Cộng đồng mạng

Công chúa Thủy Tề, Lệ Rơi… là sản phẩm của thị hiếu “lệch lạc”?

Khi mà càng ngày, các nhân vật như Lệ Rơi, Kenny Sang, bà Tưng hay gần đây nhất là Tùng Sơn với nickname Công chúa Thủy Tề … càng “hái ra tiền” nhờ các trò lố lăng, điên khùng bất chấp những lời chỉ trích, một câu hỏi được đặt ra là, phải chăng nhiều người đang quá dung túng cho họ?

Nhố nhăng, ngớ ngẩn cũng... nổi tiếng

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng “nóng” lên với những hình ảnh, thông tin về nhân vật Tùng Sơn (tên thật là Sơn Chanh Ni) với nickname Công chúa Thủy Tề. Không chỉ gây chú ý với biệt danh mỹ miều, nam nhân này còn khiến cư dân mạng “trân trối” với cách phối đồ quái dị, không giống ai. Thường là anh mặc váy, kết hợp với tóc giả và trang điểm lòe loẹt với cách tạo dáng khó đỡ. Hình ảnh anh mặc váy trắng cô dâu nằm bẹp dưới nước, hay dặt dẹo ôm gốc cây khiến người ta nhìn mà muốn… chửi.

"Công chúa Thủy Tề" Tùng Sơn với cách trang điểm, ăn mặc, tạo dáng phản cảm.

Nhưng càng chửi anh càng “dấn thân”, tung ra các clip khóc thương nhớ người yêu vật vã trên mạng. Trò lố của Công chúa Thủy Tề tiếp tục khi anh đăng ký cuộc thi hát và thể hiện ca khúc “Anh cứ đi đi”, bản hit của ca sĩ Hari Won. Ngay lập tức, Tùng Sơn bị gọi là “thảm họa âm nhạc”. Dù bị bóc mẽ là cố tình tạo chiêu trò, bị chửi nhưng clip phần trình diễn thảm họa của Tùng Sơn vẫn thu hút gần 4 triệu người xem. Với phát ngôn “càng chửi chúng tôi càng thích”, Tùng Sơn đã đạt được mục đích của mình. Anh có người quản lý trang cá nhân, được mời tham dự sự kiện và kiếm tiền “quá dễ”…

Hiện tượng Công chúa Thủy Tề khiến người ta nhớ đến trường hợp Lệ Rơi. Nhờ những clip liên tiếp khoe giọng hát “ngang như cua” mà Lệ Rơi gây được sự chú ý của những đôi tai đang nhàm chán. Giờ Tùng Sơn cũng bất chấp tất cả, ăn mặc, trang điểm lem nhem, tung những clip ngớ ngẩn chỉ để thu hút… “gạch đá” từ dư luận!

Không chỉ Công chúa Thủy Tề, Lệ Rơi bị coi là “trò lố” của showbiz Việt, trước đó là Tuấn Tú, Kenny Sang, bà Tưng… cũng nổi lên như những “hiện tượng mạng” nhờ những chiêu trò khác người. Tuấn Tú, giọng hát nam tính ẩn trong hình hài một người phụ nữ có râu, với phục trang đính đá cườm lấp lánh. Kenny Sang với những phát ngôn gây sốc, khoe mẽ. Còn bà Tưng (Huyền Anh) từng bị phạt vì ăn mặc, biểu diễn vô cùng phản cảm…

Trò lố xuất hiện là biểu hiện của thị hiếu “lệch lạc”


Khi mà càng ngày, các nhân vật lố bịch như Lệ Rơi, Kenny Sang, bà Tưng hay gần đây nhất là Tùng Sơn với nickname Công chúa Thủy Tề … càng “hái ra tiền” nhờ các trò nhố nhăng, điên khùng không giống ai, bất chấp những lời chỉ trích, một câu hỏi được đặt ra là, xã hội đang dung túng cho họ?

Công chúa Thủy Tề, bà Tưng và Lệ Rơi… là sản phẩm của thị hiếu“lệch lạc”?


Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Trịnh Hòa Bình- nhà tâm lý học, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam: “Rõ ràng chúng ta đang sống trong một giai đoạn các giá trị bị đảo lộn, xã hội đang biến động, thậm chí có “bệnh” khi chấp nhận sự tồn tại của các hiện tượng trên. Điều này cũng thể hiện trạng thái bế tắc về ứng xử, thể hiện sự bế tắc trong xã hội. Bên cạnh đó, nó cũng thể hiện màu sắc đa cực trong cộng đồng. Những người làm nghệ thuật chắc chắn không chấp nhận những “giá trị” mà Lệ Rơi, hay Công chúa Thủy Tề đem lại. Nhưng ngược lại khả năng kiếm tiền của Lệ Rơi, Công chúa Thủy Tề lại không hề kém hơn những người có giọng hát thực sự”

Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, sở dĩ xuất hiện và tồn tại những trường hợp nổi tiếng “từ trên trời rơi xuống” như Lệ Rơi, Công chúa Thủy Tề là vì thị hiếu lệch lạc của bộ phận giới trẻ. “Bất chấp tất cả để nổi tiếng là sự lệch lạc về suy nghĩ, ý tưởng. Nhưng điều đó cũng nảy sinh dựa trên thực trạng sự nhàm chán, nghèo nàn và xơ cứng của lĩnh vực giải trí. Vì nhàm chán, cư dân mạng mới cố gắng kiếm tìm hình ảnh độc đáo để gây chú ý. Bên cạnh đó có chiều hướng ngược lại, sự dị biệt, nhố nhăng, ngớ ngẩn cũng… nổi tiếng”, ông nói.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, việc chấp nhận những “hiện tượng mạng” chỉ là do thị hiếu nhất thời. Nếu không có Lệ Rơi, Công chúa Thủy Tề hay Kenny Sang… thì sẽ lại có những trường hợp khác để thõa mãn nhu cầu giải trí của khán giả. Tuy nhiên, sự tồn tại của những trường hợp “phản giá trị” này không tồn tại được lâu. Những gì là ảo, là nhố nhăng, kệch cỡm thì sớm muộn cũng bị đào thải.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hằng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP