Thể thao

Công Vinh đã ngáo bóng đá như thế nào?

"Đời tôi chả mấy khi say rượu, không bao giờ phê thuốc, nhưng 'ngáo' bóng đá thì chắc phải trăm bận" - Công Vinh nói trong tự truyện "Phút 89".

Cho đến giờ, nhiều người vẫn nghi hoặc thành tựu của Công Vinh và đặt câu hỏi liệu cầu thủ này thành công do tài năng hay may mắn. Câu trả lời có trong nội dung tự truyện Lê Công Vinh - Phút 89.

Công Vinh trong một trận đấu năm 2016.

Đứa trẻ kém nhất trong lứa đào tạo của Sông Lam Nghệ An

Những trang đầu cuốn tự truyện của Lê Công Vinh đưa bạn đọc tới miền Trung, trở về những năm tháng tuổi thơ nhiều vất vả. Thuở nhỏ, cậu bé Công Vinh có ước mơ làm sĩ quan chuyên nghiệp, bởi làm sĩ quan thì “oai cứng cựa”, và có lương để nuôi gia đình.

Nhưng tai họa ập xuống gia đình Công Vinh. Mẹ anh cho vay nặng lãi và bị quỵt, gia đình từ chủ nợ thành con nợ. Mẹ Công Vinh đi buôn đá đỏ gặp cướp, bố anh bị bắt vì 1 lần đi buôn ma túy duy nhất trong đời. Cùng quẫn, mẹ Công Vinh từng bỏ thuốc độc vào đồ ăn để cả nhà thoát cảnh khốn cùng…

Khi lò đào tạo Sông Lam Nghệ An (SLNA) đi khắp địa phương tuyển cầu thủ trẻ, Công Vinh ghi danh với mục đích nếu được chọn, chí ít gia đình sẽ không phải lo chi phí ăn học của mình nữa. Cậu là đứa trẻ thứ 25 được chọn trong lứa đào tạo cầu thủ trẻ ấy.

Không chỉ là người cuối cùng được vào danh sách, Công Vinh còn là người kém nhất trong lứa đào tạo. Anh như một tờ giấy trắng: “Tôi thì mảnh khảnh, hơi vụng, chưa có bất kỳ một ý niệm gì về chiến thuật hay vị trí trên sân”.

Bù lại, Công Vinh có ý chí mạnh mẽ. Bởi chưa có ý niệm gì về bóng đá, cậu bé Vinh khi đó luôn nỗ lực nhiều hơn các bạn trong những buổi tập. “Tôi không cho phép thua họ trong những trò chơi về kỹ năng”.

Điển hình là trong trò chơi bóng lưới. “Tôi chơi trò này không biết mệt mỏi. Thoạt đầu tiên tôi thua nhiều hơn thắng. Và hễ ai thua thì phải chui qua háng đối thủ”. Công Vinh thua và chui háng bạn riết thành quen. Cứ thấy ai rủ chơi là tham gia, chui một thời gian thì tiến bộ rõ. Từ chỗ thua nhiều hơn thắng, đã thành thắng nhiều hơn thua.

Đến khi vào học cấp ba, Công Vinh vẫn là kẻ kém nhất đội. “Cứ sau một đường chuyền hỏng, một cú sút ra ngoài, tôi lại phải nghe những tiếng cười chế nhạo. Thậm chí ngay cả khi các bạn không cười, tôi vẫn có cảm giác hàng chục cặp mắt đang nhìn về phía mình”, anh viết trong sách.

Nhưng Công Vinh biến sự kém cỏi đó thành cơ hội. Là người kém nhất, Công Vinh tập lại mọi thứ cơ bản nhất. Khi không có ưu điểm vượt trội nào về thể chất, Vinh đã rèn sao cho mọi động tác của mình đều chuẩn nhất về mặt kỹ thuật.

“Đó cũng chính là con đường mà tôi đã đi trong suốt chặng đường chuyên nghiệp sau này […] Muốn đi được đường dài, nhất định phải vững vễ lý thuyết và phải đi từ những cái cơ bản nhất”.

Bởi vậy, từ chỗ tin chắc mình bị loại, Công Vinh lần lượt chứng kiến các bạn khác bị loại khỏi kỳ thi sát hạch. 25 người trong lứa ấy, chỉ còn lại ba người: Công Vinh, Đức Cường và Hồng Tiến.

Cầu thủ tự kỷ “ngáo” bóng đá

Không chỉ miệt mài học lại những bước cơ bản nhất trong lý thuyết, kỹ năng khi ở lò đào tạo của SLNA, cho tới khi nhận danh hiệu Quả bóng vàng và được gọi lên đội tuyển quốc gia, Công Vinh vẫn nhẫn nại tập luyện.

Cuốn tự truyện kể về những năm tháng miệt mài luyện tập, thi đấu của Công Vinh.

Từ năm 2003, Công Vinh đã được triệu tập lên đội tuyển, năm 2004 giành danh hiệu Quả Bóng Vàng đầu tiên. Nhưng tới năm 2005, khi Riedl quay trở lại làm huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển, Công Vinh nằm trong danh sách dự bị. Lúc này, cặp tiền đạo chính của đội là Văn Quyến - Thanh Bình. Công Vinh có một mục tiêu mới: chinh phục Riedl và được ra sân.

Theo sách viết, quyết tâm ấy khiến Công Vinh rơi vào cơn "tự kỷ" nghiêm trọng. “Bóng đá chiếm trọn tâm trí tôi. Tôi yêu bóng đá hơn cả bản thân mình, hơn cả gia đình mình”.

Như một nhà bác học khùng thường thấy trong các bộ phim, Công Vinh khóa kín "căn phòng riêng" của mình, dù trời long đất lở cũng không mở, để được một mình với bóng đá.

Trong căn phòng tự kỷ ấy, Công Vinh làm những gì? “Cứ mỗi lần bỏ lỡ cơ hội nào trong màu áo SLNA thì tối hôm ấy tôi không tài nào ngủ được. Tôi thức cả đêm, suy nghĩ xem trong tình huống ấy mình có cách nào xử lý tốt hơn không. Tôi lấy giấy, viết ra, vẽ lại tình huống ấy, làm mọi cách để sau này có xuất hiện pha bóng tương tự, mình dứt khoát không được bỏ qua”.

Cho tới khi ở đội tuyển, từ thao thức, suy ngẫm, cơn tự kỷ đã chuyển thành hành động.

Trong những lần tập trung đội tuyển U23, thủ môn Đức Cường ở cùng phòng và phải hứng chịu cơn tự kỷ của Công Vinh. Nếu bỏ lỡ cơ hội nào, thì tối ấy, sẽ diễn ra cảnh Công Vinh lấy giày đinh đập vào đầu mình mà hét lên: “Vinh ơi, mày ngu lắm! Ngu lắm!”.

Anh kể: “Cứ hôm nào đá dở thì hôm sau tôi tập gấp đôi, và Đức Cường khốn khổ lại trở thành quân xanh cho tôi tập luyện”.

Công Vinh bắt Đức Cường đứng làm thủ môn cho anh tập sút. Một tiền đạo, một thủ môn cứ thế tập luyện đến tối, ngay cả khi các đồng đội đã về phòng. Cứ hết buổi tập chính, Đức Cường lui cui thu dọn đồ, nghe tiếng tôi gọi “Cường” là thủ môn này biết phải đứng cho tay tiền đạo kia tập. “Và tôi lại tập như điên, hành hạ Đức Cường như điên”, sách viết.

Đời tôi chả mấy khi say rượu, không bao giờ phê thuốc, nhưng “ngáo” bóng đá thì chắc phải trăm bận.

Kết quả của cơn tự kỷ không biết gì ngoài bóng đá đó, Công Vinh đã được ghi nhận. Anh được đá chính, cặp với Văn Quyến tại SEA games 23.

Không bao giờ chểnh mảng

Trong tự truyện của Công Vinh, có một chương nói về Văn Quyến. Ở chương sách này, Văn Quyến hiện lên như một thần tượng, một đàn anh của Công Vinh, một người “lắm tài nhiều tật”, đã chơi bóng hay làm bất cứ điều gì cũng đẩy lên tận đỉnh. Ngược lại với Văn Quyến tài hoa, Công Vinh tự nhận mình là người làm tròn phận sự trên sân cỏ.

Điều này được chứng minh trong các các bước đường sự nghiệp của anh. Dù có lúc sự nghiệp ấy lên tới đỉnh cao, mang lại vinh quang tột bậc cho cá nhân và cho đội tuyển ở AFF Cup 2008, hay khi tụt xuống tận đáy, là đối tượng chỉ trích của truyền thông và công chúng, những lần chấn thương, án phạt treo giò… Công Vinh hiện lên trong sách vẫn giữ được tình yêu dành cho bóng đá, và cố gắng làm tròn phận sự cầu thủ của mình.

Trong buổi giao lưu với độc giả Hà Nội về cuốn sách, Công Vinh khẳng định những gì anh có là do bóng đá mang lại.

Khi đá ở Hà Nội và ở thế cô lập, Công Vinh vẫn nỗ lực: "Dẫu thành tích của Hà Nội ACB không như ý, tôi vẫn cố hết sức làm tròn phận sự của mình".

Sau thời gian đá cho các câu lạc bộ ở Hà Nội, Công Vinh phải đối diện với nguy cơ "thất nghiệp". Nhưng HLV Hữu Thắng - người anh trong nghề của Công Vinh, "cây ATM" di động của Công Vinh khi ở lò SLNA - đã đưa Công Vinh về lại Sông Lam.

Nhiều cổ động viên nghi ngờ, không biết anh còn giữ được phong độ tốt sau mấy tháng tập “chay” không, họ nghi ngờ Công Vinh đã bước qua phía bên kia sườn dốc sự nghiệp không.

Với mục tiêu phải ghi bàn, để không phụ công HLV Hữu Thắng đã chịu nhiều áp lực khi đưa Công Vinh trở về câu lạc bộ, anh đã nỗ lực lớn. Anh đã cùng câu lạc bộ thăng hoa trong mùa giải ấy.

Cho tới khi ở đỉnh cao phong độ, khi nhận lời cảnh báo không được mắc bệnh ngôi sao, Công Vinh khẳng định mình vẫn luyện tập chăm chỉ. Công Vinh từng nói với Nguyễn Lân Trung: “Con có bệnh gì đâu bố. Như thế nào là bệnh ngôi sao? Con lên tập trung đúng ngày, con tuân thủ giáo án tập luyện, không bao giờ chểnh mảng. Giáo án ban huấn luyện đề ra con tuân thủ tuyệt đối, chiến thuật lên thế nào, con đá thế đó”.

"Làm tròn phận sự" là cụm từ được Công Vinh nhắc lại trong cuốn tự truyện. Cậu bé Vinh từ nhỏ đá bóng nhựa độn rơm rạ như bao đứa trẻ khác, không ước mơ làm cầu thủ, nhưng khi đã đặt chân vào lò đào tạo thì dù kỹ thuật bóng đá có là số 0, vẫn nhẫn nại học để viết từng chữ lên trang giấy trắng đó. Trong mỗi bước đường của sự nghiệp cầu thủ, Công Vinh vẫn luôn giữ sự nỗ lực không ngừng ấy.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Công Vinh ,SLNA

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP