Thể thao

Công Phượng của HLV Miura hiệu quả gấp 8 lần thời HLV Hữu Thắng

Công Phượng là một trong những niềm hy vọng của U22 Việt Nam ở SEA Games 29 nhưng vấn đề đặt ra, là HLV Hữu Thắng có thể “khai sáng” cho tiền đạo người xứ Nghệ.

Cuối năm 2014, Công Phượng cùng lứa U19 Học viện HAGL – JMG (đổi từ tháng 7 năm nay) được bầu Đức nhấc lên đá V.League. Sau gần 3 năm thi đấu chuyên nghiệp, tiền đạo mang áo số 10 đã có những cột mốc đáng nhớ và bất ngờ lớn là những gì tốt đẹp nhất ở các ĐTQG lại diễn ra dưới thời HLV Miura.

Theo thống kê, Công Phượng có 13 trận đấu chính thức dưới thời nhà cầm quân người Nhật. Tiền đạo xứ Nghệ ghi được 4 bàn thắng/3trận ở vòng loại U23 châu Á, 3 bàn thắng/6 trận ở SEA Games 28 và 1 pha lập công tại VCK U23 châu Á.

Công Phượng thời HLV Miura là "khắc tinh" của Malaysia. Ảnh: Văn Nhân

Tám bàn thắng của Công Phượng đều được ghi ở U23 Việt Nam. Trong màu áo ĐTVN, Công Phượng không có pha lập công nào, khi HLV Miura chỉ sử dụng tiền đạo này như quân cờ dự bị, và chỉ cho vào sân ở thời điểm cuối trận đấu.

Tuy nhiên, sau thành công dưới thời HLV Miura, Công Phượng bất ngờ “chìm” và chững lại so với kỳ vọng của người hâm mộ. Tiền đạo HAGL chưa một lần ghi bàn dưới thời HLV Hữu Thắng ở các trận đấu chính thức. Công Phượng chỉ có 2 bàn thắng trong 2 trận đấu giao hữu với ĐT Indonesia và U23 Malaysia.

Trong màu áo HAGL, Công Phượng ghi được 11 bàn thắng sau 31 lần ra sân ở V.League. Ngoài ra, anh có 5 trận đấu ở J-League 2 (Nhật Bản) nhưng chưa một lần lần công.

Từ những con số thống kê, có thể thấy Công Phượng hiệu quả nhất là thời gian được HLV Miura dẫn dắt, với hiệu suất hơn 0,6/trận. Nó trái ngược hoàn toàn so với phong độ tại CLB HAGL, CLB Mito và các ĐTQG dưới thời HLV Hữu Thắng.

Công Phượng dưới thời HLV Hữu Thắng chỉ biết ghi bàn ở các trận giao hữu. Ảnh: Văn Nhân

Hẳn nhiều người sẽ bất ngờ từ việc Công Phượng thời HLV Miura có hiệu quả… gấp 8 lần so với thời HLV Hữu Thắng. Nguyên nhân này được lý giải một cách khá rõ về cách dùng người của 2 HLV.

Dù cùng xếp Công Phượng đá hộ công nhưng sự khác biệt lớn, là HLV Miura “cấm” Phượng hoạt động xa khung thành. Thậm chí, anh chỉ cần chạy về gần nửa sân thì lập tức bị ông thầy người Nhật la hét.

Đó cũng là lý do Công Phượng ít vẽ vời, và chỉ dám làm điều này trong lúc HLV người Nhật không nắm U23 Việt Nam. Ví dụ trận giao hữu với U23 Myanmar ở sân Cẩm Phả, HLV Miura đi sang Thái Lan do thám đối thủ thì Phượng “dở chứng” cầm bóng đột phá gần nửa sân và ghi bàn. Lúc đó, trợ lý Nguyễn Thanh Sơn ngao ngán chỉ trích lối chơi cá nhân của anh.

Ngược lại, Công Phượng dưới thời HLV Hữu Thắng được đá khá tự do, chạy gần như dàn trải khắp sân. Có những thời điểm anh chạy về tận phần sân nhà để lấy bóng, dù được xếp đá tiền đạo.

NHM đang chờ đợi Công Phượng "lột xác" ở SEA Games 29. Ảnh: Văn Nhân

Dẫu vậy, con số thống kê và điểm nhấn về lối chơi của Công Phượng chỉ là con số để tham khảo. Vì mỗi HLV có cách dùng quân và lối chơi riêng nên Công Phượng kém hiệu quả không phải lỗi của bất kỳ ai, bởi có nhiều yếu tố tích hợp khác.

Đó là một hệ lụy lớn từ chấn thương vai sau VCK U23 châu Á, và sang Nhật ngồi dự bị trong một thời gian dài. Hơn hết, Phượng chưa cho thấy được sự trưởng thành trong 3 năm qua.

Chỉ còn hơn 1 tháng sẽ diễn ra SEA Games 29, Công Phượng đang là cái tên được chờ đợi của U22 Việt Nam. Hy vọng vòng loại U23 châu Á sẽ giúp Phượng “lột xác” khi từng có 5 bàn thắng ở đấu trường này (4 bàn thắng ở vòng loại và 1 bàn thắng ở VCK).

Tác giả: Hoài Anh

Nguồn tin: webthethao.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP