Giáo dục

“Cơn mưa huy chương” thế hệ Vàng xứ Nghệ

Những cô cậu học trò xứ Nghệ ấy “mang chuông đi đánh xứ người” và đem về “cơn mưa huy chương” từ đấu trường Olympic quốc tế, đấu trường khu vực, làm rạng danh đất học.

Nghệ An vinh danh học sinh giỏi. Ảnh: Cảnh Huệ.

Là thí sinh duy nhất của cả tỉnh đạt 3 điểm 10 môn Toán, Hóa học, Sinh học trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Hồ Phi Khánh nay đã trở thành tân sinh viên đại học Y khoa Hà Nội. Để chạm tới ước mơ này, cậu bé trường làng đã “đổ mồ hôi sôi nước mắt” với biết bao nỗ lực, cố gắng. Sinh ra trong gia đình nông dân tại xã Quỳnh Dị, Hoàng Mai, Nghệ An, khi Khánh lên lớp 12, bố mẹ định hướng cho con trai thi vào ngành công an với ý nghĩ sau này đỡ đi chi phí học hành. Nhưng Khánh lại muốn được trở thành bác sĩ.

“Thay đổi vận mệnh”

Gương mặt thư sinh, cách nói chuyện có phần tưng tửng, hài hước, thủ khoa khối B toàn quốc bảo: “Điều quan trọng nhất là phải tự xác định được mình cần học cái gì tại kỳ thi THPT quốc gia. Không học và cố giải những đề thi thử quá khó, không học ngoài chương trình giới hạn”. Khánh tìm hiểu thêm tài liệu, thông tin trên mạng Internet để làm giàu kiến thức.

“Nhớ lại buổi kiểm tra đầu tiên khi đăng ký học lớp online môn Sinh, em chỉ làm đúng 5/20 câu. Lúc đó em đã thấy ngỡ ngàng, tưởng rằng mình hổng kiến thức môn Sinh, ai ngờ...hổng to đến thế. Nhưng em không sợ sai, vì càng sai mình càng có thêm kinh nghiệm”. Và kết quả cho những lần “sửa sai” sau 12 năm học đã giúp Hồ Phi Khánh giành trọn 30 điểm khối B.

Hồ Phi Khánh, Thủ khoa 30 điểm. Ảnh: Hồ Lài.

Năm nay, một trong 4 thủ khoa khối C toàn quốc cũng thuộc về Nghệ An: Tô Khánh Ly, 29 điểm. Bố đi xuất khẩu lao động, mẹ làm công nhân nhà máy dệt. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, mẹ em thường xuyên phải ở lại làm ca đêm kiếm thêm. Cô con gái đầu lòng theo mẹ ở nhà tập thể, mỗi cấp học lại chuyển một trường. Cho đến khi bố về nước dành dụm tiền xây được ngôi nhà mới thì cả gia đình mới ổn định chỗ ở. Vất vả từ nhỏ, cô bé sớm tự lập trong việc học tập cũng như đưa ra các quyết định cho bản thân.

Là học sinh chuyên địa lý trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Khánh Ly từng ấp ủ mong muốn sẽ được lọt vào đội tuyển quốc gia. Nhưng năm đầu tiên lỡ hẹn, năm sau cô giáo động viên vào đội dự tuyển thì em quyết định dừng lại, bởi “mục tiêu lớn nhất của mình là đậu đại học, nếu ôn đội tuyển quốc gia mình sẽ phải “đánh đổi” bằng việc dành phần lớn thời gian học đuổi kiến thức môn địa đáp ứng yêu cầu cao của kỳ thi.

Sau đó, sẽ lại tiếp tục vất vả học văn và sử cho kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, em dừng lại để tập trung cho cả 3 môn khối của mình”. Và lựa chọn đó của cô gái đã đem lại kết quả đáng tự hào với Văn 9,25 điểm, lịch sử 9,75 điểm và địa lý 10 điểm, giành ngôi thủ khoa.

Bữa cơm đạm bạc của Hồ Phi Khánh và gia đình.

“Vượt qua lời nguyền”

“Mẹ ơi, có vàng rồi!”, đó là dòng tin nhắn của Nguyễn Cảnh Hoàng (lớp 12A1 trường THPT chuyên Phan Bội Châu) gửi về cho mẹ Trần Thị Việt Hà ngay sau khi biết mình giành được Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2017 tại Brazil. Tin vui nhanh chóng lan đi, làm nức lòng tất thảy người thân, bạn bè và thầy cô giáo. “Lần đầu tiên phải đi xa đến thế để tham dự một cuộc thi nhưng em lại thấy khá thoải mái, không bị áp lực bởi bên cạnh luôn có các thầy cô đồng hành và đạt tổng điểm 28.

Lúc đó, cả em và các thầy đều hi vọng là được huy chương, nhưng đến khi thấy tên mình chính thức xuất hiện ở ngưỡng “vàng” thì mọi người mới vỡ òa niềm vui mừng”, Hoàng kể. Cậu học trò này từng được mệnh danh là “vua về nhì” bởi chưa bao giờ giành giải nhất trong tất cả các cuộc thi tham dự trước đó. Nhưng lần này, em đã vượt qua “lời nguyền” để trở thành chủ nhân chiếc Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế đầu tiên của tỉnh Nghệ An kể từ khi có học sinh tham dự từ năm 1986.

Vật lý, là môn thế mạnh, có bề dày thành tích của trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhiều năm qua. Năm học 2016 – 2017, trường có 2/5 học sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực. Trong đó, em Trần Hữu Bình Minh đã giành được HCB tại cuộc thi Olympic Vật lý châu Á, HCV Olympic Vật lý quốc tế.

Chủ nhân 2 tấm huy chương nói: “Đối với em, 2 cuộc thi vừa qua rất thú vị và thành công. Em được giao lưu với nhiều bạn ở nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa. Từ thành công bước đầu này, em sẽ cố gắng để vươn xa, khám phá thêm tri thức mới”. Trần Hữu Bình Minh có mẹ là giáo viên, bố là bộ đội đóng quân xa nhà. Chị Vũ Thị Hoa Lý – mẹ Bình Minh nói: “Bình Minh theo đuổi môn Vật lý từ khi còn là học sinh cấp 2. Lần lượt tham gia các kỳ thi cho đến khi vào được đội tuyển quốc tế một bước tiến dài mà gia đình không ngờ đến”.

Chủ tịch Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đón đội tuyển Olympic trở về. Ảnh: Hồ Lài.

“Kỳ tích”

Thành công của những cậu học trò vàng đã góp phần làm nên kỳ tích của trường THPT chuyên Phan Bội Châu, khi lần đầu tiên trong một năm có 5 học sinh tham dự Kỳ thi Olympic Quốc tế, khu vực và 4 giành huy chương. 2017 là năm thành công khi có 88 học sinh của trường đạt học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 7 học sinh đoạt giải nhất; 29 giải nhì, 30 giải ba và 22 học sinh đoạt giải khuyến khích.

Ở cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho sinh trung học cấp quốc gia, học sinh Đặng Thái Hùng, Nguyễn Văn Bảo Kiên cũng đem về cho trường giải nhất với dự án “Hệ thống tự động ngăn nước tràn vào nhà”.

Trong 5 năm gần đây, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có 12 huy chương Olympic quốc tế, khu vực. Trong đó, có 5 HCV của các em Cao Ngọc Thái, Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Cảnh Hoàng, Trần Hữu Bình Minh và 6 HCB, 1 HCĐ.

Tác giả: Hồ Lài - Quang Long

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP