Kinh tế

'Công cụ bí mật' riêng: Giá xăng dầu Việt Nam, một mình một kiểu

Thị trường xăng dầu nguy cơ rơi vào hỗn loạn khi việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua bất cập. Các doanh nghiệp xăng dầu bị lỗ, trong khi đó xăng dầu có khả năng bị gián đoạn nguồn cung.

"Thực sự rất vất vả"

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thốt lên như vậy trong cuộc trò chuyện với PV.VietNamNet về tác động của công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua đến đơn vị này.

Lãnh đạo PVOil cho hay: Từ đầu năm đến nay giá dầu thế giới tăng liên tục, trong khi đó giá xăng dầu trong nước thời gian qua lại chủ yếu là giữ nguyên, không tăng. Từ đầu năm đến nay chỉ có một lần giá xăng dầu tăng, còn lại Nhà nước dùng Quỹ bình ổn giá để bù vào nhằm không tăng giá xăng. Có mặt hàng Quỹ bình ổn giá đã phải chi tới 2.800 đồng/lít.

Doanh nghiệp không hài lòng với cách điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Thực tế, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã trải qua 6 kỳ điều hành (mỗi kỳ cách nhau 15 ngày). Trong đó, giá xăng chỉ tăng một lần vào ngày 2/3 với mức tăng gần 1.000 đồng/lít. Còn lại là một lần giảm vào ngày 1/1/2019 và 4 lần giữ nguyên.

Đáng nói là, để kiềm chế giá xăng dầu như vậy, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải xả mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi ngày càng cao. Đơn cử kỳ điều hành mới nhất ngày 18/3 liên Bộ đã chi tới hơn 2.800 đồng/lít đối với xăng E5Ron92 và xả quỹ với các mặt hàng dầu từ 1.000 - hơn 1.600 đồng/lít.

“Điều này dẫn đến PVOil đang bị âm quỹ hơn 400 tỷ đồng”, ông Cao Hoài Dương lo lắng.

Theo đại diện PVOil, Quỹ bình ổn giá âm nghĩa là đang phải dùng tiền của doanh nghiệp hoặc vay ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ cho nhà nước. Quỹ này nguyên tắc là do nhà nước quản lý nhưng hiện nay quỹ này đang âm thì DN đang phải gồng mình trả hộ cho Nhà nước.

Trả lời PV.VietNamNet, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, cho rằng: Cách điều hành như vậy làm cho giá xăng dầu không phản ánh đúng giá thật, không đúng giá thị trường, mang tính hành chính can thiệp vào kinh doanh của DN. Ngoài ra, điều này làm cho DN nhỏ khốn khổ vì quỹ bình ổn giá, DN bị âm quỹ.

“Kinh tế thị trường làm gì có chuyện dùng một công cụ bí mật để can thiệp thị trường. Tôi cho Quỹ bình ổn giá là một công cụ bí mật của nhà điều hành, nên bỏ đi. Hiệp hội đã kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá khi xây dựng Nghị định 83 nhưng không ai nghe, không phản hồi.”, ông Ruệ nói thẳng “Quỹ bình ổn giá thực chất cũng là tiền của dân góp vào”.

Ông Phan Thế Ruệ cho rằng: Điều hành xăng dầu bao giờ cũng phải bảo vệ 3 lợi ích: Lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Lúc nào đó Nhà nước phải hy sinh lợi ích của mình. Lúc nào đó, DN phải hy sinh còn lúc nào đó người tiêu dùng phải hy sinh nhưng tổng thể không được làm mất cân đối đó đi. Khi làm mất cân đối 3 lợi ích thì thị trường hỏng.

“Đừng có dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào 3 lợi ích này, để cho nó hoạt động theo cơ chế thị trường”, ông Ruệ góp ý.

Một trong những lý do khiến xăng dầu lên xuống thất thường thời gian qua, là nhà điều hành sợ ảnh hưởng đến Chỉ số giá tiêu dùng, mục tiêu kiểm soát lạm phát. Nhưng lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu thẳng thắn: Cứ sợ CPI thì sợ đến bao giờ. Nếu sợ CPI thì không bao giờ Việt Nam có cơ chế thị trường.

Lãnh đạo PVOil cho biết hiện nay khâu bán lẻ xăng dầu đang bị ảnh hưởng bởi mấy lần không tăng giá vừa rồi, chiết khấu cho bán lẻ không bù được chi phí. “Bán lẻ đang rất vất vả”, ông Dương nói. Ngay trong hệ thống bán lẻ của PVOil, lãnh đạo đơn vị này cũng phải thừa nhận rằng “lỗ là hiển nhiên”.

Giá xăng dầu đang không theo cơ chế thị trường.

Lo thiếu xăng dầu

Tình hình này khiến nhiều người lo ngại nguồn cung xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng do doanh nghiệp càng nhập về càng lỗ.

Đại diện PVOil chia sẻ: Nếu Nhà nước cứ điều hành nhịp nhàng theo thị trường thì DN sẽ mua hàng về để cung ứng ra thị trường. Hiện nay trong nước đang có 2 nhà máy cung cấp xăng dầu là Nghi Sơn và Dung Quất. Nhưng vừa rồi Nghi Sơn đang trục trặc một chút nên nguồn cung gián đoạn, DN phải nhập khẩu.

Nói về việc nhập khẩu, ông Dương cho hay giai đoạn này các nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc sắp tới sẽ dừng để bảo hành cho nên không có nhiều hàng để bán.

"Nguồn cung cũng khó, nhưng PVOil cũng nhập được mấy lô nên vẫn đảm bảo nguồn cung cho hệ thống. Các cây xăng của PVOil không bị đứt hàng. Nguồn cung vẫn đảm bảo”, ông Dương nói.

Ông Cao Hoài Dương mong muốn thời gian tới Nhà nước sẽ điều hành theo thị trường có tăng có giảm chứ thế này “doanh nghiệp không chịu nổi”.

Nói về nguy cơ nguồn cung “đứt đoạn”, ông Phan Thế Ruệ cho rằng “thị trường không bao giờ mất nguồn cung, chỉ có cơ chế nhà nước khiến doanh nghiệp không nhập hàng nữa. Điều đó phải được cảnh báo với Chính phủ, với mọi người”.

“Phải đẩy mạnh thị trường hóa xăng dầu, đừng bao cấp nữa. Bảo sửa lại nghị định 83, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cứ nói mà hơn một năm nay Bộ Công Thương không sửa. Hiệp hội nói ngay từ đầu, nếu không cẩn thận làm mất nguồn cung là do cơ chế nhà nước chứ không phải do thị trường, do DN hay do nhân dân. Một nhóm người thôi", ông Ruệ nói.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP