Pháp luật

Công an, luật sư nói gì về vụ bà mẹ đơn thân lĩnh án tù vì làm sứt mép bàn quán karaoke?

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc truy tố những vụ việc không đúng bản chất khách quan của hành vi là nguyên nhân gây ra nhiều vụ kết án oan, sai.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến phiên tòa xét xử Lê Thị Trang (29 tuổi, trú TP Phủ Lý, Hà Nam) về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.

Theo trình bày của người mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, đêm 3/2, Trang đặt phòng tại quán karaoke của bà Nguyễn Thị Thanh Hà (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý) để tiếp một người bạn từ Hà Nội đến chơi. Tuy nhiên khi Trang đến nơi nói về việc đặt chỗ thì cả chủ quán và nhân viên không “tiếp lời” dẫn đến Trang và chủ quán to tiếng sau đó xảy ra giằng co.

Theo cáo buộc khi ngồi trên ghế salon, Trang cầm cốc thủy tinh đập vào mặt bàn đá làm vỡ phần mép. Cô đập tiếp lần hai khiến mặt bàn vỡ thêm.

a1
Lê Thị Trang tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PV

Cơ quan công tố cho rằng đủ cơ sở cáo buộc Trang làm sứt bàn, gây thiệt hại hơn 2 triệu đồng. Do đó, TAND TP Phủ Lý đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Trang 12 tháng tù.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vụ án trên, Thượng tá Phan Trọng Thắng (nguyên trinh sát Phòng Cảnh sát Hình sự - PC45, Công an TP Hà Nội) cho rằng, còn nhiều điểm vô lý chưa được cơ quan tố tụng TP Phủ Lý (Hà Nam) làm rõ.

Theo đó, quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng xác định, trên một cạnh dài chiếc mặt bàn bằng đá của gia đình bà Hà bị sứt 2 vị trí. Tổng giá trị thiệt hại chiếc mặt bàn của quán hát là hơn 2,8 triệu đồng.

“Như vậy số tiền hơn 2,8 triệu đồng là thiệt hại của cả chiếc mặt bàn nhưng thực tế nó chỉ bị bị sứt 2 vết nhỏ. Trong khi đó gia đình bị cáo đã đền 6 triệu đồng, hiện nay chiếc bàn cũng đã được khắc phục hư hỏng và sử dụng như bình thường. Do vậy, việc cơ quan tố tụng lấy định giá cả chiếc bàn để làm căn cứ xét xử vụ án là chưa chính xác. Tôi hy vọng rằng tại phiên tòa phúc thẩm tới đây, cơ quan tố tụng sẽ làm rõ những tình tiết trên để xét xử sự việc một cách công tâm, có tình có lý”, Thượng tá Thắng cho hay.

a2
Chiếc bàn ở quán karaoke, hiện được sử dụng như bình thường.

Thượng tá Thắng cũng viện dẫn vụ cơ quan công an quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội khởi tố vụ “làm vỡ chum ở quán rượu trị giá 2,7 triệu đồng”. Dù người làm vỡ chum sau đó đã nhận sai và đền bù chiếc chum mới nhưng Cơ quan công an vẫn khởi tố về tội: Phá hoại tài sản.

“Để xác định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hay hình sự, các cơ quan chức năng có thể căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi, tác hại xảy ra như thế nào. Qua theo dõi một số vụ việc bị hình sự hóa trong những năm gần đây, tôi thấy các cơ quan tố tụng, xét xử chỉ dựa vào mức độ thiệt hại để xử lý vụ việc.

Trong khi đó, lại coi nhẹ các lý do như không cố ý làm hư hỏng, đã khắc phục hậu quả và những tình tiết giảm nhẹ khác – những căn cứ quan trọng để xác định có áp dụng xử lý hình sự vi phạm pháp luật hay không. Việc truy tố những vụ việc không đúng bản chất khách quan của hành vi là nguyên nhân gây ra nhiều vụ kết án oan, sai trong áp dụng pháp luật hình sự”, vị chuyên gia phân tích.

Cùng bàn về vấn đề trên, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ: Ở vụ việc xét xử “người mẹ đơn thân làm hỏng mép bàn quán karaoke”, cơ quan điều tra phải xác định rõ: Chị Lê Thị Trang không cố ý làm hỏng chiếc bàn và đây không phải hành vi phạm tội nguy hiểm cho xã hội. Bản thân chị này sau đó đã đền bù, khắc phục hậu quả mà cơ quan tố tụng vẫn áp dụng luật một cách cứng nhắc để xử lý là chưa hợp lý.

a3
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội).

“Cần xem xét kỹ càng các tình tiết ban đầu để xem xét có thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hay không. Cơ quan thực thi pháp luật không thể tùy tiện áp dụng các quy định dẫn đến hình sự hóa. Nhiều trường hợp cụ thể tôi thấy rằng, dường như cơ quan công an làm việc theo cảm tính, thích thì khởi tố không cân nhắc kỹ lưỡng dẫn đến hệ thống pháp luật bị méo mó.

Có những vụ gây thương ích trên 11% nhưng vẫn không khởi tố bị can nhưng có những vụ giám định thương tật chỉ vài % vẫn bị khởi tố. Cũng có những vụ hủy hoại tài sản với thiệt hại hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không xử lý hình sự. Những vụ việc này xét theo hành vi, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Chính vì thế, không thể áp dụng các quy định của pháp luật một các chung chung cho tất cả các vụ việc được”, Luật sư Tú chia sẻ.

Luật sư Tú cũng kể thêm về vụ án 4 học sinh giật mũ bạn gái ở Hải Phòng bị khởi tố về tội “cướp giật tài sản” để dẫn chứng cho việc áp dụng pháp luật hình sự “cứng nhắc” của cơ quan điều tra.

Theo đó, một trong những dấu hiệu quan trọng của loại tội phạm này là động cơ, mục đích và lỗi. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra đã không xác định đúng động cơ, mục đích của tội phạm, hành vi khách quan của tội phạm cụ thể ở đây chỉ là “trêu đùa” bạn gái, không có mục đích chiếm đoạt tài sản vì các em hoàn toàn không có mục đích sử dụng tài sản (mũ, nón) bị cướp.

Việc xác định hậu quả cũng không phù hợp bởi vì giá trị tài sản ở đây không phải là mục đích của cả 2 bên hướng đến mà chỉ là phương tiện cách thức để trêu chọc bạn gái của các em học sinh.
a4
4 học sinh bị xét xử vì hành vi giật mũ của bạn gái.

Như vậy, hành vi nói trên chỉ nên xử lý ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính mà không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các em học sinh.

Việc sử dụng chế tài hình sự trong trường hợp này là một sai lầm, không có ý nghĩ giáo dục con người mà đi ngược lại là việc hủy hoại tương lai của các em với hình phạt hà khắc, tạo dư luận xấu, bất bình trong nhân dân và xâm phạm trật tự tư pháp của Nhà nước.

Qua những vụ việc trên, luật sư Tú cho rằng hiện tượng “hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự” xảy ra rất nhiều trong thực tiễn pháp lý. Bản chất của hiện tượng này chính là áp dụng pháp luật một cách sai trái gây nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình, xã hội và cần có giải pháp để khắc phục hiện tượng nói trên, giảm thiểu án “oan sai” trong hoạt động tư pháp.

Tác giả: Cao Tuân
Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP