Trong tỉnh

CSGT thành phố Vinh nói gì về việc 'cải trang' khi tuần tra?

Đại diện Cảnh sát giao thông - Công an TP Vinh (Nghệ An) khẳng định, việc triển khai lực lượng mặc thường phục kết hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, là thực hiện theo đúng tinh thần Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, cũng như chỉ đạo của Công an tỉnh.

Ngày 30/10, trao đổi với Tiền Phong, đại úy Lê Đăng Khoa – Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) thành phố Vinh cho biết: Việc đơn vị triển khai lực lượng mặc thường phục kết hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, là thực hiện theo đúng tinh thần Thông tư 01/2016 của Bộ Công an cũng như chỉ đạo của Công an tỉnh.

Cũng theo đại úy Lê Đăng Khoa, sau một thời gian triển khai, đội CSGT thành phố Vinh đã đạt được những hiệu quả thiết thực. Trong năm 2017, đơn vị đã xử lý 1.141 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; bắt giữ 5 vụ, 5 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy, thu 0,5g cần sa, 0,49g ma túy đá, 0,33g heroin; 19 xe mô tô là tang vật của các vụ trộm.

Trụ sở Đội CSGT Công an thành Vinh.

Đại úy Lê Đăng Khoa cho rằng, việc áp dụng tuần tra hóa trang kết hợp với công khai của lực lượng CSGT thành phố Vinh đã nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát, giảm nguy cơ rủi ro, thương vong, chống đối người thi hành nhiệm vụ trong quá trình xử lý người vi phạm.

Tuy nhiên, cũng có không ít những băn khoăn về việc CSGT mặc thường phục khi làm nhiệm vụ tuần tra. Anh Nguyễn Quyết Thịnh (46 tuổi, trú tại phường Hưng Bình) cho biết: “Khi đang lưu thông trên đường, bỗng dưng bạn bị một nhóm người chặn xe. Khi đó chúng tôi dựa vào đâu để nhận biết người chặn xe là CSGT hay là người xấu. Phụ nữ đi một mình trong các ngõ hẻm càng nguy hiểm hơn”.

Nói về vấn đề này, Đại úy Lê Đăng Khoa cho biết: “Nhiệm vụ của CSGT "cải trang" là ghi nhận tình hình, dùng các biện pháp nghiệp vụ ghi lại dữ liệu rồi thông báo và kết hợp với lực lượng công khai để làm việc. CSGT mặc thường phục không trực tiếp xử lý vi phạm ngay tại chỗ. Việc xử lý sẽ do CSGT mặc sắc phục công khai thực hiện. Ngoài ra, khi thực hiện nhiệm vụ, các CSGT mặc thường phục đều phải mang theo thẻ ngành, các giấy tờ liên quan khác để đủ cơ sở chứng minh.

Đối với các trường hợp là người lớn tuổi, phụ nữ không đội mũ bảo hiểm, ban đầu chúng tôi sẽ nhắc nhở. Việc kiểm tra, xử lý tập trung tối đa vào các đối tượng thanh, thiếu niên ngổ ngáo, có biểu hiện vi phạm pháp luật. Qua các vụ việc đã xử lý, có thể thấy chúng tôi phát hiện không chỉ những đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông, mà còn cả những đối tượng liên quan đến ma túy, trộm cắp...”.

CSGT hóa trang phối hợp với CSGT mặc sắc phục công khai xử lý vi phạm.

Việc xử lý, lập biên bản hành vi vi phạm là do CSGT sắc phục công khai dựa trên cơ sở, dữ liệu được lực lượng "cải trang" cung cấp.

“Chúng tôi hiểu những lo lắng của người dân nhưng chiến sĩ CSGT mặc thường phục không trực tiếp xử lý vi phạm tại chỗ, không chặn xe của người dân. Việc xử lý, lập biên bản là do CSGT sắc phục công khai dựa trên cơ sở, dữ liệu được lực lượng "cải trang" cung cấp”, Đại úy Khoa cho biết thêm.

Trước đó, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục CSGT – Bộ Công an cũng khẳng định, việc Công an TP Vinh lập tổ tuần tra hóa trang, cho phép CSGT mặc thường phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm là phù hợp theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an.

Tác giả: CẢNH HUỆ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP