ảnh hưởng nặng nề, từ doanh thu đến lợi nhuận. Trong đó, 3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mô tô nước trên biển (với 12 phương tiện) năm 2021 gần như không hoạt động. Các hoạt động khác như dịch vụ chụp ảnh, bán hàng lưu niệm, dịch vụ âm thanh, ánh sáng tổ chức sự kiện... đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu nhập của người lao động cũng giảm 70 - 80%.

Hỗ trợ kinh phí đào tạo lại lao động

Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Doãn Tiến Dũng cho biết, Cửa Lò đang chuẩn bị các điều kiện để mở cửa đón khách du lịch trở lại vào năm 2022

Thị xã Cửa Lò đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát đối với các chính sách hỗ trợ kích cầu, phục hồi du lịch thích ứng trong tình hình mới để bảo đảm chính sách được thực hiện nhanh, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, đồng thời tăng cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư, các khoản tín dụng gia hạn trả nợ, tái đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để tiếp tục hoạt động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm việc với đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để sớm giải ngân vốn vay ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn như công trình đê kè biển, đường dọc số 5 và một số công trình hạ tầng khác.

Đặc biệt, do phần lớn nhân lực ngành du lịch đã chuyển sang ngành khác, nên để bảo đảm có đủ lao động khi phục hồi thị trường du lịch, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp đào tạo lại lao động, nhất là khi Cửa Lò đang chuẩn bị các điều kiện để mở cửa đón khách trở lại vào năm 2022.

Cửa Lò cũng mong muốn tỉnh Nghệ An có nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong kích cầu du lịch giai đoạn mới để thu hút đầu tư. Làm việc với chủ đầu tư Khu vui chơi giải trí Cửa Hội để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Vinpearl giai đoạn 2 và sớm đưa công trình vào hoạt động, góp phần phát triển du lịch Cửa Lò. Có lộ trình thu hồi quyền sử dụng đất đối với các dự án đã được cấp đất nhưng không đầu tư xây dựng hoặc đầu tư, sử dụng sai mục đích không phù hợp quy hoạch để tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực. Có chính sách để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các công trình, khu đô thị dọc theo tuyến Đại lộ Vinh - Cửa Lò, góp phần phát triển trục đô thị mới Vinh - Cửa Lò.

Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao việc Cửa Lò nói riêng, Nghệ An nói chung đã chủ động xây dựng các kịch bản phục hồi du lịch, nhưng lưu ý đi kèm các kịch bản đó phải có giải pháp tương ứng, đồng thời xác định thứ tự ưu tiên, bởi thời gian phục hồi chỉ 2 - 3 năm…

Tác giả: Nhật Linh

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP