Giáo dục

Công bố quốc tế phải là quy định cứng với ứng viên GS,PGS ở các lĩnh vực

Để đảm bảo công bằng, khách quan, công bố quốc tế đối với các ứng viên GS,PGS cần là một tiêu chuẩn cứng ở tất cả các lĩnh vực. Tiêu chuẩn này cần được sửa đổi và thực hiện trong cả bậc tiến sĩ.

Thời gian gần đây, một số cá nhân có bàn về việc cần thay đổi tiêu chuẩn công bố quốc tế bởi vì họ lo một số ngành không có GS (GS), Phó Giáo sư (PGS). Theo tôi, đây là ngụy biện, chứ không phải ý kiến vì một nền khoa học Việt Nam phát triển trong tương lai.

Ảnh thiết kế Ngọc Diệp.

Công bố quốc tế là một "trường học" cần thiết đối với giới học thuật

Như đã biết, để có công trình công bố quốc tế, nhà khoa học không chỉ thực sự có kiến thức chuyên ngành sâu, vững vàng mà còn có khả năng tư duy lý thuyết tốt để giải quyết mục tiêu cũng như kết quả nghiên cứu.

Nói cách khác, mỗi cá nhân khi tham gia cộng đồng công bố quốc tế đều có trình độ và đẳng cấp khác hẳn. Ai đã từng công bố quốc tế đều hiểu rằng, chỉ sau một lần có kết quả chính thức được công bố trên diễn đàn học thuật quốc tế thì tư duy, phương pháp và cách tiếp cận của họ có khác rất nhiều, đặc biệt đối với những người được đào tạo trong nước.

Quan trọng nữa, thông qua công bố quốc tế, vấn đề cập nhật phương pháp nghiên cứu và những xu hướng tri thức mới từ quá trình làm việc với chuyên gia phản biện là rất quan trọng trong thế giới khoa học biến đổi từng ngày như hiện nay.

Những người phản biện mù, ngang bằng (peer reviews) họ có trình độ cao để đánh giá một bài báo có thể được chấp nhận để công bố hoặc có thể được chấp nhận để sửa chữa, hoàn thiện để công bố hay từ chối.

Thông qua những phân tích, góp ý của người phản biện cho bài báo, các nhà nghiên cứu học hỏi được rất nhiều về tri thức mới trong cùng lĩnh vực, phương pháp và cách tư duy, làm việc của một kết quả nghiên cứu khoa học thật sự.

Trên thực tế, bất kỳ một công bố nào, nếu là ở dạng bài báo khoa học gốc (Articles) thì đều phải đáp ứng được lượng tri thức ở trình độ cũng như tính liên quốc tế, từ mục tiêu cho đến phương pháp; những tri thức tổng quan chung về vấn đề liên quan và trình độ để xử lý kết quả nghiên cứu, để công trình mang lại tri thức mới cho khoa học nhân loại.

Vì thế, công bố quốc tế không chỉ là một tiêu chuẩn cứng để chuẩn hóa đội ngũ nhà khoa học mà còn là một "trường học" thực sự cần thiết đối với giới học thuật giúp họ thường xuyên được tiếp cận với những phát hiện mới trong lĩnh vực của họ.

Cần nhấn mạnh thêm, gần đây cộng đồng liêm chính học thuật cũng như mạng xã hội đề cập tới một số nhà khoa học trong nước "bị lừa" bởi một số lượng tạp chí giả mạo chỉ số ISI/Scopus.

Chúng ta biết rằng đó là những "con sâu" một phần có vấn đề về đạo đức, một phần thể hiện sự yếu kém trong chuyên môn, thiếu hiểu biết khi gửi bài cho những loại tạp chí như vậy, và thực tế đã bị cộng đồng lên án, trả giá, càng không còn danh dự.

Bởi ai cũng biết việc tìm kiếm nhà xuất bản săn mồi, tạp chí giả mạo hiện nay là rất đơn giản bởi phần lớn những dạng xuất bản này đã được học giới trên thế giới liệt kê định kỳ hằng quý, thậm chí hằng tháng trên các trang website chuyên đề và phổ biến khắp thế giới.

Nhiều người đồng tình ủng hộ việc nếu phát hiện bất kỳ một trường hợp nào, chúng ta có thể thẳng thừng loại bỏ hồ sơ vĩnh viễn, và đây là quan điểm thể hiện trách nhiệm của mỗi nhà khoa học đối với nền học thuật nước nhà.

"Công bố hay là chết"

Đợt xét GS, PGS năm 2021 vừa qua coi như lời cảnh tỉnh quan trọng những ứng viên và hội đồng trong những năm tiếp theo. Trong bối cảnh công nghệ truyền thông như hiện nay, phần lớn nhà khoa học có đạo đức nghề nghiệp đều rất hiểu thông điệp "công bố hay là chết", nghĩa là một sản phẩm khoa học của bản thân mà vi phạm đạo đức thì họ có thể phát triển được sự nghiệp của họ hay không trước đồng nghiệp.

Công bố quốc tế, vì thế, phải là một tiêu chuẩn cứng không thể thay đổi đối với tất cả lĩnh vực, "không có vùng cấm". Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng không phải không có nội dung phù hợp để công bố quốc tế.

Đội ngũ nhà khoa học trong lực lượng an ninh, quốc phòng được đào tạo bài bản ở nước ngoài về không ít. Hoặc nếu vấn đề chuyên ngành ẩn chứa nhiều nội dung bí mật thì có một cách để chúng ta chuẩn hóa tiêu chuẩn quốc tế chính hội đồng biên tập cũng như yêu cầu mỗi hội đồng làm việc theo đúng tinh thần của các nhà xuất bản quốc tế uy tín; chúng ta có thể sử dụng những người giỏi trong số những người đào tạo tại các nước tiên tiến, có năng lực công bố quốc tế để họ tham gia nâng cao chất lượng các tạp chí theo chuẩn quốc tế.

Chuẩn hóa công bố khoa học theo thông lệ quốc tế, không cần bàn cãi, nó thể hiện tính chất cũng như trình độ khác hẳn.

Công bố quốc tế chính là điều kiện, cơ hội để nhà khoa học có nhiều phát hiện quan trọng trong tương lai. Chúng ta có giải thích như thế nào đi nữa thì chất lượng đội ngũ GS.PGS trong lĩnh vực không có công bố quốc tế đã đương nhiên bị hạ chuẩn trong mắt của đồng nghiệp các chuyên ngành khác.

Cần nói thêm, để thu hút và tạo điều kiện cho các nhà giáo, nhà khoa học trẻ xuất sắc, trong công bố quốc tế, có thể xem xét thêm tiêu chuẩn của tạp chí. Trên thực tế, để công bố 3 bài báo quốc tế uy tín chất lượng cao, nhiều nhà giáo phải mất ít nhất từ 3- 5 năm để nghiên cứu và làm việc với ban biên tập tạp chí, trong khi chỉ cần một lần công bố quốc tế, họ đã có thể làm việc độc lập ở lần công bố tiếp theo.

Do đó, nếu những tạp chí Q1 và có chỉ số H-Index cao thì không nhất thiết phải có đủ 3 công trình trở lên đối với ứng viên PGS mà có thể chỉ cần một công trình.

Ngoài ra, những công trình được công bố trên hội thảo quốc tế và xuất bản theo tiêu chuẩn quốc tế cần được đánh giá ngang bằng, thậm chí cao hơn bài báo công bố trên tạp chí. Điều này trong Thông tư 37 cần sửa đổi.

Những công bố trên hội thảo quốc tế uy tín, quá trình phản biện không chỉ thực hiện ở ngay phần tóm tắt (abstract) mà còn thực hiện liên tiếp các lần sau đó: phản biện bản toàn văn (full papers), phản biện trong hội nghị, và phản biện, đánh giá và chuẩn hóa trong quá trình xuất bản. Những báo cáo như vậy cần được xem là những công bố rất chất lượng và cần được bổ sung vào tiêu chí cứng như những bài tạp chí quốc tế uy tín.

Chúng ta đang cần một đội ngũ nhà khoa học tài năng, tâm huyết và có đạo đức để góp phần xây dựng Tổ quốc, xây dựng nền giáo dục, khoa học nước nhà phát triển.

Đội ngũ nhà khoa học được phong học hàm, học vị được hưởng chính sách từ nhà nước và ngành khác hẳn so với những đồng nghiệp khác.

Do đó, xét thấy công bố quốc tế là một đẳng cấp khác và đặc biệt quan trọng đối với nhà khoa học Việt Nam hiện nay, chúng ta cần có thái độ nghiêm túc và nghiên cứu cẩn trọng khi bàn về hạ chuẩn vấn đề này.

Để đảm bảo công bằng, khách quan, công bố quốc tế đối với các ứng viên GS.PGS cần là một tiêu chuẩn cứng ở tất cả các lĩnh vực. Tiêu chuẩn này cần được sửa đổi và thực hiện trong cả bậc tiến sĩ.

Tất cả những luận giải về chất lượng công bố quốc tế trước nay, tôi nhấn mạnh lại, đều là ngụy biện. Số lượng những công trình giả mạo hoặc những cá nhân ứng viên đạo đức kém là rất ít, và họ đã và sẽ phải trả giá rồi!.

Tác giả: Nguyễn Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP